Trưa Chúa nhật ngày 06 tháng Bảy năm 2025, đã có khoảng 20.000 tín hữu đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Thánh cha Lêô XIV, tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới trời nắng gắt.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Huấn dụ
Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã quảng diễn bài Tin mừng đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ XIV Thường niên năm C, kể lại việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi loan báo Tin mừng.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật tốt đẹp!
Bài Tin mừng hôm nay (Lc 10,1-12.17-20) nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của công cuộc truyền giáo, mà tất cả chúng ta đều được kêu gọi tham gia, mỗi người theo ơn gọi của mình và trong những hoàn cảnh cụ thể mà Chúa đặt chúng ta vào.
Chúa Giêsu sai 72 môn đệ (v.1). Con số biểu tượng này cho thấy niềm hy vọng của Tin mừng được dành cho mọi dân tộc: đây chính là lòng quảng đại của con tim Thiên Chúa, mùa gặt của Ngài dồi dào, nghĩa là hoạt động mà Chúa thực hiện trong trần thế để tất cả các con cái Chúa được tình thương của Chúa đi tới và được cứu độ.
Đồng thời, Chúa Giêsu nói: “Mùa gặt thì nhiều mà thợ gặt thì ít! Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai các thợ đến trong mùa gặt của Ngài!” (v.2).
Một đàng, trong tư cách là người gieo hạt giống, do lòng quảng đại, Chúa ra đi trong trần thế để gieo vãi và đã đặt trong tâm hồn con người và lịch sử ước muốn vô biên, mong một cuộc sống viên mãn, mong một ơn cứu độ giải thoát. Và vì thế, mùa gặt thật là dồi dào.
Nước Thiên Chúa như một hạt giống nảy mầm trong cánh đồng và những người nam nữ ngày nay, cả khi họ dường như bị đảo lộn vì bao nhiêu điều, nhưng họ vẫn đang chờ đợi một chân lý cao cả hơn. Họ tìm kiếm một ý nghĩa trọn vẹn hơn cho cuộc sống của họ, ước muốn công lý, họ mong mỏi đời sống vĩnh cửu.
Nhưng đàng khác, có ít các thợ gặt đi làm việc trong cánh đồng đã được Chúa gieo hạt và trước đó, họ không có khả năng nhận ra với đôi mắt của Chúa Giêsu, hạt giống tốt sẵn sàng được gặt hái (Xc Ga 4,35-38). Có một cái gì cao cả mà Chúa Giêsu muốn làm trong cuộc đời chúng ta và trong lịch sử nhân loại, nhưng ít có những người nhận thấy điều đó, và họ dừng lại để đón nhận hồng ân ấy và mang cho những người khác.
Cần những “thợ gặt chân chính”
Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến. Giáo hội và thế giới không cần những người thi hành nghĩa vụ tôn giáo bằng cách biểu dương đức tin của họ như cái nhãn hiệu bề ngoài; trái lại, cần những người thợ muốn làm việc trong cánh đồng truyền giáo, cần những môn đệ yêu thích làm chứng về Nước Thiên Chúa ở các nơi họ sống. Có lẽ không thiếu những “Kitô hữu nhất thời”, thỉnh thoảng dành chỗ cho các tâm tình tôn giáo hoặc tham dự vài biến cố; nhưng ít có người sẵn sàng làm việc hằng ngày trong cánh đồng của Thiên Chúa, vun trồng trong con tim mình hạt giống Tin mừng để rồi mang nó trong cuộc sống hằng ngày, trong gia đình, tại những nơi làm việc và học hành, trong các môi trường xã hội khác nhau và cho người đang ơ trong tình trạng túng thiếu.
Để thực hiện điều đó, không cần có quá nhiều những ý tưởng lý thuyết về những ý niệm mục vụ; nhất là cần xin chủ ruộng. Nghĩa là trước hết cần ở trong quan hệ với Chúa, nuôi dưỡng cuộc đối thoại với Ngài. Khi ấy chính Chúa làm cho chúng ta trở thành những người thợ của Ngài và sai chúng ta đến cánh đồng thế giới, như những chứng nhân về Nước của Ngài.
Và Đức Thánh cha kết luận: “Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã quảng đại thưa “Này con đây”, tham gia vào hoạt động cứu độ, chuyển cầu và đồng hành với chúng ta trên con đường theo Chúa, để cả chúng ta cũng có thể trở thành những người thợ vui tươi của Nước Thiên Chúa.”
Chào thăm và kêu gọi
Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha chào thăm một số nhóm tín hữu từ Roma cũng như nhiều miền ở Ý, đặc biệt có sự hiện diện của các tín hữu Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương.
Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha đặc biệt chia buồn với các nạn nhân vụ lũ lụt ở bang Texas, Hoa Kỳ trong những ngày qua, làm cho hơn 50 người bị thiệt mạng, trong đó có 15 trẻ em, 27 trẻ nữ thuộc một trại hè còn bị mất tích. Trại này có 750 trẻ nữ tham dự. Có 237 người được cứu thoát, trong đó có 167 trường hợp bằng trực thăng.
Đức Thánh cha cũng tái kêu gọi hòa bình cho những nơi đang bị chiến tranh và nói: “Anh chị em rất thân mến, hòa bình là một ước muốn của mọi dân tộc, và là tiếng kêu đau thương của những người bị chiến tranh xâu xé. Chúng ta hãy xin Chúa đánh động tâm trí của những nhà cầm quyền, để họ thay thế bạo lực của võ khí bằng sự tìm kiếm đối thoại”.
Sau cùng, Đức Thánh cha cho biết chiều Chúa nhật này, ngài sẽ đi nghỉ một thời gian ở Castel Gandolfo và ngài cầu chúc tất cả mọi người có thể trải qua một thời gian nghỉ hè để bồi bổ thân xác và tinh thần.
Bài viết liên quan
ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV TỎA SÁNG NIỀM VUI KITÔ GIÁO
Thế giới không cần một nhà lãnh đạo nào khác chỉ để lặp lại nỗi...
Đức Thánh cha bổ nhiệm tân Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em
Hôm mùng 05 tháng Bảy năm 2025, Đức Thánh cha Lêô XIV đã bổ nhiệm...
Số Hồng y cử tri còn 131 vị
Từ ngày 04 tháng Bảy năm 2025, số Hồng y cử tri, dưới 80 tuổi,...
Đức Thánh Cha Lêô XIV nhận hai xe điện phục vụ các chuyến Tông du tương lai
Vào ngày 03/7, tại Dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Lêô...
Giáo xứ nơi sinh trưởng của Đức Giáo hoàng Lêô mua lại căn nhà của gia đình Đức Giáo hoàng
Giáo xứ nơi sinh của Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã thành công trong việc...
Các tôn giáo nói “không” với chiến tranh
Cuộc họp Bàn tròn Hòa bình Tokyo, do các Tôn giáo vì hòa bình tổ...