Thứ Sáu đầu tháng, tuần 3 Phục Sinh – Thánh Giuse thợ – Người thợ vô danh: Thinh lặng, cầu nguyện và xin vâng

* Là một người thợ ở làng Galilê, thánh Giuse là mẫu gương người Kitô hữu phải noi theo để chu toàn các bổn phận nghề nghiệp, vì thánh Giuse đã làm việc trong tâm tình liên kết với Đức Giêsu. Lao động thì vất vả nhưng cũng đem lại niềm vui.

Lao động phục vụ con người nhưng cũng giúp đưa tới gần Thiên Chúa: đó là điều ta học được nơi trường học Nagiarét.

Lời Chúa: Mt 13, 54-58

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: “Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? và Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?” Và họ lấy làm gai chướng về Người.

Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: “Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình”.

Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin.

SUY NIỆM 1: Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn

“Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn…”

Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse… Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 – 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.

Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang… dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp…

Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách…

Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực…

Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.

Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao…

Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống…

(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – Radio Veritas Asia)

SUY NIỆM 2: Thánh Giuse: người lao động.

“Con bác thợ mộc”! Lời phát biểu này không có gì là khinh chê, chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên, người ta không thể tưởng tượng được cậu con trai tầm thường, mà mọi người trong làng Nadarét đều biết con của Giuse sống trong tối tăm. Thế mà mọi người đều thấy cậu khôn ngoan, đầy quyền lực làm phép lạ. Luca đã dẫn hai câu châm ngôn ngắn gọn: Ngôn sứ không ở quê nhà! thầy thuốc không thiêng cho bà con! để giải thích hoàn cảnh này, họ còn đi xa hơn nữa biến đổi sự ngạc nhiên ra sự xúc phạm: họ dận dữ và quyết định giết đi cho khuất mắt. Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều có nói: Đức Giê-su không muốn và cũng không thể làm được phép lạ vì họ cứng lòng tin… Những Phúc Âm hoang đường đã viết, Người đã làm nhiều điều kỳ diệu để tỏ cho họ biết Người là vị anh hùng vĩ đại, chỉ giản dị với danh hiệu: “Con bác thợ mộc”. Bác thợ mộc không có một ngôn sứ, không biết ăn nói, Giêsu chỉ là con ông Giuse thinh lặng thôi…

Giuse, Ngài đã nhận những lệnh của trời không qua cuộc đàm thoại như Ma-ri-a và Giacaria, nhưng qua giấc mơ, Ngài không thể nói gì, chỉ biết tỉnh dậy vâng lời; Giuse chỉ nói một tiếng như thiên sứ bảo; đặt tên con trẻ sinh ra bởi Ma-ri-a là Giêsu (có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ như Giosuê). Ngài đã nhận lệnh đặt tên, để biểu lộ Ngài được những đặc quyền thuộc dòng dõi David. Đó là dấu chỉ ân phúc cho Ngài như thiên sứ nói để giải tỏa nỗi âu lo của Ngài trước sự mang thai của Ma-ri-a: Giuse con dòng David… đó là vai trò thừa kế, không phải bằng đời sống huyết nhục, nhưng bằng sự nghiệp phong phú của lịch sữ Israel để thực hiện lời hứa với David. Nơi người con nuôi duy nhất của mình… vâng, Giuse chỉ nói một tiếng Giêsu, nhưng tiếng nói này quyết định cho lịch sử cứu độ. Rồi Ngài lại đi vào thinh lặng.

Như Claude đã viết: “Khi những dụng cụ được xếp vào chỗ của chúng rồi thì công việc trong ngày đã xong. Khi con lạc đà ở sông Giócdan ở Israel ngủ trong cánh đồng lúa về ban đêm… thì Giuse đi vào trong cuộc nói chuyện của Thiên Chúa với những tiếng thở dài không dứt…”.

L.P

 

Bài viết liên quan

Thứ Tư Tuần IV Mùa Thường Niên – THÁNH AGATA, trinh nữ, tử đạo

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, có khi nào chúng ta đặt câu hỏi: Tại...

Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thờ: Gia Đình Nơi Nuôi Dưỡng Ơn Gọi Thánh Hiến

Gia Đình Nơi Nuôi Dưỡng Ơn Gọi Thánh Hiến Tuấn Vũ, CSC Ml 3,1-4; Hr...

LỄ MỒNG 3 TẾT: Công việc – Ân huệ và trách nhiệm

Ngày mồng 3 Tết, Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho công ăn việc...

LỄ MỒNG HAI TẾT: Hiếu Kính Tổ Tiên – Dấu Chỉ Của Tình Yêu và Đức Tin

Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết, Giáo Hội Việt Nam mời gọi chúng ta hướng...

LỄ TÂN NIÊN: Năm Mới sống hy vọng

Năm mới luôn là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại những gì đã...

LỄ GIAO THỪA – XUÂN ẤT TỴ 2025: “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”

Đêm giao thừa luôn là một thời khắc thiêng liêng và ý nghĩa, khi chúng...