
Ngọc Yến – Vatican News
Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng y Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ thánh Phêrô; Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh sở từ thiện của Đức Thánh Cha; Đức TGM Piero Marini, Trưởng ban phụng vụ 18 năm dưới triều đại Giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II; Đức TGM Jan Romeo Pawlowski, người Ba Lan, trưởng phân bộ các nhân viên ngoại giao Tòa Thánh.
Đây là Thánh lễ cuối cùng do Đức Thánh Cha cử hành được truyền hình tiếp từ ngày 09/3/2020, sau khi Thánh lễ có giáo dân tham dự bị đình chỉ do đại dịch Covid-19. Với việc các Thánh lễ có giáo dân tham dự được cử hành trở lại tại Ý và một số nơi khác trên thế giới, việc phát sóng trực tiếp Thánh lễ lúc 7 giờ sáng tại Nhà nguyện Thánh Marta sẽ chấm dứt từ ngày 19/5. Đức Thánh Cha hy vọng rằng như thế Dân Chúa sẽ có thể trở lại với sự quen thuộc cộng đoàn với Chúa trong các Bí tích khi tham dự phụng vụ Chúa nhật, và thường xuyên gặp gỡ Chúa và Lời Ngài hàng ngày tại các nhà thờ.
Bắt đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Thiên Chúa luôn yêu thương và viếng thăm dân Ngài. Ngài viếng thăm dân Ngài qua việc sai ngôn sứ đến với dân. Hôm nay, ngay tại đây, chúng ta cũng có thế nói rằng cách đây 100 năm Thiên Chúa đã viếng thăm dân ngài, bằng cách gửi một người mà Ngài đã chuẩn bị, để trở thành một Giám mục dẫn dắt Giáo hội”.
Tiếp đến, Đức Thánh cha chỉ ra các đặc tính của vị Giáo hoàng Ba Lan: cầu nguyện, gần gũi với dân chúng và yêu sự công bằng.
Một người cầu nguyện
“Trước hết, Thánh Gioan Phaolô II là một người cầu nguyện của Thiên Chúa. Thánh Giáo hoàng biết rõ rằng nhiệm vụ đầu tiên của một Giám mục là cầu nguyện như chính Thánh Phêrô khẳng định. Mẫu gương của giám mục là cầu nguyện. Mỗi tối, khi xét mình, Giám mục phải tự hỏi tôi đã cầu nguyện như thế nào trong ngày?”
Một người gần gũi với dân
“Tiếp đến, Thánh Gioan Phaolô II là người gần gũi với dân chúng, không tách mình ra khỏi mọi người, trái lại Thánh nhân đi tìm dân. Sự gần gũi là một trong những đặc điểm của Thiên Chúa với dân Ngài. Một vị mục tử phải là người gần gũi với dân, ngược lại thì không phải là mục tử. Mục tử gần gũi với những người lớn và cả người nhỏ, những người ở gần và cả những ai đang còn ở xa”.
Một người yêu công bằng
Điểm nổi bật sau cùng của Thánh Giáo hoàng được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến đó là “Yêu sự công bằng. Thánh Gioan Phaolô II muốn sự công bằng xã hội, công bằng cho các dân tộc, công bằng khi chiến tranh được loại bỏ. Công bằng và lòng thương xót phải luôn đồng hành với nhau. Chúng ta hãy nghĩ đến biết bao điều Thánh Giáo hoàng đã thực hiện để mọi người hiểu được tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghĩ đến lòng sùng kính Thánh Faustina của ngài. Thánh Giáo hoàng đã cảm nhận được sự công bằng của Thiên Chúa có trong thái độ của lòng thương xót này”.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời cầu nguyện: “Hôm nay, chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta trở thành những con người của cầu nguyện, gần gũi và công bằng. Đó chính là các đặc điểm của lòng thương xót”.
Bài viết liên quan
Đức Thánh cha viếng thăm nhà tù Regina Coeli
Chiều Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 17 tháng Tư năm 2025, Đức Thánh cha Phanxicô...
Đàng Thánh Giá do Đức Thánh Cha Phanxicô soạn
Nội dung Đàng Thánh Cha năm 2025 do chính Đức Thánh Cha soạn cho buổi...
Đức Thánh Cha đến thăm nhà tù chiều Thứ Năm Tuần Thánh
Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô lại thực hiện một cử chỉ...
Thứ Năm Tuần Thánh: Bài giảng của Đức Thánh Cha cho Lễ Dầu (17/4)
Sáng Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 17/04, Đức Hồng Y Domenico Calcagno đã thay mặt...
Đức Thánh cha cải tổ Trường ngoại giao Tòa Thánh
Hôm 15 tháng Tư vừa qua, Phòng Báo chí đã công bố thủ bút của...
Đức Thánh cha tiếp kiến và cám ơn cộng đoàn Bệnh viện Gemelli
Sáng ngày 16 tháng Tư vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp và cám...