Ân sủng Phục sinh, một sự trở về Thiên đàng trong sự quan phòng của Thiên Chúa

Biểu tượng sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày thứ Hai Phục sinh gợi lên niềm hy vọng vào sự Phục Sinh. Thầy Phanxicô-Maria Lethel, dòng Camêlô, thần học gia và cố vấn tại Bộ Phong thánh, chia sẻ dấu chỉ thiêng liêng này trong cuộc phỏng vấn của Vatican News.
 

Vatican News

Đâu là ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng về sự ra đi của Đức Thánh Cha ngay sau lễ Phục Sinh? Dấu chỉ của thời hồng ân (kairos) này là gì?

Tôi hiện đang ở Lisieux, cạnh thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị thánh mà Đức Thánh Cha rất yêu mến. Thánh nữ đã nói: “Yêu thương là cho đi tất cả và trao ban cả chính mình”. Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự đã cống hiến cho đến cùng, chúng ta đã thấy điều này khi ngài đến thăm nhà tù vào thứ Năm Tuần Thánh, ban phép lành cho thành Roma và toàn thế giới vào lễ Phục sinh.

Đây không phải là một cử hành phụng vụ, nhưng vì Đức Maria đã hiện diện trong cuộc Thương Khó, nên Thứ Bảy Tuần Thánh được dành riêng cách đặc biệt cho Mẹ, và ngay sau đó là cử hành sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ngày hôm sau, chúng ta có thể chiêm ngắm Đức Trinh Nữ Maria. Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta có một tình yêu bao la dành cho Đức Mẹ. Ngài luôn thể hiện điều đó, đặc biệt trong các chuyến tông du. Ngài luôn đến cầu nguyện tại Đền thờ Đức Bà Cả để phó thác các chuyến đi. Tôi thật sự đã cảm nhận được ngày hôm đó Đức Mẹ đón tiếp ngài.

Tôi cũng nghĩ đến Thánh Giuse, vì Đức Thánh Cha của chúng ta rất sùng kính Thánh Cả. Ngài đã muốn khai mạc triều Giáo hoàng vào ngày 19/3. Ngài đã cho chúng ta một Tông thư tuyệt vời về thánh nhân, Patris corde-Trái tim người cha. Ngài cũng nhắc đến lòng đạo đức bình dân mà ngài rất quý trọng, và xem Thánh Giuse là đấng bảo trợ cho cái chết tốt đẹp. Đức Thánh Cha được Chúa Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse chào đón, vì huy hiệu của ngài tượng trưng cho Thánh Gia, do đó biểu tượng của mặt trời là Chúa Giêsu, ngôi sao là Đức Mẹ, và tiếp đến cây cam tùng, đối với người Tây Ban Nha, tượng trưng cho Thánh Giuse.

Tuần Bát nhật Phục sinh trùng với những ngày tang, điều này tạo nên nên bầu khí như thế nào? Đức Thánh Cha Phanxicô cảm nhận Thiên Đàng và viễn cảnh đời đời ra sao?

Là cố vấn cho các Án phong thánh, tôi thực sự nhìn nhận điều này dưới ánh sáng ấy, và tôi phải nói rằng tại Lisieux, chúng tôi thực sự trải nghiệm điều đó với Thánh Têrêsa, tất nhiên trong nỗi đau vì sự ra đi của người thân, nhưng sâu xa hơn, là trong niềm vui Phục sinh của Chúa Giêsu và của tất cả những ai đang ở bên Người, và nhất là trong sự hiệp thông các thánh.

Đức Thánh Cha thường nói về Thiên đàng, đặc biệt trong Tông huấn rất đẹp của ngài về Thánh Têrêsa Lisieux, “Chính sự tin tưởng. Ngài trích dẫn lời của Thánh nữ: Con sẽ sống Thiên Đàng của mình bằng cách làm điều lành dưới thế”, chân trời Thiên đàng luôn hiện diện. Người ta cũng thấy nơi ngài một sự thanh thản tuyệt vời. Thật sự, ai cũng cảm nhận được rằng Đức Thánh Cha đã rất yếu và Chúa đã đón nhận ngài. Tôi đã có mặt tại Rôma khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Biển Đức XVI qua đời; những biến cố ấy, những ngày tang lễ ấy là một hồng ân cho toàn thể Dân Chúa. Đó chính là nghịch lý của niềm vui và nỗi đau. Thánh Gioan Phaolô II qua đời vào thứ Bảy trong Tuần Bát nhật Phục Sinh, nghĩa là ngày trước Chúa nhật Lòng Thương Xót. Những ngày sau đó, một niềm vui rất mạnh mẽ lan tỏa. Đó là niềm vui của Thiên Đàng đang hiện diện. Trong những ngày trước tang lễ, niềm vui Phục sinh vượt trên cả nỗi buồn.

Nếu chúng ta nghĩ đến Đức Trinh Nữ Maria, các thánh nữ, và các tông đồ của Chúa Giêsu, những người rất đau buồn vì cuộc Thương Khó, nhưng sau đó đã sống niềm vui Phục sinh. Chúng ta cũng vậy. Đức Thánh Cha của chúng ta giờ đây không còn đau đớn nữa. Chúa đã đón nhận ngài vào Vương quốc của Người. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục cầu nguyện cho ngài. Về mặt mục vụ, trọng tâm được đặt nơi lời tạ ơn, cho tất cả những gì Chúa đã ban cho chúng ta qua ngài. Trong mười hai năm Giáo hoàng, ngài đã hiến dâng rất nhiều; giờ đây ngài tiếp tục cầu bầu trên Thiên Đàng, và sẽ dõi theo hành trình phía trước, cũng như người kế nhiệm mà Chúa sẽ gửi đến cho chúng ta.

Niềm vui Thiên đàng được phản chiếu xuống trần gian, và trong Giáo huấn của Đức Thánh Cha. Vậy đâu là mối tương quan của ngài với niềm vui, một nhân đức thiết yếu trong đời sống Kitô hữu?

Tất cả các văn kiện quan trọng của Đức Thánh Cha đều mang tên gắn liền với niềm vui: Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin MừngAmoris Laetitia – Niềm vui của Tình yêu, văn kiện về sự thánh thiện Gaudete et Exsultate – Hãy vui mừng Hân hoan, rồi văn kiện dành cho các đại học Công giáo Veritatis Gaudium – Niềm vui Chân lý. Và nếu chúng ta đọc lại những văn kiện quan trọng đó thì tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt đến thông điệp cuối cùng của Đức Thánh Cha, một bản di chúc thiêng liêng thực sự: Dilexit Nos – Người đã yêu thương chúng ta, thông điệp về Thánh Tâm Chúa Giêsu, chính xác hơn là tình yêu nhân loại và Thiên Chúa nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu. Khi văn kiện này được công bố, người ta cảm nhận được rằng Đức Thánh Cha khi ấy đã ở rất gần Thiên Đàng. Cần phải đọc và đọc lại văn kiện đó. Các thông điệp xã hội của ngài, như Laudato si’ và Fratelli tutti, đều bắt nguồn từ tình yêu sâu thẳm nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Bầu khí thánh thiêng của Năm thánh Hy vọng còn không khi không còn sự hiện diện của vị mục tử đã khai mạc?

Điều này gắn liền với sự hiện diện của Đức Thánh Cha trên trời và lời hứa của Chúa Giêsu dành cho Phêrô: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Chúa sẽ chỉ định người kế nhiệm Đức Thánh Cha. Chúng ta đang sống trong một khoảnh khắc khá đặc biệt, trong khi chờ đợi cuộc bầu chọn, đó là niềm hy vọng về sự sống của Giáo hội sẽ tiếp tục và trong đó Chúa sẽ luôn hiện diện. Cũng như Công đồng Vatican II đã bắt đầu với thánh Gioan XXIII và kết thúc với thánh Phaolô VI, thì Năm Thánh này, được khởi đầu với Đức Thánh Cha Phanxicô, sẽ được tiếp tục và kết thúc bởi người kế vị ngài. Đó là sự tiếp nối tuyệt đẹp trong đời sống của Giáo hội. Không có sự gián đoạn.

Đức Thánh Cha Phanxicô có cách tiếp cận nào đối với sự thánh thiện?

Một trong những văn kiện đẹp nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô là Tông huấn Gaudete et Exsultate, lời mời gọi nên thánh trong thế giới ngày nay, và sự nhấn mạnh của ngài về những “vị thánh ở ngay bên cạnh ta”. Ngài muốn cho thấy rằng sự thánh thiện là điều có thể đạt được. Ngoài các tín hữu đã được phong thánh, sự thánh thiện trong đời sống hằng ngày, trong đời sống bình thường của một người mẹ gia đình, là một sự nên thánh thiện có thể đạt được. Đó cũng là lý do tại sao sau Đức Mẹ và thánh Giuse, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là vị thánh mà ngài yêu mến nhất. Ngay lập tức, trong tâm trí ngài hiện lên hình ảnh của Têrêsa bé nhỏ.

Đức Thánh Cha yêu mến thánh nữ cách đặc biệt, và đã trích dẫn thánh Têrêsa nhiều nhất trong Thông điệp về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Con đường nên thánh, đường bé nhỏ mà thánh Têrêsa đã dạy là con đường dành cho tất cả. Không bao giờ là quá muộn để trở nên một vị thánh, như trường hợp của người trộm lành, “vị thánh của phút cuối”. Đức Thánh Cha đã cho thấy một cách mới mẻ về sự thánh thiện như là chân trời bình thường của đời sống Kitô hữu, một con đường có thể thực hiện được và sẵn sàng cho mọi tín hữu.

Bài viết liên quan

Phái đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam kính viếng Đức Thánh Cha Phanxicô

Sáng thứ Sáu ngày 25/4/2025, phái đoàn các Giám mục Việt Nam đã đến Roma...

Mật nghị Hồng y bầu chọn Giáo hoàng mới

Một câu hỏi thường được nêu lên trong những ngày này là: bao giờ Mật...

Đức Hồng y Woelki nói về Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng

Đức Hồng y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục Giáo phận Köln bên Đức, cho...

Chứng từ của bác sĩ Sergio Alfieri về sự ra đi của Đức Thánh cha Phanxicô

Bác sĩ Sergio Alfieri, Trưởng nhóm bác sĩ đã chữa trị cho Đức Thánh cha...

Giải thích vết bầm trên khuôn mặt thi hài Đức Thánh Cha

Thi hài Đức Thánh cha Phanxicô đang được quàn tại Đền thờ thánh Phêrô để...

Từ vựng thường dùng của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Đức Phanxicô biết cách nói chuyện bằng trái tim với mọi người vì ngài sử...