Câu chuyện Sáng thế bác bỏ các huyền thoại và trở về với thực tại

Alejandro Terán-Somohano

Trong loạt bài giảng về những chương đầu sách Sáng thế thực hiện năm 1981, Đức Ratzinger, khi đó còn là Hồng y, đã lưu ý rằng hình thức chung cục của trình thuật tạo dựng xuất hiện thời lưu đày Babylon. Vào thời điểm đen tối nhất lịch sử của mình, dân Israel thấy họ bị thống trị bởi một nền văn minh vượt trội hơn, do đó làm nảy sinh nhiều nghi vấn về tính đúng đắn của những điều họ đã được truyền dạy. Trái ngược với hai thái độ thường thấy trong trạng huống như thế, hoặc từ bỏ truyền thống đã tiếp nhận (lập trường tiến bộ), hoặc ôm khư khư lấy nó (lập trường bảo thủ), tác giả Kinh thánh lại chọn một hướng đi thứ ba có tính sáng tạo và phù hợp hơn cả. Câu chuyện tạo dựng trong sách Sáng thế đi theo con đường ấy: dùng chính các huyền thoại của những kẻ áp bức để đáp trả lại họ, thu nạp những hình ảnh của nền văn hóa thống trị rồi tái diễn giải chúng trong ánh sáng của mặc khải thánh.

Trong thần thoại sáng tạo Enuma Elish của dân Babylon, từ sự kết hợp của hai vị thần nguyên thủy là Apsu và Tiamat, nhiều vị thần khác đã được sinh ra. Những vị thần trẻ ồn ào này phải chịu cơn giận dữ của cha họ, ông quyết định giết họ để có thể ngủ ngon. Thế nhưng chính ông lại bị họ giết chết. Mẹ của những vị thần trẻ, một con cự long hay rắn biển, quyết định báo thù cho người chồng đã chết bằng việc gửi đến đội quân quái vật do con bà là Kingu cầm đầu. Để chống trả, các thần khác cầu cứu Marduk, vị thần bảo hộ của Babylon. Marduk giết chết Tiamat, và từ xác của bà, ông tạo ra trời và đất. Ông cũng giết Kingu và trộn lẫn máu của Kingu với đất để tạo ra con người, những kẻ mang số phận phải làm những việc nặng nhọc vốn là trách nhiệm của các thần hạ cấp. Trong thần thoại này, tương tự như thần thoại của các dân tộc khác, thế giới xuất hiện từ một cuộc xung đột nguyên thủy, từ một cuộc chiến giữa các quyền lực thần thánh. Thế giới là kết quả của bạo lực: Trật tự vũ trụ bị áp đặt bởi sức mạnh. Tốt và xấu lẫn lộn, nhập nhằng với nhau. Marduk chiến thắng không bởi ông tốt lành nhưng bởi ông mạnh hơn. Có nguồn gốc từ xác thối rữa của cự long, thế giới bị nhiễm uế và băng hoại ngay từ nền tảng, cả nhân loại cũng thế. Hết thảy công trình tạo dựng bị đánh dấu bởi sự mục nát. Thần thoại này cũng chứa những hàm ý về chính trị. Marduk, thần Babylon, duy trì trật tự vũ trụ bằng sức mạnh của mình: Tùng phục sức mạnh của Babylon nghĩa là tùng phục Marduk, là điều đảm bảo cho trật tự vũ trụ được duy trì.

Còn huyền thoại trong sách Sáng thế thì khác biệt triệt để! Ở đây chẳng hề có cuộc xung đột nguyên thủy nào, không có quyền lực đối nghịch, không có hỗn mang cần chế ngự, không chiến tranh vũ trụ, không cả sinh vật quái dị. “Khởi thủy Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất” (St 1,1). Thần khí Thiên Chúa bay lượn yên ả trên mặt nước. “Và Thiên Chúa đã phán: ‘Hãy có ánh sáng!’, và ánh sáng đã có” (St 1,3). Thiên Chúa tạo dựng từ hư vô, bằng lời của Người chứ không bằng bạo lực. Và lời Người không phải văn xuôi thuần túy, nhưng là thi ca. Nhịp điệu lặp đi lặp lại làm nên cấu trúc bản văn và thể hiện nét thi vị mà Thiên Chúa ban tặng cho thế giới: Thiên Chúa sáng tạo, Thiên Chúa đặt tên; chiều đến, ngày sang. Mỗi sự được sáng tạo, được đặt vào vị trí và được làm cho tươi đẹp.[1] Thế giới là một công trình nghệ thuật phát sinh từ Lý tính thần linh. Đánh dấu sự tương phản với thần thoại Babylon, trình thuật Sáng thế kết thúc với tuyên bố: “Thiên Chúa đã thấy mọi sự Người đã làm ra: và này tốt lành quá đỗi” (St 1,31).

Con người chiếm một vị thế đặc biệt trong bài thơ sáng tạo này: “Thiên Chúa đã dựng nên người theo hình ảnh mình. Theo hình ảnh của Thiên Chúa Người đã dựng nên nó. Là nam là nữ, Người đã dựng nên chúng” (St 1,27). Con người không được tạo dựng từ thân xác thối rữa của thế lực đối địch, nhưng từ bụi đất, Thiên Chúa thấy thế thật tốt đẹp. Thiên Chúa đặt người nam người nữ trong “vườn địa đàng”; và trong khi con người theo thần thoại Babylon được tạo ra để làm nô lệ cho các vị thần, thì con người theo sách Sáng thế lại vui hưởng sự hiện diện liên lỉ của Thiên Chúa, Đấng đến tản bộ cùng họ. Ngay từ khởi đầu, sách Sáng thế mặc khải cho chúng ta một vị Thiên Chúa vui thích trong việc đồng hành với con người. Người là vị Thiên Chúa trong tư cách người cha, chứ không phải một tên bạo chúa hay ông chủ đám nô lệ – Người là vị Thiên Chúa yêu thương con cái của mình, chứ không phải là kẻ sẵn lòng muốn giết chúng để đổi lấy một giờ ngon giấc.

Điều này dẫn dắt chúng ta đến với trình thuật tạo dựng thứ hai và câu chuyện sa ngã. Đức Ratzinger tuyên bố rằng cách hiểu của người Babylon về thế giới – sự xung đột và bạo lực là tâm điểm của mọi tồn tại – không hoàn toàn là thứ niềm tin vô căn cứ. Bằng chứng từ kinh nghiệm xem ra xác nhận cho điều đó. Sự khác biệt nằm ở chỗ, đối với Kinh thánh, mọi thứ xung đột và bạo lực, mọi hỗn loạn, đều bắt nguồn từ sự sa ngã – từ việc chối từ một thế giới đúng như nó đã được tạo dựng. Còn đối với người Babylon, thì tình trạng trên nằm chính nơi yếu tính của sáng tạo. Lệnh cấm liên quan đến cây biết lành biết dữ không phải là ý muốn tùy hứng của một vị thần thất thường. Điều lành và điều dữ được được khắc ghi ngay trong chính bản tính của vạn vật, trong trật tự lý tính của công trình tạo dựng: Luân lý được xây dựng trong chính sự sáng tạo. Việc Ađam và Evà hái trái cấm là một sự chối từ trật tự này, chối từ sự thiện hảo của công trình tạo dựng. Tin vào lời dối trá của con rắn, họ chống lại Thiên Chúa; họ tuyên bố họ chưa đủ giỏi giang, họ muốn nên giống Thiên Chúa. Nhưng thực ra, họ đã giống với Người rồi. Trong vườn địa đàng, Ađam và Evà đã giống Thiên Chúa nhất có thể. Ma quỷ lừa gạt để họ nghĩ về Thiên Chúa như một thế lực cạnh tranh: Người giấu diếm riêng điều gì đó hầu kiểm soát họ. Do đó, con người cần chiến thắng thế lực đối đầu ấy. Tuy nhiên, đây là điều bất khả, như Ađam và Evà vỡ lẽ khi họ nhận thức về sự trần trụi của mình.

Tiếp nhận lời dối trá của ma quỷ, rằng thế giới tự gốc rễ là một cuộc đấu tranh quyền lực, thế giới của Ađam và Evà nhanh chóng sa thành như thế: khi bị phát hiện, Ađam đổ lỗi cho Evà, Evà đổ lỗi cho con rắn, và hết thảy đổ lỗi cho Thiên Chúa. Các thần học gia từ lâu đã dạy rằng, với sự bất tuân của Ađam, các mối tương quan của con người bị đổ vỡ: tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với tự nhiên và thậm chí với cả chính mình. Tất cả những tương quan ấy bị tái định nghĩa như một sự tranh giành quyền lực. Trong Sáng thế, chúng ta tìm thấy câu chuyện nguyên mẫu của tất cả những câu chuyện có nguồn gốc ngoại giáo: tin rằng trật tự của thế giới có được là nhờ chiến thắng của một thế lực trên tất cả các đối thủ còn lại – rằng kẻ mạnh là người có quyền định đoạt điều tốt điều xấu – là cách nghĩ thiển cận của con người đã sa ngã, đó không hề là lẽ thật. Tội tổ tông truyền là sự quay lưng với thực tại. Quay trở lại với thực tại là điều không thể đạt được với sức riêng của con người, bởi mối tương quan của họ với Thiên Chúa và với thực tại đã bị tiêm nhiễm. Sáng kiến phải đến từ chính Thiên Chúa, và Người đã hành động ngay lập tức. Tiếp theo là một cảnh tượng quá đỗi xúc động, một lần nữa Thiên Chúa cho thấy Người không phải là một bạo chúa như Ađam và Evà lầm tưởng, nhưng là một người cha đầy yêu thương. Lúc đuổi họ ra khỏi vườn địa đàng, Thiên Chúa không để họ ra đi trong xấu hổ vì trần truồng. Người mặc áo cho họ, như một người cha làm cho con cái.

Những lời mở đầu Tin mừng Gioan xác nhận câu chuyện Sáng thế: “Lúc khởi nguyên đã có Lời, và Lời ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. Ngài đã có lúc khởi nguyên nơi Thiên Chúa. Mọi sự đã nhờ Ngài mà thành sự và không Ngài thì không gì đã thành sự” (Ga 1,1-3). Thiên Chúa vẫn luôn khát mong – bất chấp sự bội phản của ông bà nguyên tổ, bất chấp đoàn dân được chọn bội nghĩa bất trung hết lần này đến lần khác, bất chấp dân ngoại cứ ương bướng thờ ngẫu tượng – được ở cùng với con người: “Và Lời đã thành xác phàm, và đã lưu trú nơi chúng tôi (Ga 1,14). Thiên Chúa, bất chấp mọi hư hỏng của nhân loại, vẫn là Đấng Emmanuel, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Công cuộc tái tạo mà Thiên Chúa đã khởi sự ngay từ biến cố sa ngã và tiếp diễn suốt thời Cựu ước đạt đỉnh cao nơi Đức Kitô. Cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngôi Lời nhập thể bác bỏ toàn bộ các thần thoại gốc gác ngoại giáo. Thiên Chúa tối cao không “làm chúa trên dân” như các thủ lĩnh dân ngoại, cũng không “lấy quyền mà áp đặt trên đầu họ” như các thủ lãnh, nhưng đã đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ, và để hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mt 20,25-26). Ngài đến trong hình hài của người tôi tớ đau khổ, trong sự bé mọn, như lời ngôn sứ tiên báo (Is 53). Chính Thiên Chúa cho con người thấy cách thế đúng đắn để nhìn vạn vật, kêu gọi họ quay trở lại với thực tại, với sự hoán cải: “Ơn Ta là đủ cho ngươi. Vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2Cr 12,9). Nếu Ađam và Evà từng e ngại việc Thiên Chúa đè ép họ dưới gót chân thì Đức Kitô lại đặt mình dưới chân chúng ta. Nỗi lo sợ của ông bà nguyên tổ đã mở toang cửa cho sự chết bước vào, còn tình yêu hiến tế của Đức Kitô lại mang đến sự sống viên mãn.

Thời kỳ hiện đại chứng kiến quan điểm về tạo dựng bị loại trừ. Tội tổ tông truyền của thời hiện đại là sự phủ nhận tội tổ tông truyền. Điều này không diễn ra qua việc từ chối sự sa ngã của bản tính, nhưng qua việc lẫn lộn bản tính đã sa ngã với bản tính nguyên tuyền. Những tương quan đổ vỡ do sự sa ngã gây ra không còn được xem là hỗn loạn, nhưng như “bản chất vốn có của vạn vật”. Công trình tạo dựng không hề “tốt đẹp gì cho cam!”, bởi bị xem như một cuộc tranh đấu bất tận. Trong thời hiện đại, các thần thoại ngoại giáo một lần nữa trỗi dậy như rắn độc ngóc đầu. Chúng ta nhận ra điều này hết sức rõ ràng trong tư tưởng của Thomas Hobbes. Đối với Hobbes, vũ trụ không gì hơn là một tập hợp của những vật thể chuyển động tương tác với những vật thể chuyển động khác – lực và phản lực, đẩy và kéo, theo hướng này hay hướng khác, thực thể mạnh chi phối thực thể yếu, và hết thảy được vận hành cách máy móc bởi các quy luật cứng nhắc của động lực học. Con người cũng chẳng có gì khác. Bị dẫn dắt bởi ganh tương và dục vọng của mình, mà nếu không có một quyền lực lớn hơn để kiểm soát, họ sẽ ở mãi trong tình trạng xung đột triền miên: “Bởi thế, hiển nhiên là trong thời mà con người không sống dưới một quyền lực chung khiến họ kinh sợ, họ ở trong tình trạng được gọi là chiến tranh; và đó là cuộc chiến của mọi người chống lại mọi người” [Bellum omnium contra omnes]. Tình trạng chiến tranh không ngừng này bắt nguồn từ bản tính tự nhiên, và do đó không thể xem nó là xấu: “Đối với cuộc chiến của mọi người chống lại mọi người này, hệ quả kéo theo là: không điều gì có thể coi là bất công. Các ý niệm đúng và sai, công bằng và bất công không có hề có chỗ đứng. Ở đâu không có quyền lực chung, ở đó không có luật; mà không có luật, thì cũng không có cái gọi là bất công. Trong chiến tranh, sức mạnh và trí trá là hai nhân đức bản lề”. Mọi sự là tốt hay xấu không vì trật tự mà Thiên Chúa đã ban cho vũ trụ, nhưng vì Leviathan, thứ quyền lực do con người tạo ra và áp đảo hết thảy các quyền lực cạnh tranh. Như thế, Hobbes đưa tất cả chúng ta lên đường quay lại Babylon.

Nếu việc chiến đấu giành lấy quyền lực trở thành chân trời hiện hữu của con người, thứ còn lại dành cho chúng ta không gì khác ngoài việc theo đuổi quyền lực chính trị – hiểu theo nghĩa chuyên chế – hoặc theo đuổi quyền lực kinh tế để nắm giữ của cải, hoặc theo đuổi quyền lực kỹ nghệ để nô dịch hóa thế giới tự nhiên. Những điều này trở thành mục đích của đời sống con người, một thứ hiện hữu nghèo nàn hầu như không đáng gọi là sống. Thế giới của chúng ta trở nên hạn hẹp và ngột ngạt hơn khi khép kín vào chính mình.

Một trong những câu Kinh thánh nổi tiếng nhất của trình thuật tạo dựng (x. St 3,15) được gọi là Tiền Tin mừng [protoevangelium], hay “Tin mừng sơ khởi”, vì nó loan báo về Đấng cứu thế, nhưng có lẽ càng thích hợp hơn nữa để gọi cả ba chương đầu của sách Sáng thế là Tiền Tin mừng, bởi điều chúng loan báo không những tốt lành mà thậm chí còn vĩ đại. Đối diện với một thế giới đấu tranh quyền lực không ngớt do con người tạo ra, một thế giới của nô lệ và chết chóc, Tin mừng ấy đáp trả lại bằng chân lý sâu xa nhất về thế giới. Công trình tạo dựng có thể bị sa ngã và tổn thương bởi tội, nhưng chưa bao giờ mất đi bản tính mà nó được tác tạo: “Người mến chuộng tín nghĩa công minh, ơn của Đức Chúa tràn đầy dương thế… Dự định Đức Chúa muôn đời kiên vững, mưu cơ lòng Người còn mãi đời đời” (Tv 33,4-5.11). Quay trở lại với sách Sáng thế là quay trở lại với thực tại, và đó cũng là khởi điểm để cứu vãn nền văn hóa, chính trị, kinh tế và kỹ nghệ của chúng ta. Chúng ta sẽ tự đặt mình vào hiểm họa nếu phớt lờ bài học kể trên từ sách Sáng thế.

Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Nguồn tin: Giáo phận Qui Nhơn
https://www.wordonfire.org/

——————[1] Thánh Tôma Aquinô phân chia công trình tạo dựng của Thiên Chúa thành ba giai đoạn: sáng tạo, phân biệt và điểm trang (x. Summa Theologiae, I, q. 65–73.)

Bài viết liên quan

Vai trò của truyền thông trong giảng thuyết

Ngày nay, hơn bao giờ hết, người ta nói nhiều đến truyền thông. Chẳng  hạn...

Loạt ảnh quý giá lưu giữ “hồn xưa nét cũ” về các Bậc Tiền nhân thuở ban đầu

Những thành quả, hoa trái mà anh em Thánh Tâm thừa hưởng ngày hôm nay...

Thơ: Hoa lòng dâng Mẹ

Tháng Hoa lại đến Mẹ ơi ! Chúng con hợp tiếng vang lời tụng ca...

Từ bữa ăn thường ngày đến Bí tích Thánh Thể

Thời sự Thần Học – Số 38, tháng 12/2004, tr. 30-54 Dẫn nhập Cử hành...

“Tin vào ai”, “tin vào điều gì”, và “tin” trong Tin mừng Gio-an

Thời sự Thần học – Số 58, tháng 11/2012, tr. 45-74 Dàn bài I. Động...

Phải chăng: “…Lịch sử của tự do bắt đầu bằng sự dữ…”

Thời sự Thần học – Số 1, tháng 3/2010, tr. 48-58. PHẢI CHĂNG: “… LỊCH...