Chiếc neo Hy Vọng

Trong cuộc sống đời thường, chiếc neo là hình ảnh rất đỗi quen thuộc với những ngư dân vùng biển. Và dĩ nhiên, bất cứ một con thuyền nào, dù lớn hay bé cũng cần đến một chiếc neo cho riêng mình. Ngoài công dụng giữ cho con thuyền an toàn trước những phong ba bão táp, chiếc neo còn mang ý nghĩa cao quý hơn nữa.

Thiết nghĩ trong một thế giới đang đau khổ, điêu đứng do đại dịch Covid-19, có lẽ chúng ta không đủ tự tin để nói về chiếc neo vững chãi, an toàn nhưng chúng ta có thể và phải nhắc đến “chiếc neo của sự hy vọng”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nhắn nhủ: “ Chúng ta đang rất cần niềm hy vọng, trong những thời điểm này, vốn dường như đang tăm tối, mà trong đó đôi khi chúng ta cảm thấy mất mát khi đối diện với sự dữ và tình trạng bạo lực ở xung quanh chúng ta, khi đối diện với nỗi đau của quá nhiều anh chị em của chúng ta”. Quả vậy, càng sợ hãi, thất vọng chúng ta càng phải nói nhiều về niềm hy vọng. “ Tôi hy vọng, tôi có niềm hy vọng người thân của tôi sẽ vượt qua bệnh tật”; “ Chúng ta hy vọng đại dịch Covid-19 sẽ sớm chấm dứt”; “ Chúng ta hy vọng vào ngày mai, cuộc sống của người người, của nhà nhà sẽ được sớm được ổn định và hạnh phúc”.

 Tuy vậy, khi chúng ta nhắc đến niềm hy vọng thì dường như nó lại vắng mặt và dĩ nhiên sẽ khiến không ít người phải lúng túng, mơ hồ. Vì hy vọng không phải là vật thể chúng ta đụng chạm hay nắm bắt được. Nhưng nó là một “nghệ nhân âm thầm” mang trong mình nhân đức khiêm tốn. Hy vọng ẩn mình nơi cách cư xử kiên nhẫn và tin yêu của chúng ta trong những hoạt động thường ngày. Hy vọng là tâm thái rất cần thiết cho chúng ta trong bối cảnh tang thương này. Nếu thiếu hy vọng, đời sống của chúng ta dễ rơi vào bị động và xem chừng không thể tiến bước.

Niềm hy vọng giúp chúng ta bước đi vững vàng và đưa chúng ta đến những vùng trời đầy ngỡ ngàng. Chúng ta cũng cần phải phân biệt giữa hy vọng và ham muốn. Ham muốn không cần đòi hỏi chúng ta bất cứ điều kiện gì. Trái lại, hy vọng phải có ít nhiều điều kiện thì chúng ta mới dám nghĩ đến. Niềm hy vọng mà chúng ta đang nói đến là hy vọng Kitô giáo.

Trước những thảm cảnh chết chóc do Covid-19, ngay lúc này người Kitô hữu nói gì với thế giới về niềm hy vọng của mình? Nếu thế giới nghĩ rằng tất cả các Kitô hữu sắp giải thích cho vấn nạn trên, thì ắt hẳn họ sẽ thất vọng. Nhưng nếu không có niềm hy vọng Kitô giáo, thì ắt hẳn cái chết của tất cả các anh chị em xung quanh chúng ta trong cơn đại dịch đều trở nên vô nghĩa.

 Quả vậy, những đau thương xảy đến ngay lúc này đang chất vấn niềm hy vọng của chúng ta vào Đức Kitô Phục Sinh. Đau khổ, dịch bệnh có thể là môi trường thanh luyện niềm hy vọng của chúng ta khi đức tin đã được ươm mầm và nuôi dưỡng trong kinh nguyện hằng ngày. Có thể những đau thương do đại dịch là một cuộc chiến đấu đối với nhân loại và nó đang xoá tan đi những hy vọng ảo tưởng, chóng qua. Khi khoa học phát triển và đạt được nhiều thành tựu vĩ đại, nó chiếm được nhiều thiện cảm và không ít người nhận nó làm “đấng bảo trợ”. Cho đến khi, Covid-19 nhỏ bé xuất hiện, nó lần lượt phơi bày và làm lung lay tất cả những gì mà bấy lâu nay con người hãnh diện và đặt niềm hy vọng vào nó. Chúng ta có quyền hy vọng rằng, sau cơn đại dịch cùng với những đau khổ qua đi, con người biết đặt niềm hy vọng đúng chỗ. Một nguồn hy vọng tràn trề của bình an, và hạnh phúc trong tương lai.

Chính Đức Kitô là nguồn sáng và là dung mạo của niềm hy vọng cho chúng ta. Ngài có thể ban tặng cho chúng ta điều mà chúng ta không thể tự mình gắng sức đạt được. Đến đây chúng ta nhớ lại một bức hoạ rất đẹp được lan truyền trên mạng xã hội Ý trong những tháng qua. Đó là hình ảnh Chúa Giêsu ôm trọn nhân loại bị bệnh dịch và đau khổ, cùng với những giọt lệ hoà với màu cờ của các quốc gia khác nhau và với những chiếc khẩu trang bảo vệ chống lại đại dịch coronavirus. Trước những thách thức mà con người gặp phải, Thiên Chúa luôn yêu thương và không ở ngoài cuộc. Nếu chúng ta đã cắm neo đời mình vào Thiên Chúa, thì ngay trong bối cảnh đại dịch đầy bất an này chúng ta hãy dùng sự kiên nhẫn để duy trì niềm hy vọng của mình.

Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chứng nhân của niềm hy vọng đã trở nên gương mẫu chúng ta trong những lúc đau thương, tuyệt vọng này. Hành trình sống chứng nhân hy vọng trong suốt 13 năm biệt giam và 6 năm bị cách ly của Đức cố Hồng y đã thắp lên trong chúng ta ngọn lửa của sự hy vọng. Một niềm hy vọng lớn lao không tàn lụi trong những đêm dài cô đơn.

Bạn thân mến!

Có thể bạn và tôi, chúng ta đã đang và sẽ có nguy cơ bị nhiễm hay bị cách ly vì Covid. Nhưng chúng ta đừng bao giờ để cho niềm hy vọng trong chúng ta bị ngủ quên. Chúng ta hãy đưa mắt dõi theo những tia sáng của niềm hy vọng đang loé lên trong màn đêm tăm tối. Đó là các linh mục, tu sĩ, các tình nguyện viên, các y bác sĩ… đang trực tiếp đụng chạm đến nỗi đau thương sâu thẳm nhất của con người lúc này. Họ là những ngọn nến hy vọng giữa màn đêm u tối của đại dịch. Nếu trong quá khứ chúng ta chưa sống niềm hy vọng, thì ngay lúc này chúng ta hãy kiến tạo niềm hy vọng nơi chính bản thân mình. Hãy cùng nhau lan toả niềm hy vọng đến những nơi, những con người đang sầu muộn và tuyệt vọng. Niềm hy vọng đó có thể là sự quan tâm, sự sẻ chia của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau. Đó có thể là sự thăm hỏi, khích lệ mà chúng ta dành cho một người bạn đang trong vùng dịch.

Hãy cùng nhau thắp lên những ngọn nến hy vọng. Hãy cùng nhau kiến tạo niềm hy vọng từ những việc nhỏ nhoi cho dẫu rất đỗi bình thường ngay trong giây phút hiện tại. Từ đó, chúng ta mới có thể từng chút, từng chút một hướng đến niềm hy vọng vĩ đại và trở thành những kẻ phục vụ hy vọng cho mọi người, như lời nhắn nhủ của Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận:

“ Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm trở thành một đường dài,
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường Hy Vọng do mỗi chấm Hy Vọng.
Đường Hy Vọng do mỗi phút Hy Vọng”.

Bài viết: Phêrô Sinh Cung, CSC