“Chim Bồ Nông” trong Kitô giáo

“CHIM BỒ NÔNG” TRONG KITÔ GIÁO

Trong mùa Phục Sinh, đôi khi chúng ta nhận thấy hạn từ “chim Bồ Nông” xuất hiện trong các tài liệu của Giáo hội. Hoặc thỉnh thoảng, bước vào nhà thờ, chúng ta nhìn thấy hình ảnh chim bồ nông mẹ nuôi đàn con bằng chính máu của mình được chạm khắc ở bàn thờ, hay lễ phục của vị chủ tế. Tại sao Giáo hội dùng thuật ngữ chim bồ nông? Và hình ảnh này có nghĩa gì?

1. Nguồn gốc

Biểu tượng chim bồ nông nuôi con bắt nguồn từ một truyền thuyết cổ xưa có trước Kitô giáo. Truyền thuyết kể về một loài chim có tên là Bồ nông. Những con chim mang bộ lông màu trắng này thường sống gần hồ nước mặn sâu trong đất liền. Mỗi lần kiếm ăn, chúng phải bay vài chục cây số để trở về biển khơi bắt cá. Có những ngày, vì giông bão, chim không kiếm được mồi, mà đàn con thì háu đói kêu la thảm thiết, chim mẹ không cầm lòng được, đã tự dùng mỏ mổ vào ngực mình cho chảy máu, nhỏ giọt cho con ăn, thay cho lương thực bổ dưỡng. Sau “bữa tiệc” ấy, người ta thấy nơi mỏ chim mẹ còn nhỏ dòng máu tươi, và những con chim con nằm im lìm, thỏa mãn. Thấy chim con được ăn no, chim mẹ tuy đau đớn về thể xác mà trong lòng vẫn vui. Vì thế, hình ảnh chim bồ nông trở thành biểu tượng cho lòng mẹ yêu thương con thắm thiết, sẵn sàng hiến mình cho con được sống. Một phiên bản khác là bồ nồng mẹ dùng máu của mình nuôi đàn con đang chết đói, cuối cùng vì kiệt sức chim mẹ lại mất mạng.

Theo truyền thuyết này, người ta có thể dễ dàng nhận thấy lý do tại sao các Kitô hữu thời giáo hội sơ khai áp dụng hình ảnh này để tượng trưng cho Chúa Kitô. Bồ nông tượng trưng cho Chúa Giêsu đã hiến dâng mạng sống của Người để cứu độ chúng ta qua cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Người. Chúng ta đã chết vì tội lỗi và đã tìm thấy sự sống mới qua máu thánh Chúa Kitô. Hơn nữa, Người vẫn tiếp tục nuôi sống chúng ta bằng mình và máu của Người trong Bí tích Thánh Thể.

Truyền thuyết này và những câu chuyện khác được tìm thấy trong tác phẩm Physiologus. Đây là một tác phẩm Kitô giáo thời Giáo hội sơ khai xuất hiện vào thế kỷ II ở Alexandria, Ai Cập. Tác phẩm được viết bởi một văn sĩ ẩn danh. Physiologus đã ghi lại những truyền thuyết về động vật và đưa ra lối giải thích mang tính ngụ ngôn. Chẳng hạn, phượng hoàng tự thiêu và trỗi dậy vào ngày thứ ba từ đống tro tàn, tượng trưng cho Chúa Kitô đã chịu chết vì tội lỗi nhân loại và đã phục sinh vào ngày thứ ba, để ban cho chúng ta lời hứa về sự sống bất diệt. Kỳ lân chỉ để cho mình bị bắt trong cung lòng của một trinh nữ vẹn toàn, ý nghĩa này tượng trưng cho việc nhập thể. Trong tác phẩm này, cũng có truyền thuyết về bồ nông mẹ nuôi đàn con nhỏ, được mô tả như sau: ” Bồ nông con tấn công bố mẹ chúng và bố mẹ đánh trả. Nhưng vào ngày thứ ba, bồ nông mẹ đánh và mở cạnh sườn để máu của nó chảy nuôi sống đàn con đang sắp chết. Nhờ thế, đàn bồ nông con được phục hồi và mạnh khỏe. Cũng thế, Chúa Giêsu Kitô nói qua môi miệng ngôn sứ Isaia: “Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta.” (Is 1, 2). Chúng ta đã xúc phạm Thiên Chúa bằng cách phục vụ thụ tạo chứ không phải là Đấng Tạo Hóa. Do đó, Ngài quyết định bước lên thập giá, và khi cạnh sườn của Người bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra đem lại ơn cứu độ và sự sống đời đời cho chúng ta.” Tác phẩm này được thánh Êpiphaniô, Thánh Basiliô và thánh Phêrô thành Alexandria rất lưu ý. Physiologus cũng phổ biến vào thời Trung cổ.

2. Văn hóa nghệ thuật

Hình ảnh bồ nông và ý nghĩa Kitô giáo cũng được tìm thấy trong các tác phẩm văn học Phục hưng: Dante (1321) trong Hài kịch thần thánh, đã gọi Đức Kitô là “Bồ Nông của chúng ta”. John Lyly trong tác phẩm Euphues (1606) viết, “Bồ Nông, Đấng đã đổ máu mình ra để mang lại thiện ích người khác.” Còn Shakespeare (1616) trong tác phẩm nổi tiếng Hamlet đã viết như sau: “giống như bồ nông tốt bụng đem lại sự sống/ Hãy dọn tiệc cho chúng bằng máu của ta.” Bồ nông cũng góp phần trong truyền thống phụng vụ. Như đã nói, hình ảnh bồ nông mẹ đang nuôi đàn con là tác phẩm nghệ thuật phổ biến, thường được vẽ hoặc chạm khắc trên Nhà Tạm phía trước bàn thờ. Nhà thờ Durham trước khi bị Hoàng đế Henry VIII đóng cửa năm 1538, có một Nhà Tạm hình chim bồ nông bằng bạc. Ngày nay, hình ảnh chim bồ nông vẫn được dùng rộng rãi nghệ thuật Kitô giáo thời hiện đại.

3. Ý nghĩa hạn từ “Chim bồ nông” trong Kitô giáo

Trong bài thánh thi “Adoro te devote“, thánh Tôma Aquinô cũng dùng hình ảnh bồ nông để nói về Chúa Giêsu Kitô:

Lạy Chúa Giêsu là như chim mẹ nuôi con,

xin rửa sạch con bằng Máu Thánh Chúa.

Vì chỉ một giọt máu Chúa

cũng đủ làm cho tội cả loài người được sạch trong.

Hình ảnh con chim bồ nông giúp chúng ta liên tưởng đến tình yêu của Đức Giêsu. Niềm vui của chim bồ nông mẹ là niềm vui của hy sinh tự hiến. Niềm vui của chim bồ nông con là niềm vui của nhận lãnh dồi dào. Chim mẹ đau mà vẫn vui vì biết rằng nỗi đau của mình đem lại cho chim con sự sống. Chim mẹ chẳng cần đắn đo suy tính xem sự hy sinh của mình có được chim con biết đến hay không. Đó là sự hy sinh không đòi điều kiện, không mong đáp đền. Sự hy sinh ấy nói với ta về huyền nhiệm của tình yêu thương. Thánh Gioan kể lại, khi Người đã chết trên thập giá, những người lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra (x. Ga 19,34). Đức Giêsu đã hy sinh mạng sống mình vì tình yêu thương nhân loại. Máu và nước chảy ra là bằng chứng của một tình yêu bao la, tự hiến hy sinh cho đến cùng (x. Ga 13,1). Máu và nước cũng là tượng trưng cho bí tích Thanh tẩy và bí tích Thánh Thể. Các tín hữu được sinh ra và được nuôi dưỡng từ trái tim bị đâm thâu qua của Đức Giêsu. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu là suối nguồn hạnh phúc cho con người. Biết bao người đến với Chúa đã tìm được sự ủi an và sức mạnh siêu nhiên để tiếp tục bước đi dầu cuộc đời còn nhiều cay đắng. “Anh em hãy học với tôivì tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Thập giá là trường dạy khiêm nhường, là mẫu mực của tình bác ái. Như chim bồ nông mẹ hiến mình cho đàn chim con được sống, Đức Giêsu đã mở trái tim của Người để chúng ta được đón nhận sự sống siêu nhiên.

Chúng ta đang sống trong những giây phút linh thánh của Mùa Phục Sinh, qua hình ảnh Bồ Nông, xin cho mỗi người cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chính mình và quyết tâm sống mỗi ngày một cách tốt hơn. Xin cho hình ảnh này giúp chúng ta biết biểu lộ tình mến và hy sinh quên mình vì tha nhân.


Phêrô Trịnh Thiên Phú, OP.

Tài liệu tham khảo

William P. Saunders. The Symbolism of the Pelican. Catholic Herald, 2003.

Steffler, Alva William. Symbols of the Christian Faith. 2002.

Ferguson, George. Signs and Symbols in Christian Art, 1961.

Nelson, Bryan; Schreiber, Elizabeth Anne; and Schreiber, Ralph. “Pelicans” in Perrins, Christopher, Firefly Encyclopedia of Birds, 2003.