Ngọc Yến – Vatican News
Tình hình của những người di cư nội bộ ở Abyei, khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan ngày ngày càng trở nên tồi tệ, do xung đột giữa các nhóm sắc tộc Ngok và Twiic Dinka. Thực tế, vào tháng 02/2022, do các yêu sách lãnh thổ tại một chợ địa phương, một cuộc xung đột liên sắc tộc mới đã nổ ra. Tiếp theo đó là các vụ đốt nhà, cướp bóc tài sản, làm cho hàng ngàn người phải di dời.
Sau cuộc viếng thăm mục vụ tại đây, Đức cha Yunan Tombe Trily bày tỏ tình liên đới với người dân đang phải đối diện với thảm hoạ nhân đạo. Ngài kêu gọi Caritas cung cấp viện trợ khẩn cấp với các gói thực phẩm và dịch vụ y tế, đồng thời yêu cầu chính phủ Sudan và Nam Sudan, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc cung cấp viện trợ nhân đạo kịp thời. Sau cùng Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục kêu gọi cả hai chính phủ phải nỗ lực và nhanh chóng tìm ra giải pháp cho vấn đề Abyei.
Đức Thánh Cha nói ngài đã sẵn sàng cho cuộc viếng thăm nước này vốn đã bị hoãn lại vào tháng 7/2022. Trong buổi tiếp kiến dành cho Cộng đoàn thừa sai “Các bác sĩ với châu Phi – CUAMM” hôm 19/11 vừa qua, Đức Thánh Cha cho biết chuyến tông du sẽ diễn ra vào đầu năm 2023. Khi đề cập đến người dân Nam Sudan, ngài nói: “Khi chúng ta cầu nguyện ‘xin cho chúng con lương thực hằng ngày’, chúng ta phải suy nghĩ kỹ về những gì chúng ta cầu nguyện, bởi vì quá nhiều người chỉ nhận được những mẩu vụn, hoặc thậm chí không có được những mẩu vụn lương thực, đơn giản vì họ được sinh ra ở một số nơi nhất định trên thế giới”.
Abyei là một khu vực có diện tích 10.546 km2, là biên giới giữa Nam Sudan và Sudan, đã được trao “quy chế hành chính đặc biệt” bởi Nghị định thư Giải quyết Xung đột Abyei năm 2004 trong Thỏa thuận Hòa bình Toàn diện (CPA) kết thúc Nội chiến Sudan lần thứ hai. Theo Nghị định thư, khu vực này được coi đồng thời là một phần của Cộng hòa Nam Sudan và một phần của Cộng hòa Sudan. Tuy nhiên, sau những tranh chấp đang diễn ra bùng phát thành bạo lực và đe dọa thỏa thuận hòa bình năm 2004, một quy trình trọng tài quốc tế đã vẽ lại biên giới của Abyei vào năm 2009 để làm cho nó nhỏ hơn, và không mở rộng hơn về phía bắc. Biên giới sửa đổi này hiện đã được tất cả các bên chấp thuận. (Fides 21/11/2022)