Đức Hồng y Kurt Koch cảnh giác những người Công giáo tại Đức đừng “chiếm đoạt” Đức Giáo hoàng Lêô XIV, cụ thể là đừng quá hy vọng Đức tân Giáo hoàng sẽ ủng hộ những thay đổi theo mong ước của mình và Đức Hồng y tự hỏi không biết sự phấn khởi “hồ hởi” của họ sẽ kéo dài bao lâu.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Hồng y Koch người Thụy Sĩ Đức, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô. Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Truyền hình Lời Vĩnh Cửu (EWTN) ở Mỹ, truyền đi ngày 13 tháng Năm vừa qua. Ngài bày tỏ vui mừng vì dư luận Công giáo tại Đức tỏ ra biết ơn Đức Giáo hoàng mới, nhưng Đức Hồng y nói: chúng ta cần phải lắng nghe kỹ lưỡng xem điều mà đa số các giám mục Đức hiểu về sự hiệp hành, Sinodalità, có trùng hợp với điều mà Đức tân Giáo hoàng hiểu hay không”.
Đức Hồng y Koch nói thêm rằng: “Phẩm trật và sự hiệp hành không đối nghịch với nhau, nhưng phải cùng hiện hữu với nhau. Không có hiệp hành mà không có quyền tối thượng, và không có quyền tối thượng mà không có hiệp hành. Tôi không chắc chắn điều này có được chia sẻ tại Đức hay không”.
Tại Đức, sau khi Đức Lêô XIV đắc cử, Đức cha Georg Bätzing, Giám mục Giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức và một số giám mục khác, cho rằng Đức tân Giáo hoàng đề cao sự hiệp hành và ngài ủng hộ Con đường Công nghị của Giáo hội Công giáo Đức. 70 thành viên gồm các giám mục và đại diện giáo dân thuộc Ủy ban của tổ chức này đã nhóm họp khóa họp thứ tư, từ ngày 09 đến ngày 10 tháng Năm vừa qua, tại thành phố Magdeburg để tiếp tục chương trình cải tổ Giáo hội tại nước này, cụ thể là tiến tới việc thành lập Hội đồng Công nghị sẽ hoạt động từ năm 2026, trong đó các giáo dân cùng với các giám mục cai quản các công việc của Giáo hội.
Về việc bầu Giáo hoàng mới đây, Đức Hồng y Koch cho biết ngài ngạc nhiên vì kết quả mau lẹ như vậy. Sự đáp ứng rất tích cực như thế là một dấu chỉ tốt chứng tỏ Đức Giáo hoàng Lêô XIV sẽ thành công trong việc dung hòa các ý kiến khác nhau”. Cụ thể là sự kiện các Hồng y có thể đi tới kết quả cuộc bỏ phiếu như thế trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Đó cũng là một dấu hiệu có sự đồng thuận và đó là một dấu hiệu chào đón”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Kurt Koch mô tả Đức tân Giáo hoàng là một người đối thoại: Ngài là người cố gắng đạt tới sự đồng thuận và hòa hợp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngài thiếu lập trường rõ ràng: ngài có một quan điểm rõ ràng mà không áp đặt. Ngài muốn sự đồng thuận”.
Về những mong đợi, Đức Hồng y Koch cảnh giác đừng có quá nhiều hy vọng về sự thay đổi mau lẹ và Đức Hồng y tự hỏi sự phấn khởi hy vọng này sẽ kéo dài bao lâu, trước khi họ nhận thấy rằng, “xét cho cùng, Đức Giáo hoàng là Công giáo và sẽ không thay đổi nhiều”.
Được hỏi về việc ngài xin từ nhiệm, Đức Hồng y Koch cho biết đã đệ đơn xin từ nhiệm từ lâu, trước khi Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời, và Đức Giáo hoàng đã yêu cầu ngài ở lại chức vụ. Đức Giáo hoàng Lêô bây giờ cũng làm như vậy. “Ngài sẽ quyết định thế nào trong tương lai, đó là điều ngài hoàn toàn tự do. Nếu ngài yêu cầu tôi tiếp tục thêm một chút nữa, tôi sẽ chấp nhận với lòng biết ơn”.
Bài viết liên quan
Đức Thánh Cha Lêô XIV tiếp Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
Gặp gỡ Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh vào sáng thứ Sáu ngày 16/5/2025,...
ĐHY Tagle trả lời phỏng vấn về cuộc bầu chọn Đức Thánh Cha Lêô XIV
Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Trưởng Phân bộ thứ hai của Bộ Loan báo...
Căn hộ Giáo hoàng trong Dinh Tông tòa
Từ sau khi Đức Lêô XIV được bầu làm Giáo hoàng cách đây một tuần,...
Chứng tá đức tin của bác sĩ quân y Viktoria, người Ucraina
Bác sĩ quân y Viktoria, 30 tuổi, từ hai năm qua, phục vụ ở tiền...
Đức Thánh Cha Lêô XIV đăng bài viết đầu tiên trên các tài khoản mạng xã hội của Giáo hoàng
Đức Thánh Cha Lêô XIV đã đăng tải bài viết đầu tiên trên các tài...
Tín hữu Myanmar tin tưởng vào Đức Thánh Cha Lêô XIV
Dù đang trải qua thời kỳ khủng hoảng và khó khăn nghiêm trọng, người Công...