Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo lần thứ 10, Đức Thánh Cha Lêô XIV trích dẫn nhiều từ Thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô, lên án những bất công môi trường và xã hội, đồng thời nhấn mạnh rằng công trình sáng tạo của Thiên Chúa không được tạo ra để trở thành chiến trường tranh giành tài nguyên thiết yếu.
Khi Giáo hội chuẩn bị cử hành Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo lần thứ 10 vào ngày 1-9-025, Sứ điệp của Đức Thánh Cha Lêô XIV kêu gọi các Kitô hữu và mọi người thiện chí nhận ra sự cấp thiết của công lý môi trường và xã hội trong một thế giới ngày càng bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, xung đột và bất bình đẳng.
Sứ điệp có tựa đề “Hạt giống của Hòa bình và Hy vọng”, được công bố vào ngày 2-7-2025, hòa nhịp với tinh thần của Năm Thánh đang diễn ra, mời gọi các tín hữu đảm nhận vai trò là “những người hành hương của hy vọng” và là những người quản lý công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Công lý trong một thế giới bị tổn thương
Lặp lại những lời của ngôn sứ Isaia, Đức Thánh Cha Lêô mời gọi cộng đồng quốc tế hình dung sự biến đổi từ “sa mạc khô cằn” hiện nay trở thành “cánh đồng màu mỡ.” Ngài giải thích rằng viễn cảnh Kinh Thánh này không chỉ là một hình ảnh thi ca mà là một lời mời khẩn thiết hành động trước những cuộc khủng hoảng đáng báo động về nhân sinh và sinh thái.
Trích dẫn nhiều từ Thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp kỷ niệm 10 năm, Đức Thánh Cha Lêô viết: “Những bất công, vi phạm luật pháp quốc tế và quyền của các dân tộc, những bất bình đẳng nghiêm trọng cùng với lòng tham là nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng, ô nhiễm và suy giảm đa dạng sinh học.”
Liên kết sự tàn phá môi trường với việc bóc lột người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội, ngài nhấn mạnh rằng các cộng đồng bản địa đang chịu đau khổ một cách bất công và khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng – dấu hiệu của một hệ thống coi thiên nhiên là món hàng hơn là ngôi nhà chung.
Thiên nhiên trở thành chiến trường
Ngài than phiền rằng thiên nhiên đã trở thành “món hàng mặc cả”, bị khuất phục bởi những chính sách và hoạt động đặt lợi nhuận lên trên con người và hành tinh. Từ những cánh đồng nông nghiệp rải rác bom mìn đến các cuộc xung đột vì nguồn nước và nguyên liệu thô, Đức Thánh Cha Lêô cho thấy một bức tranh đáng ngại về thụ tạo đã “bị biến thành chiến trường” giành kiểm soát và thống trị.
Ngài cho biết những vết thương này là “hậu quả của tội lỗi,” là sự phản bội lệnh truyền của Kinh Thánh – một lời mời gọi vun trồng và bảo vệ Trái đất với mối liên hệ quan tâm và trách nhiệm: không được thống trị công trình sáng tạo, mà phải “canh tác và giữ gìn” nó.
Công lý môi trường là mệnh lệnh luân lý
Sứ điệp của Đức Thánh Cha tái khẳng định cam kết của Giáo hội đối với “sinh thái toàn diện,” một khái niệm cốt lõi trong Laudato Si’. Ngài khẳng định: công lý môi trường không phải là một mối bận tâm trừu tượng hay thứ yếu, nhưng là một “bổn phận phát xuất từ đức tin.”
“Đối với những người tin,” ngài viết, “vũ trụ phản chiếu dung nhan của Đức Giêsu Kitô, nơi Người muôn loài được tạo dựng và cứu chuộc.” Trong ánh sáng đó, việc chăm sóc hành tinh không chỉ là một nhu cầu sinh thái mà còn là một ơn gọi sâu xa về mặt tâm linh và luân lý.
Hạt giống sinh hoa trái
Khuyến khích hành động cụ thể, Đức Thánh Cha Lêô kêu gọi sự kiên trì và lòng yêu thương trong việc gieo “những hạt giống công lý” để qua thời gian sẽ sinh hoa trái là hòa bình. Ngài trích dẫn dự án Borgo Laudato Si’ tại Castel Gandolfo như một minh chứng cụ thể cho thấy việc giáo dục và xây dựng đời sống cộng đoàn gắn liền với các giá trị sinh thái sẽ góp phần hình thành một tương lai công bằng và đầy hy vọng.
“Điều này có thể mất nhiều năm,” Đức Thánh Cha thừa nhận, “nhưng đó là những năm nỗ lực xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, thực hiện nhờ sự kiên trì, trung thành, cộng tác và yêu thương.”
Lời chúc lành cho tương lai
Kết thúc thông điệp với lời cầu nguyện xin Chúa tuôn đổ ơn Thánh Thần, Đức Giáo hoàng Lêô XIV khẩn nài Chúa Kitô Phục sinh ban niềm hy vọng như ngọn đèn chỉ đường cho một thế giới đang khao khát được chữa lành.
Tác giả: Linda Bordoni
Xuân Đại (TGPS) biên dịch từ Vatican News
Bài viết liên quan
SẮC LỆNH VỀ BẢN VĂN VÀ CÁC BÀI ĐỌC ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG THÁNH LỄ “CẦU CHO VIỆC BẢO VỆ CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG”
Ngày 03 tháng 7 năm 2025, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích...
Lần đầu tiên ĐTC Lêô cử hành Thánh lễ với bản văn “cầu cho việc bảo vệ công trình tạo dựng”
Ngày 3 tháng 7 năm 2025, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí...
Tài liệu đồng hành với giai đoạn thực hiện của Thượng Hội đồng về hiệp hành sẽ được công bố ngày 7/7
Vào ngày 7/7/2025, tài liệu được soạn thảo để đồng hành với giai đoạn thực...
THƯ BỔ NHIỆM GIÁM MỤC ĐẶC TRÁCH KIẾN THIẾT TRUNG TÂM THÁNH MẪU LA VANG
Với văn thư này, Hội đồng Giám mục Việt Nam quyết định: Bổ nhiệm Đức...
Đức Thánh cha chào thăm Công nghị Giáo hội Công giáo Ucraina
Sáng ngày 02 tháng Bảy năm 2025, Đức Thánh cha Lêô XIV đã gặp gỡ...
Đức Hồng y Dri, vị giải tội được Đức Phanxicô xem là gương mẫu về lòng thương xót, qua đời
Đức Hồng y Luis Pascual Dri, quen được gọi là Cha Dri, một tu sĩ...