Đức Lêô XIV: Mục tiêu của video giả do AI tạo ra

Những “video có vẻ chính thức” – ghi lại những điều Đức Leo XIV chưa từng nói – đã xuất hiện trên internet kể từ khi ngài được bầu làm giáo hoàng.

CẬP NHẬT: Kể từ khi bài viết này được đăng tải, YouTube đã xóa một trong các kênh đó.

Dù chỉ mới làm Giáo hoàng được hai tuần, Đức Lêô XIV đã trở thành mục tiêu của hàng loạt video giả mạo do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra.

Trong số đó, một video dài 36 phút – được cho là gửi đến Tổng thống Burkina Faso – đã bị Vatican News, cơ quan truyền thông chính thức của Tòa Thánh, lên án mạnh mẽ.

Vatican News cho biết: video này, có tựa đề: “Đức Giáo hoàng Lêô XIV đáp lời Đại úy Ibrahim Traoré – Sứ điệp của Sự thật, Công lý & Hòa giải”, được đăng trên tài khoản YouTube “Pan African Dreams”. Video này đã sử dụng cảnh quay từ buổi tiếp kiến giới báo chí của Đức Giáo hoàng vào ngày 12-5-2025.

Theo Vatican News, một kỹ thuật “biến hình” đã được sử dụng để làm cho khẩu hình miệng của Đức Giáo hoàng khớp với phần âm thanh được tạo ra.

Trong video này, Đức Giáo hoàng được cho là đã gọi Tổng thống Burkina Faso, ông Ibrahim Traoré, là “người con của đất châu Phi, người bảo vệ dân tộc mình”, và “cầu chúc ngài được tăng thêm nhiều ân sủng và bình an qua sự khôn ngoan, lòng can đảm và chân lý.”

Đức Leo thậm chí còn bị gán cho là đã có những lời “ca ngợi” tổng thống: “Tôi đã đọc lời của ngài không chỉ một lần, mà nhiều lần, và mỗi lần đọc lại càng thấy sâu sắc hơn, bởi vì trong tiếng nói của ngài, tôi nghe được không chỉ sự phẫn nộ của một vị nguyên thủ, mà còn là tiếng kêu công chính của một châu lục đã bị tổn thương lâu dài bởi lưỡi gươm kép của sự bỏ rơi và khai thác.”

Burkina Faso đã trải qua nội chiến khoảng một thập kỷ. Tổng thống Traoré lên nắm quyền vào năm 2022 qua một cuộc đảo chính quân sự.

Tin giả

Vatican News khẳng định: Đức Giáo hoàng Lêô XIV chưa bao giờ ca ngợi Tổng thống Burkina Faso.

Do có nhiều đoạn văn được cho là của Đức Tân Giáo hoàng đang lan truyền trên mạng xã hội mà không dẫn nguồn, nên cần nhắc lại rằng: toàn bộ các bài phát biểu, huấn từ và văn bản chính thức của Đức Giáo hoàng Lêô XIV đều có thể được tra cứu đầy đủ tại trang vatican.va.

Thông tin về các hoạt động và sứ điệp video của Ngài cũng có sẵn theo thời gian thực trên cổng thông tin Vatican News (vaticannews.va), dưới nhiều dạng ngôn ngữ, cũng như trên trang báo chính thức của Vatican – L’Osservatore Romano – tại osservatoreromano.va.

Các “bài giảng” của Đức Giáo hoàng Lêô XIV? Không hẳn vậy!

Trên YouTube, một kênh mang tên “Pope Leo XIV’s Sermons (Các bài giảng của Đức Giáo hoàng Lêô XIV)” có gần 18.000 người đăng ký và gần một triệu lượt xem trên 25 video của họ.

Tất cả đều do AI tạo ra. Đức Giáo hoàng Lêô XIV chưa từng nói những gì được gán cho ngài, hoặc đọc bằng giọng nói của ngài, trong các video ấy.

Video đầu tiên của kênh này – có tiêu đề: “Thông điệp đầu tiên của Đức Giáo hoàng Lêô XIV gửi tất cả người Công giáo || Bài phát biểu của Hồng y Robert Francis Prevost” – hoàn toàn là bài giảng giả do AI tạo ra, được “đọc” bằng giọng nói mô phỏng của Đức Giáo hoàng.

Video được xem nhiều nhất có tiêu đề: Các Đức Giáo hoàng đã khẩn cấp kêu gọi tất cả các kitô hữu đích thực || Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Leo XIV”– được đăng vào ngày 13-5-2025 và đã thu hút gần 330.000 lượt xem. Nội dung của nó cũng hoàn toàn là giả, chưa bao giờ được Đức Giáo hoàng nói hay đọc bằng giọng của ngài.

Mặc dù tất cả video trên kênh này đều có dòng cảnh báo rằng “Âm thanh hoặc hình ảnh đã được chỉnh sửa đáng kể hoặc tạo dựng bằng kỹ thuật số,” nhưng nhiều bình luận bên cạnh video này cho thấy khán giả không nhận ra rằng bài giảng ấy là giả.

Một bình luận viết: “Wow! Đức Thánh Cha của chúng ta nói những lời mạnh mẽ và đầy thách thức! Xin Chúa chúc lành cho ngài! Tạ ơn Chúa vì Đức Giáo hoàng Lêô XIV!”

Một bình luận khác nói: “Cảm ơn vì một bài giảng mà mọi người cần nghe nếu muốn trở thành người môn đệ đích thực của Chúa. Lâu lắm rồi tôi mới nghe được một bài giảng như thế. Xin Chúa chúc lành cho Đức Giáo hoàng. Amen.”

Điều trớ trêu

Một trong những điều đầu tiên Đức Giáo hoàng Lêô XIV thực sự nói trong vai trò Giáo hoàng là bày tỏ mối quan ngại về trí tuệ nhân tạo. Trong bài phát biểu với các Hồng y, ngài giải thích lý do chọn tông hiệu “Lêô”:

“Có nhiều lý do khác nhau cho việc chọn tông hiệu Lêô, nhưng chủ yếu là vì Đức Giáo hoàng Lêô XIII trong Thông điệp lịch sử Rerum Novarum đã lên tiếng về vấn đề xã hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ đầu tiên.

Ngày nay, Giáo hội trình bày kho tàng học thuyết xã hội của mình như một câu trả lời cho cuộc cách mạng công nghệ khác và những tiến triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo – vốn đang đặt ra những thách đố mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao động.”

Trang Aleteia đã liên hệ với YouTube để yêu cầu bình luận về kênh “Pope Leo XIV’s Sermons.”

Trước đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã nhiều lần đề cập đến trí tuệ nhân tạo trong các bài phát biểu và sứ điệp của Ngài, và Tòa Thánh Vatican đã cân nhắc cả cơ hội lẫn mối đe dọa từ công nghệ này.

Hãy xem, chẳng hạn, “Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2024” của Đức Phanxicô.

Và có thể tìm tin tức cũng như suy ngẫm về đạo đức AI tại đây.

Tác giả: Christine Rousselle
Phan Thị Hương (TGPSG) biên dịch từ Aleteia

Bài viết liên quan

Hai mươi tân linh mục của Giám hạt tòng nhân Opus Dei

Lúc 10 giờ sáng, ngày 24 tháng Năm vừa qua, đã có lễ truyền chức...

ĐTC Lêô XIV: mỗi người đóng góp vào sự hiệp nhất và yêu thương bắt đầu từ cuộc sống hàng ngày

Sáng thứ Bảy ngày 24/5/2025, trong buổi tiếp kiến chung dành cho tất cả những...

Đức Lêô XIV: “Trong Đức Kitô, chúng ta là một gia đình”

Đức Giáo hoàng Lêô XIV ca ngợi những nỗ lực toàn cầu của Các Hội...

Các Hồng y bày tỏ ước muốn Đức Giáo hoàng cư ngụ trong Dinh Tông tòa

Theo báo chí, trong dịp Hồng y đoàn nhóm họp trước mật nghị bầu cử,...

Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines thuật lại cuộc bầu chọn Đức Giáo hoàng Lêô

Những gì xảy ra trong mật nghị bầu Giáo hoàng ở Nhà nguyện Sistina thường...

Giáo xứ nơi sinh trưởng của Đức Giáo hoàng Lêô dự tính mua lại căn nhà thời sinh trưởng của Đức Thánh cha

Căn nhà nơi sinh trưởng của Đức Giáo hoàng Lêô XIV ở quận Dolton, ngoại...