Gợi nhớ về sứ mạng giáo dục của các Tu sĩ Thánh Tâm qua những hình ảnh góc xưa nét cũ

Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys Lý (1852-1936) là vị Giám Mục quan tâm đến việc truyền giáo cho lương dân bằng cách dạy văn hóa cho các thanh thiếu niên trong các trường học của Hội Thánh, qua đó huấn luyện các em theo giáo huấn và đạo lý Kitô giáo. Do vậy từ năm 1923, Đức Cha đã tiến hành công việc chuẩn bị lập một Dòng nam Tu sĩ theo mẫu của dòng Ploermel. Ngày 9 tháng 10 năm 1925, Đức Cha cử hành lễ khánh thành và khai sinh Dòng mới : “Dòng Anh Em hèn mọn Trái Tim Chúa Giêsu”, nay là Dòng Thánh Tâm Huế.

Dòng Thánh Tâm Huế được thành lập do ý muốn truyền giáo của Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys (Lý), Giám mục Giáo phận Huế, với châm ngôn “Hãy đi giảng dạy muôn dân – Euntes docete omnes gentes”. Tu sĩ Thánh Tâm mang sứ mạng loan báo Tin Mừng, đặc biệt qua việc giảng dạy đạo lý Kitô giáo cho các tín hữu cũng như cho các anh em lương dân.

Trường thánh Denis (École Saint Denis)
Đức Cha Allys (giữa), Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn, Bề trên tiên khởi (trái), và cha hiệu trưởng Giuse Nguyễn Văn Thích (phải) cùng 25 học trò đầu tiên của Trường École Saint Denis, ngôi trường được thành lập vào ngày
khai Dòng (09/10/1925).

Ngược dòng thời gian để nhìn lại thuở ban đầu, những năm sau ngày thành lập, Dòng Sư Huynh Giáo Giảng Viên Thánh Tâm không ngừng nỗ lực xây dựng và mở mang trường học. Các cơ sở này đã tạo những bước phát triển cho sứ vụ giáo dục như Đấng sáng lập mong ước.

Trường thánh Giuse Phủ Cam (École Saint Joshep)

Vào ngày 20/08/1932, Anh em hèn mọn Thánh Tâm khánh thành trường École Saint Joshep, còn gọi là trường Giuse- Phủ Cam. Trường này do các sư huynh Thánh Tâm điều khiển giảng dạy, Giáo xứ Phủ Cam góp một phần đất. Mục đích trường dạy dỗ con em trong Phủ Cam và kết quả các kỳ thi của nhà nước, học sinh trường Thánh Giuse luôn đạt kết quả cao. Đến năm 1975, “Sài Gòn giải phóng” thì đóng trường cửa và Nhà nước “mượn”. Nhà trường tồn tại được 44 năm.

Trường Phanxicô- Lại Ân (École Saint Francois)

Năm 1933, được Đức Khâm sứ Colomban Dreyer bảo trợ, các Tu sĩ Thánh Tâm cũng đảm nhận việc dạy học tại trường Thánh Phanxicô- Lại Ân, một họ đạo vùng phụ cận Huế. Ban đầu, trường rất thịnh hành, có cấp tiểu học lẫn trung học, và có thêm cả nội trú nữa. Lúc bấy giờ, toàn vùng Phú Vang đều đến học ở đây. Sau biến cố Mậu Thân 1968, trường phải giải tán, các sư huynh bán nhà cửa mà về lại nhà Dòng. Tuy hoạt động giảng dạy của các sư huynh không còn tiếp diễn tại đây nhưng những dấu ấn để lại thì không hề nhỏ. Nhiều người ở phương xa, và cả những công chức cán bộ bản địa cũng rất tự hào khi xuất thân từ ngôi trường này.

Trường Tiểu học Thánh Mẫu Cư Chánh (Thiên An)

Từ năm 1957- 1965, Đan viện Thiên An đã giao trường này cho các tu sĩ Dòng Thánh Tâm chuyên trách dạy học cho cư dân quanh vùng các xã Thủy Bằng, Thủy Xuân, Thủy An. Tại đây, các thầy cũng giúp xóm đạo tổ chức phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, Lễ sinh và nhiều hoạt động mục vụ khác.

Trường Trung- Tiểu học Chơn Phước Phượng

Vào năm 1948, tại Tam Tòa, Đồng Hới, Dòng Thánh Tâm Huế có một nhánh của Tu viện và một cơ sở giáo dục gồm hai bậc là tiểu học và trung học có tên trường Trung Tiểu học Chơn Phước Phượng, hiệu trưởng lúc đó là sư huynh Lauren Trần Văn Đàng. Đây là một trong trường tư đầu tiên ở tỉnh Quảng Bình- Quảng Trị, thuộc dạng lớn nhất trong tỉnh và rất uy tín, với số lượng hơn 1000 học sinh và gồm cả các Đệ tử của Dòng. Trường chỉ tồn tại sáu năm, vì Hiệp định chia đôi đất nước 1954 nên nhà trường phải đóng cửa.Các sư huynh, cũng là những vị thầy giáo ngoài những giờ dạy học trên lớp, còn tổ chức cho học sinh đi cắm trại, rèn luyện thể chất, văn nghệ, thể thao, sinh hoạt ngoại khóa kết hợp các trò chơi lớn… Những buổi như vậy mang lại rất nhiều niềm vui, giúp các học sinh rèn luyện được nhiều kỹ năng khác nhau. Các kì thi đều được kết quả tốt đẹp nên được phát triển và uy tín trong tỉnh. Đó cũng là cảm nhận của cha Stanislaô Nguyễn Đức Vệ, nguyên Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Huế cũng là cựu học sinh của trường từ năm 1952- 1954:““Hình ảnh của các sư huynh Thánh Tâm rất đẹp, có ảnh hưởng sâu rộng, cả bên giáo lẫn lương, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Chính sự hiện diện gẫn gũi bằng tình yêu thương mến đó đã có sức đánh động rất lớn trong tâm hồn bao thế hệ học sinh và cả những người lương giáo lúc bấy giờ. Ở trường Chơn Phước Phượng, việc học văn hóa kết hợp với việc sinh hoạt ở trường rất thực tiễn và sống động. Học sinh học ở trường này thì ai cũng đều hãnh diện vì trường rất nổi tiếng, ngay cả các trường nhà nước cũng không bằng được”.

Trường Thánh Tâm Quảng TrịNiên khóa 1958 – 1959, Trường Thánh Tâm Quảng Trị mở dạy do các Sư huynh Thánh Tâm từ trường Chơn phước Phượng thuyên chuyển vào. Từ đó trường có uy tín trong tỉnh nhà (chuyên dạy học sinh nam) mở mang nhà cửa thêm, làm thêm lầu 3 tầng riêng (nhận Đệ tử Dòng). Tiếp đến thêm nhà lầu 3 tầng để nhận học sinh lưu trú.Trường chuyên dạy từ Tiểu học đến Trung học và kết quả các kỳ thi đều tốt đẹp. Trường làm thêm nhà chơi, nhà làm văn nghệ, nhà chiếu bóng. Bên cạnh đó,trường cũng tổ chức những buổi picnic, cắm trại lớn, huấn luyện thể thao, văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, thật vui tươi làm thêm vẻ đẹp cho tỉnh nhà. Những buổi trình diễn, họp mặt đều có Chánh quyền tỉnh và Quân đội bạn đến tham dự.

Trong cuộc chiến năm 1972 (mùa hè đỏ lửa), bom đạn trút xuống như mưa khiến tỉnh Quảng Trị trở nên điêu tàn. Ngôi trường Thánh Tâm Quảng Trị đến đây bị bình địa “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” và buộc đóng cửa vĩnh viễn. Đến 1975 thì giải phóng Sài Gòn, cho nên trường đóng cửa vĩnh viễn sau 17 năm tồn tại.

Trường Vinh Sơn Liêm (Gò Vấp – Sài Gòn)Trường được cha cố Giuse Vũ Ngọc Tấn, là cha sở tiên khởi Giáo xứ Hoàng Mai xây dựng từ năm 1954 với bức tượng thánh Vinh Sơn Liêm sừng sững oai nghi giữa sân trường. Cuối năm 1972, do hoàn cảnh khách quan, chức vụ hiệu trưởng được trao cho linh mục Duy Ân Nguyễn Hữu Vịnh, cùng đảm nhiệm bởi các Tu sĩ Dòng Thánh Tâm Huế. Học sinh lên gần 1000 gồm cả nam lẫn nữ. Các Sư huynh Dòng phần đông có nhiều bằng cấp cao điều khiển. Trường còn thuê thêm một số giáo sư bên ngoài vào dạy.

Đang lúc trường phát triển thì biến cố giải phóng Sài Gòn vào năm 1975 xảy đến,  trường phải đóng cửa và giao lại cho Cha Tấn năm và tồn tại được 3 năm. Nhà nước giải tán trường và không cho phép các Sư huynh dạy nữa. Họ đặt điều kiện cho các sư huynh là muốn tiếp tục dạy thì phải cởi áo Dòng và hồi tục. Tuy nhiên, đòi hỏi này đã không được các sư huynh chấp thuận, các sư huynh đành rời bỏ việc dạy học tại trường.Sau 1975 trường bị đổi tên thành Nguyễn Trung Trực. Có một điều lạ là dưới chân thánh Vinh Sơn Liêm luôn có bình hoa tươi và vẫn duy trì cho đến nay. Thêm vào đó, ai cũng nghe rằng nhiều lần người ta muốn hạ bệ bức tượng Thánh Vinh Sơn Liêm, nhưng nhiều lần máy cẩu, máy ủi, máy múc… không thể nào dịch chuyển hay đập phá nổi. Ngay cả dòng chữ Vinh Sơn Liêm mong manh trước cổng trường, họ cũng không tài nào tháo gỡ được, nên vẫn còn đó tấm bảng tôn Nguyễn Trung Trực che ốp bên ngoài, với bức tượng thánh Vinh Sơn Liêm vẫn oai nghi hiện hữu cùng mọi thế hệ con cháu gốc “rau muống” Xóm Mới.

Trung thành với Đặc sủng trong hoàn cảnh hiện tại

Khát vọng trực tiếp thực thi sứ mạng của Dòng trong lĩnh vực giáo dục hiện tại là điều không thể thực hiện. Thế nhưng, nhờ tác động của ơn Chúa và sự đồng lòng của các Tu sĩ, Dòng vẫn dấn thân thực thi sứ mạng giáo dục cách gián tiếp qua việc mở nhà Lưu trú, mục vụ sinh viên, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo. Đây là cách để đi đến với các bạn trẻ, và tham gia vào việc giáo dục linh động hơn. Phương thức mục vụ này phù hợp với đường hướng của Đấng sáng lập, mặt khác thúc đẩy các Tu sĩ Thánh Tâm sống Đặc sủng của Dòng cách sung mãn và nhiệt huyết hơn.

Biên tập: Đức Hoàng, CSC