Giữa lòng quảng trường Thánh Phêrô rộng lớn, nơi từng viên đá cổ kính đã chứng kiến bao thăng trầm của Giáo hội, hôm nay quảng trường này một lần nữa trở thành thánh địa của niềm hy vọng. Đó không chỉ là hy vọng của một cộng đoàn Công giáo, mà còn là niềm mong đợi của cả nhân loại, một nhân loại đang mỏi mòn tìm kiếm ánh sáng giữa màn đêm hỗn loạn. Và rồi, giữa làn sóng reo vui rộn ràng sau làn khói trắng báo hiệu, một bầu khí thinh lặng sâu thẳm bao trùm. Đức Leo XIV xuất hiện, Ngài không xuất hiện như một nhà lãnh đạo thế quyền, cũng chẳng phải biểu tượng của quyền lực tôn giáo. Ngài không mang theo những lời hứa hùng biện, cũng chẳng khởi đầu bằng những kế hoạch dài dòng. Ngài bước ra như một người môn đệ của Thầy Chí Thánh, và Ngài cất lời chào của chính Đức Giêsu: “Bình an cho anh em!”
Đó không chỉ là một lời chào đơn thuần. Lời chào ấy là một cử chỉ đầy cảm xúc của người mục tử, mang ‘hương vị’ Phục Sinh. Bình an mà Ngài trao ban không giống như thế gian ban tặng, nhưng như chính Đức Kitô đã để lại cho các môn đệ trong căn phòng khóa kín vì sợ hãi. Bình an ấy cũng không phải là sự im lặng trước bất công, nhưng chính nó là hoa trái của tình yêu và sự thật. Nó là khát vọng sâu xa nhất của nhân loại, và nó cũng là sứ mạng muôn đời của Giáo hội.
Đức Leo XIV không bước ra như một nhà chính trị gia với những nghị sự trần thế hay lộ trình được vạch sẵn, nhưng Ngài hiện diện như một người anh em, một người bạn đường, một người mục tử mang trong tim mình ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa. Trong khoảnh khắc Ngài dừng lại và lặng im, đó là một sự im lặng biết nói, bởi lẽ, đó chính là sự hiện diện nhiệm mầu và lòng cảm thông sâu thẳm được thắp lên từ những đêm dài thức trắng trước Nhà Tạm, nơi Ngài lắng nghe tiếng Chúa và tiếng kêu than của toàn thể nhân loại. Ánh mắt Ngài chạm đến tận những người xa nhất, rồi Ngài cất tiếng, đơn sơ và đầy quyền năng: ‘Bình an cho anh em!
Trong bài phát biểu đầu tiên, ngắn gọn nhưng lại chất chứa trọn cả một tâm tình sâu sắc, Đức Leo XIV không trình bày chương trình làm việc. Thay vào đó, Ngài chỉ vén mở trái tim của một Giáo hội đang khát khao: khát khao được lắng nghe tiếng Chúa và tiếng nhân loại, khát khao được thanh luyện trong ân sủng, và khát khao được dấn thân lên đường loan báo Tin Mừng. Ngài công bố: “Tôi ước mong Giáo hội hôm nay trở lại là Giáo hội của những người được sai đi, Giáo hội ra khỏi chính mình để đến với thế giới bằng Tin Mừng của Bình An”. Lời ấy không vang lên như một mệnh lệnh quyền uy, nhưng như một lời mời gọi tha thiết. Lời mời gọi ấy hướng đến từng linh mục, từng tu sĩ, từng giáo dân hãy để trái tim mình được lay động bởi tình yêu Chúa, và hãy để đôi chân mình can đảm lên đường thi hành sứ mạng.
Ngài nhấn mạnh đến chiêm niệm như nguồn mạch của mọi hoạt động truyền giáo: “Không có chiêm niệm, việc truyền giáo sẽ chỉ là hoạt động rỗng tuếch. Không có sứ mạng, đời sống nội tâm sẽ héo tàn trong sự khép kín”. Những lời này không phải là những lý thuyết thiêng liêng trừu tượng. Chúng là hoa trái kết tinh từ hành trình sống kết hiệp mật thiết với Chúa và với những người nghèo khổ, những con người mà thế giới thường quên lãng.
Như vậy, Giáo hội mà Đức Leo XIV mời gọi không phải là một Giáo hội tìm kiếm thành công hay ảnh hưởng thế gian, mà là một Giáo hội biết cúi xuống phục vụ. Đó là một Giáo hội biết rửa chân cho anh chị em mình, biết dừng lại bên lề đường như người Samaria nhân hậu. Đó là một Giáo hội không sợ lấm lem bởi bụi đời, bởi máu, bởi nước mắt của tha nhân, vì đó chính là nơi Đức Kitô đang hiện diện cách sống động. Ngài quả quyết: “Nếu chúng ta không đi đến với người nghèo, chúng ta đã không thực sự đi đến với Đức Kitô”. Lời ấy không chỉ đánh động lý trí mà còn chạm đến tận đáy tâm hồn, nơi mà nhiều Kitô hữu đã từng khát khao, nhưng đôi khi cũng từng mệt mỏi, hoài nghi, và thậm chí bị tổn thương bởi chính Giáo hội mà mình yêu mến.
Tình yêu mà Đức Leo XIV thắp lên không phải là thứ cảm xúc bốc đồng thoáng qua. Đó là tình yêu trung tín và kiên nhẫn, tựa như hạt giống âm thầm nảy mầm dưới lòng đất. Ngài không hứa hẹn những thay đổi chóng vánh, cũng chẳng lôi kéo đám đông bằng những khẩu hiệu hùng hồn. Ngài khơi lại một ngọn lửa nhỏ nhưng bền bỉ, đó chính là ngọn lửa của niềm hy vọng. Niềm hy vọng cắm rễ nơi lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không phải nơi những hiệu quả hữu hình; là niềm hy vọng của lòng trung thành từng ngày, chứ không phải kết quả tức thời chóng vánh.
Và rồi, trước khi lui vào trong, trong một thoáng lặng sâu, Đức Leo XIV ngẩng đầu, chậm rãi lập lại lời chào ban đầu, nhưng lần này lời ấy như một lời sai đi, một lời cầu nguyện chân thành cho toàn thể Dân Chúa: “Bình an cho anh em!” Lời ấy vang lên như làn gió nhẹ mà lại mạnh mẽ tựa lửa, như Thần Khí Chúa đang hoạt động. Lời ấy mời gọi chúng ta vượt qua mọi sợ hãi, phá vỡ mọi bức tường ngăn cách, để Hội Thánh thực sự là ngôi nhà mở rộng, nơi mọi người cùng nhau bước đi, cùng nhau lắng nghe, và cùng nhau loan báo Tin Mừng.
Vâng, một hành trình mới đã thực sự bắt đầu, không bằng tiếng trống rền vang hay những khẩu hiệu lớn lao, nhưng bằng một lời đơn sơ và đầy quyền năng: “Bình an cho anh em!””
Bài viết: Paulthem, CSC
Bài viết liên quan
NHỮNG TỪ KHÓA TRONG LỜI CHÀO ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV
Vào lúc 18:07 giờ Roma (tức 23:07 giờ Việt Nam) ngày 08 tháng 5 năm...
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: THÔNG BÁO VỀ ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV
Kể từ hôm nay, Hội Thánh hoàn vũ lại tiếp tục vang lên lời nguyện...
Lời chào đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV
Trước khi ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi, cho Roma và toàn thế...
Robert Francis Prevost – Tiểu sử của vị Tân Giáo Hoàng
Đức Tân Giáo Hoàng Robert Francis Prevost, vị giáo hoàng thứ 267 trong lịch sử...
Ý nghĩa lễ phục của tân Giáo hoàng trong lần xuất hiện đầu tiên
Khi xuất hiện lần đầu tiên tại ban công chính Đền thờ Thánh Phêrô để...
Khói đen lại bốc lên: Ba lần bỏ phiếu, các Hồng y vẫn chưa bầu được Giáo hoàng
các Hồng Y Đoàn đã tiến hành hai cuộc bỏ phiếu vào sáng ngày 8...