Một số câu hỏi về việc dùng các cụm từ “Đức Giêsu”, “Đức Maria”

Bài viết này đặt ra một số vấn đề của việc dùng các cụm từ “Đức Giêsu”, “Đức Maria” và gợi ý việc dùng lại các cụm từ có truyền thống lâu đời và còn được Giáo Hội Việt Nam chính thức dùng: “Chúa Giêsu”, “Đức Chúa Giêsu”, “Mẹ Maria”, “Đức Mẹ”, “Đức Mẹ Maria”. Chúng tôi xin đi thẳng vào vấn đề.

1. Các cụm từ trên mới được hình thành và sai quy tắc tiếng Việt

– Từ điển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (quen gọi tắt là từ điển Việt Bồ La) do cha Alexandro de Rhodes (cha Đắc Lộ) viết và được Bộ Truyền Giáo của Toà Thánh xuất bản năm 1651 cho rằng “đức” là tước hiệu cao quý danh giá tột bậc (cf. Ibid., 240: “đức: titulo de grande bonra: titulus summi honoris”), đồng thời đưa ra các ví dụ như: “đức chúa blời”, “đức chúa Iesus”, “đức Chúa bà Maria”, “đức thánh thien thần”, v.v. (chúng tôi viết lại các chữ theo nguyên dạng như bản in).

– Từ điển Dictionarium Anamitico-Latinum của cha J. L. Taberd, xuất bản năm 1838 (có tên tiếng Việt là Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị; quen gọi tắt là từ điển Taberd) cũng định nghĩa như thế và đưa ra các ví dụ tương tự (cf. Ibid., 152: “Đức Chúa Trời”, “Đức Chúa bà”, “Đức Chúa”– với nghĩa là Rex, vua, “Đức lậnh”, “Đức ông” – với nghĩa là titulus filiorum regis, tước gọi các con của vua, v.v.).

– Từ điển Tiếng Việt của các soạn giả Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thuỵ, Nguyễn Đức Dương, do NXB Văn hoá Sài Gòn xuất bản năm 2005, trang 618 viết: “đức … II. dt, cũ Từ dùng đặt trước dt. chỉ thần thánh hoặc người có địa vị cao quí trong xã hội phong kiến để tỏ lòng tôn kính khi nói đến (thường viết hoa): Đức Phật, Đức Chúa Trời, Đức vua, Đức thánh cha (= đức giáo hoàng)”.

Tóm lại, dựa vào các ví dụ của các từ điển cổ và dựa vào định nghĩa của từ điển hiện đại, chúng ta có thể kết luận rằng từ “đức” có thể được thêm vào một danh từ (vốn đã là một tước), để làm thành một tước hiệu cao quý tột bậc. Nói cách nôm na, khi dùng từ “đức”, chúng ta nên hỏi ngay “đức gì?”, và câu trả lời có thể là “đức ông”, “đức bà”, “đức mẹ”, “đức cha”, v.v. Câu hỏi không thể là “đức ai?” hoặc “đức nào?”, để câu trả lời có thể là “đức Nguyễn Văn A”. Chỉ khi xác định là “đức ông” hay “đức bà” thì câu hỏi mới có thể là “đức ông nào?”, “đức bà nào?” và câu trả lời có thể là “đức ông Nguyễn Văn B” hay “đức bà Nguyễn Thị C”.

Như vậy, chúng ta có thể có các cụm từ như “Đức Chúa”, “Đức Chúa Giêsu”, “Đức Kitô”, “Đức Kitô Giêsu”, “Đức Mẹ”, “Đức Bà”, “Đức Mẹ Maria”, v.v. nhưng không thể có các cụm từ như “Đức Giêsu” hay “Đức Maria” (Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có ý kiến tương tự như trên; cf. http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/78Duc.htm). Các bản văn nhà đạo đầu tiên bằng tiếng Việt do cha Girolamo Maiorica viết vào đầu thế kỷ XVII bằng chữ Nôm đã luôn dùng các cụm từ “Đức Chúa Giêsu”, “Đức Bà Maria” hay “Đức Bà”. Ngay cả ở thế kỷ XX, khi đề cập đến Thiên Chúa, Chúa Giêsu và Đức Mẹ, các bản dịch Kinh Thánh và các sách nhà đạo cho tới những thập niên gần đây, vẫn dùng các cụm từ như được ví dụ trong từ điển Việt Bồ La: “Đức Chúa Trời”, “Đức Chúa Giêsu” hay “Chúa Giêsu”, “Đức Bà Maria” hay “Đức Mẹ Maria”. Thế thì tại sao gần đây lại xuất hiện rộng rãi các cụm từ như “Đức Giêsu” và “Đức Maria”, vốn vừa sai quy tắc tiếng Việt, vừa không trung thành với truyền thống ngôn ngữ nhà đạo? Chúng ta cùng tìm hiểu điều này.

2. Lý do thay cụm từ “Chúa Giêsu” bằng cụm từ “Đức Giêsu”

Chúng tôi không hoàn toàn biết hết mọi lý do mà cụm từ “Đức Giêsu” được chọn để dịch Kinh Thánh trong các thập niên gần đây thay cho từ “Chúa Giêsu”, nhưng nhân dịp đối thoại với một vị về việc có nên dùng cụm từ “Đức Maria” hay không, chúng tôi biết một số lý do sau (chúng tôi xin lấy một ít nội dung, viết gần như nguyên văn, của cuộc đối thoại đặc thù này làm bối cảnh và tiền đề cho những lập luận sẽ trình bày ở các mục sau):

– Những người chọn cụm từ “Đức Giêsu” có thể biết đây là từ được hình thành không theo đúng quy tắc tiếng Việt, không đúng với truyền thống sử dụng từ ngữ trong đạo Công giáo, nhưng cho rằng theo quy luật ngôn ngữ thì dùng quen lâu ngày sẽ trở thành đúng. Họ “đánh liều” và sẵn sàng “đánh đổi” như thế vì nghĩ rằng cụm từ “Đức Giêsu” sẽ tốt hơn về mặt thần học và chú giải Kinh Thánh. Đâu là lý do về mặt thần học và chú giải Kinh Thánh?

– Vị đó cho rằng không nên dùng từ “Chúa Giêsu” trong Kinh Thánh vì “trong Kinh Thánh không phải lúc nào Giêsu cũng là Chúa (Kyrios)”, rằng “tước này được ban sau Phục Sinh (cf. Cv 2,36), rằng “sau Phục Sinh mới rõ tước này hơn (cf. Pl 2,6-11)”, rằng “Khi viết sách thánh, các thánh sử (thí dụ Gioan vào năm 90)  đã tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Nhưng Tân Ước đang kể câu chuyện lịch sử của những năm 28-30. Không thể để niềm tin vào thần tính của năm 90 lấn át nhân tính của ông Giêsu năm 28. Chẳng thể tin thần tính của Giêsu trước phục sinh năm 30. Từ 30 đến 90 là một đoạn đường dài. Chúa (kyrios) là một tước ngang với Theos (theo LXX), tước này được ban sau phục sinh (Cv 2,36)”.

* Nhận xét

Thú thật, chúng tôi chưa hiểu rõ lắm luận lý logic của các lập luận trên, nên xin có một vài nhận xét về logic của các lập luận trên như sau:

– Như vậy việc dùng “Đức Giêsu” là nhằm mục đích tránh dùng “Chúa Giêsu” trong Kinh Thánh, vì những những lý do mang tính chú giải Kinh Thánh và thần học. Chúng ta sẽ bàn đến điều này sau.

– Các lý do đưa ra lý giải việc dùng cụm từ “Đức Giêsu” như trên không hề liên quan gì đến hay bào chữa cho việc dùng cụm từ “Đức Maria”. Vậy đâu là lý do dùng một cụm từ sai – “Đức Maria” – thay cho các cụm từ truyền thống “Mẹ Maria” hay “Đức Mẹ Maria”?

– Các lý do trên chỉ lý giải việc tránh dùng từ “Chúa Giêsu” trong Kinh Thánh, chứ không lý giải cho việc tránh dùng từ “Chúa Giêsu” trong sách giáo lý, các tài liệu Giáo Hội, các bài viết thần học hay kinh nguyện hằng ngày. Đâu là lý do dùng một từ sai – “Đức Giêsu” – cách rộng rãi trong các sách nhà đạo hiện nay, thay thế cho cụm từ truyền thống “Chúa Giêsu” hay “Đức Chúa Giêsu”?

Nếu vấn đề chỉ là chọn lựa từ ngữ thôi, thì dù cụm từ “Đức Giêsu” hay “Đức Maria” có sai quy tắc tiếng Việt và cắt đứt với truyền thống từ ngữ Công giáo, cũng vẫn không là vấn đề nghiêm trọng lắm. Người ta vẫn có thể phớt lờ và cho rằng, “ngôn ngữ ấy mà, cứ dùng quen thì thành đúng quy tắc thôi”. Chúng tôi cũng sẽ không viết bài này nếu vấn đề chỉ là sai lầm về mặt quy tắc ngôn ngữ. Điều chúng tôi e rằng nghiêm trọng hơn rất nhiều đó là hàm ý và hệ luận có thể có về mặt thần học cũng như về mặt chú giải Kinh Thánh của việc chọn cụm từ “Đức Giêsu” thay cho “Chúa Giêsu”.

3. Các cụm từ trên có thể phát xuất từ quan điểm sai lầm về chú giải Kinh Thánh và về thần học

a. Các ý nghĩa của từ “Kurios”

Để trả lời cho câu của vị mà chúng tôi đối thoại: “Chúa (kyrios) là một tước ngang với Theos (theo LXX), tước này được ban sau phục sinh (Cv 2,36)”, chúng tôi xin trình bày các dữ kiện như sau:

– Đây là một từ có nguồn gốc thế tục, áp dụng cho việc gọi các tôn chủ hay bậc quân vương. Cựu Ước (bản LXX) dùng từ này mỗi khi đề cập đến Đức Chúa YHWH, nhưng không dành riêng từ này cho Ngài, mà vẫn giữ các cách dùng thế tục của nó, tức dùng nó để gọi những con người tôn quý (cf. 1Sm 1, 15.26).

– Như thế nói “Kurios là tước ngang với Theos” là cách nói không chính xác, chưa phân biệt ngữ dụng và ngữ nghĩa. Kurios là danh từ chung có nghĩa là Tôn Chủ, là cách mà người Do Thái gọi Đức Chúa YHWH (vốn là tên riêng của Ngài), trong khi Theos là danh từ riêng, chỉ về Đấng Tối Cao. Ngữ nghĩa của các từ Kurios, YHWH và Theos theo Kinh Thánh là khác nhau, nhưng chúng có cùng ngữ dụng.

– Tân Ước cũng tương tự như thế, áp dụng từ “Kurios” chỉ về Thiên Chúa, chỉ về Chúa Giêsu nhưng vẫn dùng từ này để gọi những con người khác (cf. Mt 27,63; 10,24).

– Có ý kiến cho rằng khi thánh Phaolo gọi Chúa Giêsu là “Kurios” thì thánh nhân cố ý gọi Ngài bằng tước hiệu mà Cựu Ước gọi Đức Chúa YHWH, như thế là đặt Ngài đồng hàng với Đức Chúa YHWH (cf. Pl 2,10). Tuy nhiên, trong Tân Ước cũng có chỗ dùng từ “kurios” này cho Chúa Giêsu, nhưng không có nghĩa ám chỉ về thần tính của Ngài, mà chỉ là cách gọi tôn trọng mang tính thế tục thông thường (cf. Ga 4,11).

Tóm lại, từ “kurios” không phải chỉ được áp dụng cho Chúa Giêsu khi tác giả Kinh Thánh cố ý làm nổi bật thần tính của Ngài, mà có thể được áp dụng cho Ngài như một bậc tôn quý.

b. Ý nghĩa của từ “Chúa”

Trong tiếng Việt, từ “chúa” cũng có ý nghĩa hoàn toàn tương tự như từ “Kurios”, cũng có nguồn gốc thế tục (vd: Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn), được dùng đặc biệt cho Thiên Chúa và Chúa Giêsu, nhưng không loại trừ nghĩa thế tục của nó.

Chúng ta cũng cần phân biệt giữa “Chúa” và “Thiên Chúa”, hai từ này có cùng ngữ dụng trong ngôn ngữ Công Giáo, nhưng khác ngữ nghĩa: “Thiên Chúa” (Deus) là danh từ riêng, chỉ về Đấng Tối Cao, còn “Chúa” (Dominus) là tước hiệu mà chúng ta gọi Ngài, vì Ngài thực sự là Chủ Tể đích thực của mọi loài. Thiên Chúa đúng phải được gọi là “Chúa”, nhưng từ “Chúa” tự nó không mang nghĩa là Thiên Chúa (Deus), mà mang nghĩa là “Chủ Tể”.

Tương tự, từ “Chúa Giêsu” (Dominus Iesu = the Lord Jesus) không tức khắc hay tự nó mang nghĩa “Chúa Giêsu là Thiên Chúa” (vốn là một câu: Dominus Iesus Deus est = the Lord Jesus is God), mà chỉ có nghĩa “Ngài Giêsu là Chủ Tể”. Dĩ nhiên, trong quan niệm Kitô giáo, chỉ Thiên Chúa mới là Chủ Tể đích thực, vậy Chủ Tể Giêsu dĩ nhiên là Thiên Chúa, nhưng tự nó, cụm từ “Chúa Giêsu” không có nghĩa tức khắc ngay là Ngài là Thiên Chúa. Cụm từ “Chúa Giêsu” và câu “Chúa Giêsu là Thiên Chúa” có cùng ngữ dụng, nhưng khác ngữ nghĩa.

c. Tại sao tránh dùng cụm từ “Chúa Giêsu” trong Tân Ước?

Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của lập luận “trong Kinh Thánh, không phải lúc nào Giêsu cũng là Chúa (Kyrios)”? Người nói câu này không nói rõ nghĩa câu đó là gì, nên chúng ta cần phải suy xét từng nghĩa của nó. Câu đó có thể có nhiều nghĩa sau: 1) Không phải lúc nào cũng có từ Kurios đi liền với danh Giêsu hay áp dụng trực tiếp cho danh Giêsu; 2) Không phải lúc nào các thánh sử cũng cho rằng Ngài là Chúa, mà chỉ đề cập về Ngài như một nhân vật lịch sử bình thường; 3) Không phải lúc nào Ngài Giêsu cũng là Chúa. Như vậy câu đó có thể có các nghĩa liên quan tới từ ngữ (Kurios), tới quan niệm của thánh sử và tới chính căn tính Chúa Giêsu. Chúng ta lần lượt tìm hiểu từng nghĩa đó.

c1. Chúng tôi không cho rằng khi nào có từ Kurios đi liền với danh Giêsu hoặc áp dụng trực tiếp cho danh ấy, thì lúc đó mới nên dịch ra tiếng Việt là “Chúa Giêsu”. Về mặt luận lý logic, chính các bản văn hiện tại có theo logic của câu nói trên chăng? Tức là khi nào có từ Kurios thì dịch là “Chúa Giêsu”, khi nào không có từ Kurios thì dịch là “Đức Giêsu” chăng, hay dịch đại trà là “Đức Giêsu” và hoàn toàn vắng bóng từ “Chúa Giêsu”?

Chúng ta đều biết, khác với tiếng Việt, tiếng nước ngoài không phải lúc nào họ cũng kèm tước hay kiểu gọi một người vào tên của người ấy (vd: Mr. Smith, Teacher Smith), mà chỉ dùng tên trống trơn của người đó mà thôi (vd: Smith). Khi không có kiểu gọi đi kèm như Mr. hay Teacher thì lúc đó không có nghĩa Smith không được xem là Mr. hay Teacher. Tương tự, khi không có từ Kurios đi kèm với danh Giêsu thì không có nghĩa là Ngài Giêsu lúc đó không phải là Kurios hay không được gọi là Kurios, đến nỗi không nên dịch là “Chúa Giêsu” (!).

c2. Khẳng định cho rằng “không phải lúc nào thánh sử cũng cho rằng ngài Giêsu là Chúa” cũng được phản ánh ở các câu nói khác của vị mà chúng tôi đối thoại: “Khi viết sách thánh, các thánh sử (thí dụ Gioan vào năm 90)  đã tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Nhưng Tân Ước đang kể câu chuyện lịch sử của những năm 28-30. Không thể để niềm tin vào thần tính của năm 90 lấn át nhân tính của ông Giêsu năm 28. Chẳng thể tin thần tính của Giêsu trước phục sinh năm 30”.

Các khẳng định trên vừa không chắc chắn về mặt chú giải, vừa sai lầm về mặt thần học. Chắc chắn các tác giả Tân Ước khi bắt tay viết các bản văn, họ đã có kinh nghiệm đức tin Phục Sinh, nên trong tâm thức họ Ngài Giêsu lúc nào cũng là Chúa của họ và là Thiên Chúa. Họ viết câu chuyện về Chúa Giêsu với tâm tình đức tin. Xét như thế, chúng ta khó có thể hiểu luận lý logic của các câu “Không thể để niềm tin vào thần tính của năm 90 lấn át nhân tính của ông Giêsu năm 28. Chẳng thể tin thần tính của Giêsu trước phục sinh năm 30” là gì.

Có thể ý của vị đó là thế này: Liệu rằng có khi nào các tác giả Tân Ước “đóng ngoặc” đức tin Phục Sinh của họ, và chỉ “kể câu chuyện lịch sử”, tức là chỉ mô tả ngài Giêsu như một nhân vật lịch sử bình thường chăng?

Câu hỏi như thế giả định có sự đối kháng và loại trừ giữa quan niệm “Ngài Giêsu là Chúa” và “ngài Giêsu là người bình thường”. Rõ ràng không thể có chuyện các thánh sử như Gioan “giả bộ” rằng mình chưa có đức tin Phục Sinh và viết lại câu chuyện thầy Giêsu hoàn toàn với cái nhìn lịch sử mà thôi. Thực ra, các thánh sử, từ Marco đến Gioan đều kết hợp hài hoà giữa 1) việc mô tả Chúa Giêsu như là người thực sự và 2) việc rao giảng Ngài là Chúa đích thực và là Thiên Chúa. Với Rudolf Bultmann, chúng ta đều biết các sách Phúc Âm, tuy chứa đựng nhiều dữ kiện lịch sử, không phải là các sách lịch sử thuần tuý theo kiểu khoa học lịch sử ngày nay, mà là lời rao giảng Tin Mừng để con người được cứu độ. Các thánh sử không hề có ý mô tả một con người thuần tuý theo lịch sử, mà luôn kể câu chuyện lịch sử để rao giảng về vị Chúa Phục Sinh. Thế nên, mô tả Ngài Giêsu là người thực sự hoàn toàn không có nghĩa cho rằng Ngài không phải là Chúa và ngược lại. Đối với các sách Phúc Âm, không có sự tách rời giữa đức tin và lịch sử, mà ngược lại, có sự kết hợp hài hoà này giữa trình thuật lịch sử và lời rao giảng đức tin.

Từ “Chúa Giêsu” trong tiếng Việt diễn tả tuyệt vời quan niệm này của các thánh sử: kể câu chuyện và rao giảng về nhân vật Giêsu, Đấng hoàn toàn là người, nhưng cũng là Chúa đích thực và là Thiên Chúa. Xin nhắc lại, như trên đã nói, từ “Chúa Giêsu” có ngữ nghĩa Ngài là tôn chủ, cao quý, đáng kính trọng, nhưng cũng có ngữ dụng trong giới Công giáo hàm ý rằng Ngài là Chủ Tể đích thực và vì thế là Thiên Chúa. Trong khi đó, từ “Đức Giêsu” vừa cụt cẫng, sai quy tắc, vừa không có nghĩa tôn chủ, vừa không có hàm ý Ngài là Thiên Chúa, biến mô tả của thánh sử trở thành mô tả thuần tuý lịch sử, và đánh mất chiều kích rao giảng của bản văn Phúc Âm.

c3. Có lúc nào Ngài Giêsu chưa là Chúa chăng? Trong trường hợp này, ý nghĩa của câu trên tương đương với ý nghĩa của các câu còn lại của vị mà chúng tôi đối thoại ở trên: “tước này được ban sau Phục Sinh (cf. Cv 2,36), rằng “sau Phục Sinh mới rõ tước này hơn (cf. Pl 2,6-11)”.

Nếu tìm hiểu sâu xa, khẳng định “trong Phúc Âm, không phải lúc nào Giêsu cũng là Chúa” có thể bị ảnh hưởng bởi các tác giả nhấn mạnh đến “Kitô học hai bước” trong các sách Tân Ước. Một số tác giả Kinh Thánh chỉ ra rằng, có dấu vết của một quan niệm Kitô học cổ xưa (xuất hiện trước những năm 50) cho rằng Ngài Giêsu được nâng lên là Chúa chỉ sau khi Phục Sinh, còn trước đó Ngài chỉ là người thường thấp bé. Kitô học này quen được gọi là “Kitô học hai bước” (cf. Raymond Brown, An Introduction to New Testament Christology (New York, 1994), 112-115). Nhưng đây không phải là dòng Kitô học duy nhất trong Tân Ước, vốn có thể còn có một dòng Kitô học cổ xưa hơn (vào những năm 30), cho rằng Ngài Giêsu chỉ là Chúa khi tái lâm và các Kitô học khác cho rằng Ngài là Chúa từ khi chịu phép rửa, hoặc từ khi sinh ra, hoặc từ đời đời (cf. Ibid., 110-152). Việc quá nhấn mạnh dòng “Kitô học hai bước” và áp đặt nó trên toàn bộ Tân Ước có thể phản ánh một quan niệm Kitô học thấp (tiếng Anh: low christology), sai lạc.

Quả thế, chính tác giả Raymon Brown cho rằng Kitô học hai bước có thể là ý (mà các nhà chú giải cho như thế) của một số công thức rời rạc, chứ không phải là ý của toàn bộ bản văn Tân Ước chứa đựng các công thức đó (cf. Ibid., 114, footnote 177). Thánh Luca và thánh Phaolo, dù tường thuật lại một số công thức mang dấu vết của “Kitô học hai bước” đó, nhưng không hề có ý cho rằng sau Phục Sinh, Ngài Giêsu mới trở thành Chúa hay Mêsiah, điều trước đây Ngài chưa là, mà chỉ có ý nói rằng, với Phục Sinh, Ngài được mạc khải là Chúa, điều mà Ngài vẫn luôn luôn là từ trước (cf. Ibid., 115). Nói cách khác, khi các thánh sử tường thuật lại một số công thức có vẻ là “Kitô học hai bước”, các ngài có ý nói về sự thay đổi trong quan niệm của các môn đệ về Chúa Giêsu chứ không phải về sự thay đổi trong căn tính của Ngài.

Như vậy, còn lại một vấn đề là: liệu người đương thời và các môn đệ khi theo Chúa Giêsu khi sinh thời, có gọi Ngài là Chúa chăng? (Vấn đề này được phản ánh trong câu nói của vị mà chúng tôi đối thoại: “Chẳng thể tin thần tính của Giêsu trước phục sinh năm 30”). Có thể là không (nhất là theo nghĩa hậu Phục Sinh) mà cũng có thể là có nếu như họ tôn quý Ngài (ở một số chỗ, thánh sử minh nhiên đặt từ kurios lên miệng người đương thời khi họ thưa chuyện với Ngài, với nghĩa thế tục thông thường, vd: Ga 4,11). Quả thật là các môn đệ khi đi theo Chúa Giêsu khi sinh thời, chưa thể nhận ra rõ ràng thần tính Ngài hay thậm chí tính tôn quý của Ngài như là Chúa; các thánh sử nhiều lần cho thấy rõ ràng điều đó. Nhưng câu hỏi này không liên quan lắm tới đề tài chúng ta đang bàn, là khi gặp từ “Iesus” trong Tân Ước, nên dịch sang tiếng Việt là “Chúa Giêsu” hay “Đức Giêsu”. Vì thực tế, đa số danh Giêsu được đề cập qua lời trình thuật của tác giả sách Thánh, không phải trên môi miệng người đương thời hay các môn đệ của Ngài. Trong một số ít trường hợp mà danh Giêsu xuất hiện trên môi miệng người đương thời khi họ gọi Ngài hay thưa chuyện với Ngài (vd: Mc 10,47), chúng ta có thể dịch là “Thầy Giêsu”, “Ngài Giêsu” hoặc “Ông Giêsu”.

Có ý kiến cho rằng từ “thầy” hạn hẹp vì chỉ nói lên đặc tính dạy dỗ của Chúa Giêsu, nhưng thực ra trong tiếng Việt, từ “thầy” không chỉ dành cho giáo viên, mà còn cho thầy tu, thầy cúng, thầy bói, thầy thuốc, v.v. tức là cho các vị tu hành, giới chức tôn giáo, các kiến nhân hay các vị chữa lành, v.v. Nói cách khác, từ “thầy” có phổ nghĩa rất rộng, là cách nói tôn quý dành cho các bậc chân tu, làm điều ích lợi cho con người, xã hội.

Kết Luận

Cụm từ “Đức Giêsu” vừa sai quy tắc tiếng Việt, vừa là sự thay đổi so với truyền thống 400 năm của ngôn ngữ Công Giáo mà lại có thể đến từ những sai lầm về chú giải Kinh Thánh và thần học. Hơn nữa, về mặt mục vụ, từ đó, cố ý hay vô ý, có thể làm cho độc giả lầm tưởng “Đức Giêsu”, theo cái nhìn Công Giáo, cũng chỉ tương đương như “Đức Phật”, “Đức Khổng” mà thôi.

Bàn luận trên đây lấy bối cảnh và tiền đề là tranh luận về việc dùng cụm từ “Đức Giêsu” hay “Chúa Giêsu”, nhưng chủ yếu giúp chúng ta tìm hiểu kỹ hơn một số vấn đề về luận lý logic, ngữ học, Kinh Thánh và Kitô học trong Tân Ước. Hy vọng một số phân biệt nêu trên về các vấn đề, các khái niệm và từ ngữ có thể giúp chúng ta có những bàn luận rõ ràng và hiệu quả hơn về những chủ đề khác nữa.

19.01.2022

Nguyễn Hai Tính, SJ.