“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi ” (Mt 9:13)
Khi còn là những đứa trẻ nhỏ, chúng ta được dạy rằng Thiên Chúa vô cùng nhân từ và công bằng. Đó là một mầu nhiệm – chúng ta được biết – làm thế nào mà hai phẩm chất này cùng có trong Chúa. Có vẻ như chúng đối lập nhau, và cuối cùng thì cái nào chiếm ưu thế. Suy cho cùng, công bằng có nghĩa là mọi người nhận được những gì họ đáng nhận được, phải không? Và lòng nhân từ có nghĩa là những điều chúng ta đang nhận được đáng lẽ không dành cho chúng ta! Vậy đó là gì?
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về sự phán xét và lòng thương xót. Chúa đảm bảo với chúng ta rằng sẽ có sự phán xét cuối cùng và chúng ta sẽ phải xem xét lại các hành động của mình. Mặt khác, ngài cũng đảm bảo với chúng ta rằng lòng thương xót luôn sẵn có đối với những người tội lỗi nhất và ngài đến để cất đi tội lỗi của chúng ta, thay vì lên án.
Tôi có xu hướng đối xử với người khác một cách khắt khe hay kiên nhẫn và nhân từ?
Trái tim của Chúa Giêsu là một trái tim giàu lòng thương xót, một trái tim biết rung động trước sự đau khổ của con người, đặc biệt là sự đau khổ tội lỗi. Chúa Giêsu không phải là một thẩm phán khi ban thưởng hay ra hình phạt với sự thờ ơ, không quan tâm. Chúa Giêsu không muốn một tội nhân nào phải chết, nhưng Ngài muốn họ từ bỏ con đường tội lỗi mà quay về nẻo chính đường ngay để được sự sống đời đời ( x Ed 18:23).
Khi người bại liệt được đưa ra trước mặt Chúa, Ngài đáp lại bằng cách ban cho anh hồng ân tuyệt vời nhất, thay vì chữa khỏi bệnh tật về thể xác, Chúa Giêsu đưa ra một phần thưởng quý trọng hơn: “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2: 5). Ngài bảo vệ, che chở những người tội lỗi bằng cách nhắc nhở những người nghe rằng, ngài là một thầy thuốc, đến không phải vì người khỏe mạnh mà đến với người bệnh tật (x. Mt 9,11-13). Sứ mệnh của Ngài là sứ mệnh của lòng thương xót! Ngài đến giữa chúng ta với tư cách là con người để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và được cứu chuộc.
Tại sao Chúa nhân từ đến vậy?
Có lẽ ví dụ cảm động nhất về điều này là vào cuối cuộc đời của Chúa Giêsu, khi ngài bị treo trên thập giá giữa trời và đất, máu và hơi thở từ từ rời khỏi cơ thể. Chúng ta không biết tại sao, nhưng một trong hai tên trộm bị đóng đinh cùng Chúa Giêsu quay sang tên trộm kia để quở trách hắn ta. Anh ta nhận ra rằng cả hai đều đang chịu hình phạt xứng đáng với tội của mình, trong khi Chúa Giêsu không làm gì sai cả. Sau đó, anh ta quay về phía Chúa Giêsu và thốt lên những lời quan trọng nhất của cuộc đời mình: “Ông Giêsu ơi, khi nào vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42).
Không ai biết anh ta trông đợi nghe điều gì, nhưng nó không thể tuyệt vời hơn như phản hồi mà anh ta nhận được. Chúa Giêsu liền quay sang anh ta và nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,43)
Tại sao chúng ta không cảm thấy thương xót những người tội lỗi như Chúa Giêsu? Tại sao chúng ta cảm động trước sự đau khổ của một con hải ly với cái chân bị mắc vào bẫy, nhưng lại không cảm thấy gì ngoài sự tức giận và coi thường những kẻ tội lỗi? Tại sao văn hóa bình dân chú ý đến sự trả thù hơn là sự tha thứ?
Thực tế, khi có lòng thương xót, chúng ta thấy đức tính nổi bật nhất trong lòng Chúa Giêsu. Chúng ta giống Ngài theo cách mật thiết nhất. Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đã viết, trong thời gian chúng ta còn sống trên trái đất, “tình yêu thương phải được biểu lộ trên hết là lòng thương xót và cũng phải được hiện thực hóa như lòng thương xót.” Nếu chúng ta muốn biết liệu chúng ta có yêu như Chúa Giêsu hay không, chúng ta phải tự hỏi chính mình, liệu trái tim của chúng ta có nhân từ như Chúa? Không có lòng thương xót, tình yêu là điều không thể.
Có lẽ đúng, khi chúng ta cảm thấy phẫn nộ và thậm chí tức giận đối với những tội nhân làm tổn thương người khác và gây rối trật tự xã hội, trước khi tống họ xuống địa ngục, chúng ta nên tự hỏi: “Liệu tôi có sẵn sàng chết vì anh ta không? Giống như Chúa Giêsu, tôi không thấy thích thú với sự trừng phạt mà mong muốn trên hết là sự biến đổi của Ngài? ”
Và chúng ta nên xem xét thực tế mình sẽ ở đâu nếu không có sự thương xót đó. Bạn có thực sự muốn bị đánh giá chỉ dựa trên giá trị của chính mình không? Tôi sẽ không làm thế. Tất cả chúng ta đều rất cần lòng thương xót của Thiên Chúa, cho dù chúng ta có nhận ra hay không.
Chúa Giêsu đã nói: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu phải tế lễ” (Mt 9:13). Chúng ta phải ghét tội lỗi — trong cuộc sống của chính mình và của người khác — thậm chí, chúng ta phải yêu những người tội lỗi, giống như Chúa Giêsu đã làm.
Chúa ơi, con có thể nói gì đây? Con sẽ ở đâu nếu không có lòng thương xót vô bờ bến của Chúa? Đã bao nhiêu lần con quay lưng lại để Chúa trong nỗi buồn chỉ để nghe những lời cứu rỗi: “Con ơi, ta tha thứ cho con”? Trước mắt con luôn có lòng nhân từ của Ngài, để con sẽ không bị cám dỗ, mong ước người khác bị trừng phạt mà bản thân mình được tha thứ.
Tội lỗi là một điều khủng khiếp. Nó phá vỡ cấu trúc xã hội. Nó làm tan vỡ gia đình. Nó phá hủy cuộc sống. Xin hãy giúp con ngăn chặn tội lỗi và làm những gì có thể để loại bỏ nó, trên hết là trong cuộc sống của chính con. Đồng thời, xin cho con nhìn đồng loại tội lỗi với tấm lòng nhân từ, với chính tấm lòng của con.
Lạy Rất Thánh Trái tim Chúa Giêsu tràn đầy tình yêu và lòng thương xót, xin hãy làm cho trái tim của con giống như Chúa hơn!
A Heart Like His: Meditations on the Sacred Heart of Jesus Tác giả: Thomas D. Williams