Ngày toàn quốc cầu nguyện xin ơn chữa lành: “Lạy Thầy, xin hãy thức dậy!”

moi222Ban thường vụ Hội đồng Giám mục đã quyết định cử hành Ngày Toàn quốc Cầu nguyện xin Ơn chữa lành trong cơn đại dịch, cụ thể như sau:

  • Thánh lễ Chúa Nhật, ngày 17 tháng 10 năm 2021: Tất cả các linh mục cử hành Thánh lễ theo ý chỉ chung: Cầu cho bệnh nhân, cho người đã qua đời, cho các y bác sỹ và nhân viên y tế, cho người đang gánh chịu hậu quả do dịch bệnh.
  • Giữ Chay trong ngày thứ Sáu, ngày 22 tháng 10 năm 2021: Cùng với lời cầu nguyện, mỗi người sẽ giữ chay và làm những việc hy sinh để đền bù tội lỗi của mình cũng như của nhân loại, và làm một việc bác ái giúp đỡ người nghèo khổ.

 

Lạy Thầy, xin hãy thức dậy!”

Theo thống kê của Worldometers.infor[1], cho đến nay, trên toàn thế giới đã có khoảng 240,802,983 ca nhiễm, 4,904,096 người chết. Riêng tại Việt Nam, có khoảng 857,639 ca nhiễm và khoảng 21,043 người đã chết vì đại dịch Covid-19. Quả thực, đây là một thảm cảnh đau buồn không chỉ với những người nhiễm bệnh, những người đã phải ra đi vì dịch bệnh, nhưng còn là bức tranh ảm đạm, đau buồn, chết chóc và tang thương đang bao trùm nhân loại. Trước những đau khổ đang xảy đến cho nhân loại, dẫn đến những khủng hoảng trầm trọng, khủng hoảng về kinh thế, chính trị, nhân văn, nhân lực, nguồn lực,…nhưng có lẽ một trong những khủng hoảng lớn nhất cho con người, đó là khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng đức tin. Người ta luôn đặt câu hỏi tại sao Thiên Chúa để sự dữ sảy ra? Hay Thiên Chúa ở đâu? Ngài có thấy con người đang đau khổ, đang chết chóc không?

Quả thực, những thắc mắc tại sao và tại sao của con người đặt ra trong cơn khủng hoảng này không phải không có lý? Nhưng để trả lời cho họ thì lại không phải dễ dàng một chút nào.

Trước khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Thiên Chúa – Ngài ở đâu? Tại sao Thiên Chúa lại để sự dữ xảy ra? Có lẽ, chúng ta phải quay ngược lại thời gian một chút trong quá trình phát triển của nhân loại.

Thế giới, con người đang sống được gọi thời kỳ 4.0 nhưng 4.0[2] là gì, thì cần phải quay ngược dòng thời gian tìm hiểu cho tường tận về sự phát triển của thế giới.

Thời đại 1.0 cuối thế kỷ 18 đầu 19: phát minh ra động cơ đốt trong để thay cho sức người sức ngựa.

Thời đại 2.0 cuối thế kỷ 19 đầu 20: phát minh ra động cơ điện

Thời đại 3.0 từ 1970 – 2020: Phát minh ra máy vi tính và tự động hóa, internet ra đời.

Thời đại 4.0: đang diễn ra: Phát triển trên 3 trụ cột chính là: Ngành kỹ thuật số, Công nghệ Sinh Học, Vật lý.

Những cuộc cách mạng này đã làm thay đổi bộ mặt thế giới. Nó đã giúp con người đạt được những thành tựu khoa học vượt bậc và áp dụng các phương tiện vào đời sống lao động, sản xuất, chế tạo, y học, sinh học, vũ trụ…Những lợi ích mà nó mang lại quả thực không thể kể hết được.

Nhưng cũng từ chính sự phát triển vượt bậc của khoa học, kỹ thuật mà nhiều người lại đánh mất đi chính niềm tin, chính cội nguồn của mình. Từ đây, có những cá nhân hay chủ thuyết cho rằng con người giờ đã làm chủ thế giới, làm chủ vận mạng của mình. Người ta tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra một bên. Thâm chí còn không muốn Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời của mình. Bởi vì, có Thiên Chúa thì con người bị mất tự do. Thái độ loại trừ Thiên Chúa trở thành một hệ thống triết học và chính trị vô thần duy vật chất với những tên tuổi như Feuerbach, Kark Marx. Triết gia hiện sinh vô thần Nietzsche đã đặt trên môi miệng của một người điên đang xông vào đám người vô thần lời tuyên bố này: “Thiên Chúa đã chết! Thiên Chúa sẽ mãi mãi chết! Và chính chúng ta đã giết Người”[3] . Theo ông, phải giết chết Chúa để chừa chỗ cho siêu nhân và cho ý chí quyền lực của con người.

Chủ thuyết loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, ra khỏi cuộc chơi không chỉ dừng lại ở cá nhân, nhưng còn được ghi trong các hiến pháp của quốc gia, các tổ chức quốc tế.

Kính thưa qúy vị!

Với những chủ trương như thế thì: Xem ra thật bất công khi chính con người đã tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình, rồi khi đau khổ xảy đến, người ta lại thắc mắc Thiên Chúa đang ở đâu?

T7 3 TN Mc 435 41 b 1Bài Tin mừng theo Thánh Máccô (Mc 4, 35-41) hôm nay như một lời giải cho chúng ta trong bối cảnh thế giới đang chao đảo vì dịch bệnh. Giữa đêm tối, giông bão của biển cả, các môn đệ hoảng sợ, dù Đức Giêsu đang ở trên thuyền với các ông. Ngài có vẻ ngủ nhưng thực ra Ngài vẫn thức để dõi theo và chờ đợi các ông kêu cầu Ngài giúp đỡ. Cũng vậy, dù dịch bệnh như những cơn bão có chụp xuống cuộc đời chúng ta lúc này, điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta. Ngài vẫn ở đó, vẫn đang hiện diện và đồng hành với nhân loại, nhưng chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài hay không mà thôi.

Thực vậy, Đức Giêsu, trong thân phận của một Thiên Chúa làm Người, chắc chắn, Ngài đang đau nỗi đau của nhân loại, Ngài cũng đang mang lấy những bệnh tật của con người. “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 5-17). Cũng như xưa, Ngài vẫn ở trên thuyền với các các môn đệ, nay Ngài vẫn tiếp tục ở với chúng ta trong cơn bão tố, trơn cơn đại dịch này.

Vì thế, phải khẳng định một điều chắn rằng: Thiên Chúa không bao giờ muốn cho con người đau khổ, nhưng qua sự dữ, con người cần nhận ra sự yêu đuối, mỏng manh, bất lực và kém tin của mình. Cụ thể:

  • Đại dịch đã vạch trần sự an ninh giả tạo, vạch trần sức mạnh mỏng manh của khoa học, kỹ thuật, quân sự, kinh tế mà con người đang tuyệt đối hóa. Người ta không thể mang súng đạn, tên lửa hay bom nguyên tử ra để tiêu diệt một con virus vô hình. Người ta cũng không thể dùng quyền lực, dùng tiền để mua chuộc hay hối lộ con Virus đừng làm hại chính mình.
  • Dịch bệnh cũng lột trần những mánh khóe, những thủ đoạn của các thể chế về một lý tưởng tốt đẹp mà không cần Thiên Chúa. Những ngày qua, hàng ngàn người bất chấp những khó khăn, cấm cản để hồi hương mặc dù chưa biết tương lai phía trước thế nào, nhưng họ tin rằng hồi hương là lựa chọn tốt nhất để bảo vệ mạng sống và gia đình của mình. Bởi giờ đây, người ta không phải chỉ sợ con Virus, nhưng có lẽ người ta đã mất niềm tin vào những lời hứa, chán ngấy thứ bánh vẽ, những gói trợ cấp trên tivi. Đó là hậu quả một thể chế loại trừ Thiên Chúa, họ muốn thay trời hành đạo.

Tuy nhiên, giữa đêm đen, cũng xuất hiện những ngôi sao sáng bởi còn đó rất nhiều người tốt đang ngày đêm trợ giúp anh em, đồng bào của mình. Để rồi, chúng ta chợt nhận ra rằng, tất cả đều chung một con thuyền. Thuyền chìm thì tất cả đều chìm, thuyền bình an thì tất cả được sống. Vì thế, dịch bệnh giúp ta biết sống quảng đại, cộng tác, yêu thương và tha thứ cho nhau hơn.

  • Cũng chính giông tố, dịch bệnh sẽ giúp chúng ta biểu lộ đức tin. Khi yếu đuối và bất lực thì con người chỉ còn biết trông cậy vào Chúa và xin Ngài đến cứu giúp. Như bài đọc I, tác giả sách Ai-ca vẫn một lòng trông cậy: “lòng Chúa thương xót không hề chấm dứt, và lòng từ bi Chúa không bao giờ vơi cạn. Chúa đối xử tốt lành với những kẻ trông cậy Chúa, với những tâm hồn luôn kiếm tìm Người. Thật tốt đẹp khi biết lặng thinh đợi trông ơn Chúa cứu độ” (Ac 22, 23 -26).
  • Đây là thời điểm lựa chọn: Chúa mời gọi chúng ta hãy đón nhận những thử thách này như “một thời điểm lựa chọn”. Chúng ta phải suy xét để chọn lựa giữa giá trị vĩnh cửu hay chọn những điều chóng qua. Những điều chóng qua là tiền tài, lợi ích – những thứ không mua được sức khoẻ và sinh mệnh. Còn giá trị vĩnh cửu là ơn cứu độ và bình an nơi Thiên Chúa dù gặp thử thách, đau thương.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đặt Chúa làm trung tâm đời sống của mình vì khi có Ngài, sóng sẽ yên, biển sẽ lặng và cuộc đời chúng con sẽ cập bến bình an. Giữa biển động, sóng to, gió lớn vì dịch bênh, chúng con cũng khẩn cầu Chúa: “Lạy Thầy, xin hãy thức dậy!” Chúa thức dậy để đánh thức và hồi sinh niềm tin cho chúng con để chúng con được nhận lãnh ơn cứu độ mà Ngài đã hứa ban. Amen.

Bài viết: Jos. Tuấn Vũ, CSC.

——————————————————————————————————

[1] Xc.https://www.worldometers.info/coronavirus/?utm_campaign=homeAdvegas1? Truy cập ngày 16.10.2021.

[2] Xc. https://en.wikipedia.org/wiki/Fourth_Industrial_Revolution.

[3] Xc. Nietzsche, Le Gai Savoir, Livre troisième, 125.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *