Đức Thánh cha Phanxicô đã qua đời lúc 7 giờ 35 sáng ngày 21 tháng Tư năm 2025, thứ Hai trong Tuần Bát nhật Phục sinh.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Thông cáo của Tòa Thánh cho biết: Đức Hồng y Kevin Joseph Farrell, người Ailen và Mỹ, Bộ trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, trong tư cách là Hồng y Nhiếp chính trong trường hợp trống ngôi Giáo hoàng, ra thông báo:
“Sáng nay, lúc 7:35, Đức giám mục Roma, Phanxicô, đã về nhà Cha. Trọn cuộc sống của ngài được thánh hiến để phụng sự Chúa và Giáo hội của Người. Ngài đã dạy chúng ta sống các giá trị Tin mừng trong trung thành, can đảm, yêu thương tất cả mọi người, đặc biệt dành cho những người nghèo nhất và bị gạt ra ngoài lề nhất. Với lòng biết ơn bao la vì tấm gương môn đệ chân chính của ngài về Chúa Giêsu, chúng ta phó thác Đức Giáo hoàng Phanxicô cho tình thương vô cùng thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi”.
An táng
Cách đây ít lâu, Đức Thánh cha Phanxicô đã thay đổi nghi thức an táng Giáo hoàng, gồm việc kiểm chứng, quàn linh cữu và an táng.
Việc kiểm chứng sự qua đời đã được thực hiện tại Nhà trọ thánh Marta, và Đức Hồng y Farrell đã chính thức thông báo. Tiếp đến là việc quàn linh cữu cho các tín hữu kính viếng. Đức Thánh cha Phanxicô đã thay đổi quy luật trước đó và quy định linh cữu của Đức Giáo hoàng không được quàn như trường hợp Đức Thánh cha Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI, nhưng sẽ được đặt trong quan tài trước đó. Sau cùng là lễ nghi an táng. Đức Thánh cha Phanxicô cho biết ngài đã quyết định được an táng tại hầm mộ Giáo hoàng ở Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma, nơi ngài đã đến kính viếng khoảng 170 lần Ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của dân Roma mà ngài đặc biệt tôn kính.
Đức Thánh cha không công bố quy luật mới về việc bầu Giáo hoàng mới, nên việc bầu này vẫn theo quy luật hiện hành.
Quy luật hiện hành về việc bầu Đức Giáo hoàng mới
Hồi năm 2013, trong lời tuyên bố sẽ từ nhiệm, từ lúc 20 giờ ngày 28 tháng Hai năm 2013, Đức Thánh cha Biển Đức XVI nói rằng những vị có thẩm quyền sẽ triệu tập Mật nghị Hồng y để bầu vị Giáo hoàng mới.
Đâu là quy luật để tiến hành công việc quan trọng này?
Ngày 22 tháng Hai năm 1996, lễ kính Tòa Thánh Phêrô, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã ký Tông hiến Universi Dominici Gregis (Mục Tử toàn thể Đoàn chiên Chúa), để cập nhật các quy luật điều hành Tòa Thánh trong thời kỳ trống tòa. Tông hiến được giới thiệu với giới báo chí ngày hôm sau đó, 23 tháng Hai năm 1996.
Văn kiện pháp lý này dài 64 trang, ngoài phần nhập đề và kết luận, Văn kiện có hai phần chính:
Phần đầu nói về những quy luật phải giữ trong lúc Tòa Thánh trống ngôi, sau khi Đức Giáo hoàng qua đời hoặc từ nhiệm. Phần này gồm có năm chương lần lượt bàn về: các quyền của Hồng y đoàn khi Tông Tòa trống ngôi; Hội đồng Hồng y chuẩn bị bầu Giáo hoàng; các trách vụ khác trong thời kỳ trống ngôi Tông Tòa; quyền hạn của các Cơ quan Trung ương Tòa Thánh khi trống ngôi Tông Tòa; sau cùng là việc an táng vị Giáo hoàng quá cố.
Phần hai của Tông hiến nói về việc bầu cử vị Giáo hoàng mới và gồm bảy chương, lần lượt xác định: thành phần cử tri bầu Giáo hoàng, địa điểm và những người được nhận vào nơi bầu cử; khởi sự việc bầu; việc tuân giữ bí mật nghiêm ngặt; diễn tiến việc bầu Giáo hoàng; những điều phải giữ và phải tránh trong việc bầu Giáo hoàng; và sau cùng là việc ưng nhận, công bố và khởi sự sứ vụ của vị tân Giáo hoàng.
Sau đây là một số điểm nổi bật trong Tông hiến “Mục tử của toàn thể Đoàn chiên Chúa”.
Thứ nhất. Cuộc bầu cử Giáo hoàng vẫn được diễn ra tại Nhà nguyện Sistina, trong Dinh Tông tòa, nhưng các Hồng y cử tri không buộc phải ở trong Dinh Tông tòa như xưa kia, nhưng ở trong Nhà trọ thánh Marta, gồm năm tầng và có 120 phòng tiện nghi, phía bên trái Đền thờ thánh Phêrô ở nội thành Vatican, khánh thành hồi mùa xuân năm 1996.
Trong thời kỳ chuẩn bị và tiến hành Mật nghị Hồng y, nhà trọ này sẽ được hoàn toàn dùng cho các hồng y cử tri. Không một người nào khác ngoài các Hồng y cử tri và những người trợ giúp- trong đó có hai bác sĩ-, được phép lui tới nhà trọ này. Các Hồng y cử tri sẽ bắt thăm để nhận căn hộ của mình, lúc được triệu tập tới Vatican sau khi Tông Tòa trống ngôi.
Thứ hai. Chỉ còn một cách thức bầu cử.
Tông hiến quy định rằng cách duy nhất ngày nay để bầu Giáo hoàng là bầu theo thể thức bỏ phiếu kín và cần phải có hai phần ba số phiếu của những người hiện diện để đắc cử. Nếu số cử tri không chia chẵn cho ba được thì phải có thêm một phiếu nữa để đắc cử (cf số 62, để tránh tình trạng bầu cho bản thân mình).
Thứ ba. Tông hiến giữ nguyên quy luật do Đức Phaolô VI ban hành, nghĩa là chỉ có các Hồng y dưới 80 tuổi mới có quyền bầu Giáo hoàng, và số cử tri tối đa là 120 vị. Tuy nhiên, có một số chi tiết mới:
Theo luật cũ do Đức Phaolô VI ban hành năm 1975, Hồng y chẵn 80 tuổi và mất quyền bầu Giáo hoàng, “tính từ ngày bắt đầu Mật nghị bầu Giáo hoàng”. Nhưng theo luật hiện hành, vị Hồng y nào chẵn 80 tuổi vào “ngày hôm trước khi Đức Giáo hoàng qua đời hoặc từ nhiệm”, thì không còn quyền bầu Giáo hoàng nữa (n.33).
Tuy không còn quyền bầu, nhưng các Hồng y từ 80 tuổi trở lên có thể tham gia các cuộc họp của Hồng y đoàn chuẩn bị cho cuộc bầu chọn, và trong thời gian diễn ra cuộc bầu chọn, các Hồng y trên 80 tuổi được mời gọi hướng dẫn các buổi cầu nguyện của Dân Chúa trong các thánh đường ở Roma cũng như tại các giáo phận trên thế giới cho cuộc bầu Giáo hoàng mới được diễn tiến tốt đẹp theo ý Chúa.
Tính chất cô lập và bí mật của Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng được Tông hiến hiện hành tái xác nhận đứng trước những phương tiện truyền thông tối tân ngày nay.
Tuy Tông hiến không truyền phải niêm phong kín các cửa ra vào và các cửa sổ, chặn các hành lang và thang máy, như luật trước đây, nhưng tiếp tục đòi phải cô lập các Hồng y cử tri. Trong thời gian Mật nghị bầu Giáo hoàng, các Hồng y cử tri không được tiếp xúc với bên ngoài, đọc báo chí, nghe Radio, coi truyền hình, dùng điện thoại, viết thư hoặc các phương tiện khác để liên lạc với người bên ngoài mật nghị (n.57). Mục đích là để các vị được hoàn toàn tự do, không chịu một áp lực nào của bất cứ ai.
Tất cả những người phục vụ trong Mật nghị bầu Giáo hoàng mà tiết lộ bí mật sẽ bị vạ tuyệt thông tức khắc dành riêng quyền giải cho Tòa Thánh. Đức Thánh cha quy định thêm rằng: “Tôi cũng ra lệnh cho các Hồng y cử tri, với tất cả trách nhiệm nặng nề trong lương tâm, phải giữ mọi bí mật về cuộc bầu Giáo hoàng, kể cả sau khi đã bầu vị Giáo hoàng mới và không được vi phạm điều đó bằng bất cứ cách nào, trừ khi được phép đặc biệt và rõ ràng của chính Đức Giáo hoàng. Để các Hồng y cử tri có thể tránh được sự tò mò của người khác và các cạm bẫy họ giăng ra làm thương tổn phán đoán độc lập và tự do quyết định của các vị, tôi tuyệt đối cấm, không được du nhập với bất kỳ lý do gì những máy móc để thu hoặc phát lại âm thanh, hình ảnh hoặc chữ viết vào nơi diễn ra cuộc bầu cử, và nếu các máy đó hiện diện tại nơi ấy, thì không được sử dụng” (nn.60-61).
Đức Hồng y nhiếp chính có nhiệm vụ nhờ các chuyên viên kỹ thuật đáng tin
cậy kiểm soát nơi họp của các Hồng y cử tri và Nhà nguyện Sistina để phát hiện những Micro hoặc dụng cụ thu âm, thu hình bí mật người ta có thể gắn vào đó.
Tông hiến của Đức Thánh cha tái xác định thói quen ủy thác cho hai vị giáo sĩ nổi tiếng về đạo lý, đời sống luân lý và nhân đức, nhiệm vụ trình bày cho các Hồng y cử tri hai bài suy niệm, khi mới khởi sự Mật nghị bầu Giáo hoàng. Hai bài đó nói về trách vụ hệ trọng của các Hồng y cử tri và các đức tính của vị Giáo hoàng mới cũng như các vấn đề của Giáo hội.
Tông hiến vẫn quy định rằng từ lúc Tòa Thánh trống ngôi, các Hồng y hiện diện tại Vatican phải đợi các Hồng y vắng mặt đến trong vòng 15 ngày trọn. Nhưng Hồng y đoàn có thể vì lý do hệ trọng, triển hạn thêm vài ngày nữa việc bắt đầu bầu Giáo hoàng mới, nhưng sau 20 ngày từ khi trống tòa, thì tất cả các Hồng y cử tri hiện diện phải tiến hành việc bầu Giáo hoàng (n.37). Tất cả các Hồng y cử tri, khi được vị Niên trưởng Hồng y đoàn hoặc người kế vị, triệu tập để bầu Giáo hoàng mới, thì do đức vâng lời, phải đến nơi đã chỉ định, trừ khi bị bệnh hoặc bị ngăn trở trầm trọng. Ngăn trở này phải được Hồng y đoàn nhìn nhận. (n.38)
Tông hiến tái khẳng định những điều mà các vị Giáo hoàng trước đây đã quy định về việc loại trừ tất cả mọi sự can thiệp từ bên ngoài đối với việc bầu Giáo hoàng. Bị phạt vạ tuyệt thông tức khắc những Hồng y cử tri nào, vì bất kỳ lý do nào, nhận sứ mạng của nhà cầm quyền dân sự, bất cứ cấp độ nào, để đề nghị việc phủ quyết, đối với việc bầu Giáo hoàng.
Các Hồng y cử tri sẽ nhóm họp mỗi ngày hai lần sáng chiều tại Nhà nguyện Sistina để bầu Giáo hoàng mới. Mỗi buổi như thế có thể có hai lần bỏ phiếu. Khi bỏ phiếu, vị Hồng y phải giơ cao phiếu của mình và đọc lời tuyên thệ theo công thức: “Tôi xin Chúa Kitô, Đấng sẽ xét xử tôi, làm chứng rằng tôi bỏ phiếu cho người mà, theo Chúa, tôi thấy là phải bầu” (n.66).
Các Hồng y bị liệt giường tại Nhà trọ thánh Marta mà không đến Nhà nguyện Sistina để bỏ phiếu được, thì 3 Hồng y sẽ mang thùng phiếu đến tận phòng các vị ấy để nhận phiếu bầu. (n.67)
Sau ba ngày đầu tiên bỏ phiếu mà không có kết quả, cử tri đoàn sẽ ngưng bỏ phiếu trong vòng một ngày để cầu nguyện, trao đổi ý kiến, và nghe huấn dụ thiêng liêng của Đức Hồng y Trưởng đẳng Phó tế, rồi lại tiếp tục bầu chọn. Sau 7 lần bỏ phiếu nữa mà vẫn không có kết quả, thì lại tạm ngưng để cầu nguyện và trao đổi. Nếu sau 7 lần bỏ phiếu nữa mà không có kết quả, thì lại tạm ngưng như vậy. Nếu vẫn không có kết quả với hai phần ba số phiếu, thì các Hồng y được mời gọi phát biểu ý kiến về cách bầu cử và sau đó sẽ tiến hành việc bầu theo sự quyết định của đa số tuyệt đối các cử tri (không cần sự đồng ý của toàn thể các cử tri như luật cũ đòi hỏi). Các vị cũng có thể quyết định chỉ bầu trong số hai vị nhiều phiếu nhất. Dầu sao thì trong trường hợp như thế, luôn luôn cần có đa số tuyệt đối (quá bán) để đắc cử (n.75).
Các phiếu sau mỗi lần bầu phải được đốt đi. Luật mới không nói gì về việc thông báo bằng khói trắng hay khói đen cho các tín hữu đứng chờ ở Quảng trường thánh Phêrô bên ngoài.
Nếu cuộc bầu cử tiến hành đúng như luật định và vị đắc cử là người đã có chức giám mục rồi và chấp nhận việc bầu, thì tức khắc vị ấy trở thành Giáo hoàng với đầy đủ mọi quyền và nghĩa vụ. Nếu vị ấy chưa có chức giám mục thì phải tiến hành ngay việc truyền chức giám mục. Người truyền chức giám mục cho vị tân Giáo hoàng là Đức Hồng y Niên trưởng, hoặc Phó Niên trưởng Hồng y đoàn hoặc người kế vị.
Các Hồng y sẽ tiến hành việc chúc mừng và bày tỏ sự tuân phục vị tân Giáo hoàng. Sau đó, vị Hồng y Trưởng đẳng Phó tế loan báo cho dân chúng danh tánh của vị đắc cử. Đức tân Giáo hoàng sẽ ban phép lành cho Roma và toàn thế giới từ bao lơn của Đền thờ thánh Phêrô (n.89).
Để ngăn ngừa sự thoái thác của người đắc cử, Đức Thánh cha viết rằng: “Tôi xin vị đắc cử đừng vì sợ gánh nặng của chức vụ mà tránh né trách vụ đã được kêu gọi lãnh nhận, trái lại hãy khiêm tốn tuân phục ý định của Chúa. Vì Thiên Chúa, Đấng trao trách vụ ấy, cũng sẽ nâng đỡ để người đắc cử có thể vác nổi gánh nặng đó” (n.86).
Quyền hạn của các Hồng y
Tông hiến cũng xác định quyền hạn của Hồng y đoàn trong thời kỳ trống ngôi Giáo hoàng. Lúc đó, Tòa Thánh sẽ được Hội đồng Hồng y quản trị và điều hành. Văn kiện phân biệt hai thực thể: Hội đồng Hồng y toàn thể, và Hội đồng Hồng y thu hẹp. Hội đồng Hồng y toàn thể gồm tất cả các Hồng y. Tuy nhiên, các Hồng y từ 80 tuổi trở lên, không bắt buộc phải tham gia hội đồng này. Hội đồng Hồng y thu hẹp, gồm Hồng y Nhiếp chính và ba Hồng y phụ tá, mỗi vị thuộc một đẳng: Giám mục, Linh mục và Phó tế, được rút thăm. Nhiệm kỳ ba vị này chỉ kéo dài ba ngày, và sau đó tới phiên ba vị khác, lần lượt như vậy.
Hội đồng Hồng y toàn thể nhóm họp mỗi ngày và có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề quan trọng, còn Hội đồng Hồng y thu hẹp giải quyết các vấn đề thông thường. Trong thời gian trống ngôi Tông Tòa, Hồng y đoàn không được quyền quyết định điều gì thuộc thẩm quyền của Đức Giáo hoàng, ví dụ không được bổ nhiệm giám mục mới, hoặc lập giáo phận mới… Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, các vị Hồng y Tổng trưởng cũng như các Tổng giám mục Chủ tịch các Cơ quan Trung ương Tòa Thánh đều bị ngưng chức, ngay sau khi Tông Tòa trống vị, ngoại trừ Đức Hồng y Chánh tòa Ân giải tối cao. Các vị tổng thư ký của các bộ và các cơ quan trung ương Tòa Thánh vẫn tiếp tục chức vụ.
Sau cùng, trong thời gian trống ngôi Giáo hoàng, toàn thể Giáo hội phải cử hành thánh lễ và các buổi cầu nguyện, xin Chúa soi sáng cho các Hồng y cử tri mau lẹ bầu chọn người xứng đáng để cai quản Giáo hội, như công ích của Dân Chúa và của các linh hồn đòi hỏi (n.84).
Bài viết liên quan
THÔNG BÁO VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH VATICAN TẠI VIỆT NAM TIẾP NHẬN PHÂN ƯU ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
THÔNG BÁO VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH VATICAN TẠI VIỆT NAM TIẾP NHẬN PHÂN...
ĐTC Phanxicô, người con của công đồng Vatican II
Vatican News đã có cuộc phỏng vấn với giáo sư Philippe Chenaux của Đại học...
Thông báo cử hành Thánh Lễ cầu cho Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô
THÔNG BÁO CỬ HÀNH THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG PHANXICÔ ...
Thông báo về Thánh lễ Bế mạc Hội nghị Thường niên kỳ I/2025 của Hội đồng Giám mục Việt Nam
Tòa Tổng Giám mục Huế 6 Nguyễn Trường Tộ, Huế THÔNG BÁO THÁNH LỄ BẾ...
Đức Hồng y Parolin sẽ cử hành thánh lễ Ngày Năm thánh cho các thiếu niên
Sáng Chúa nhật, ngày 27 tháng Tư tới đây, Đức Hồng y Pietro Parolin sẽ...
Vệ binh Thụy Sĩ hoãn cử hành lễ tuyên thệ
Vì tang lễ của Đức Thánh cha Phanxicô, Đoàn Vệ binh Thụy Sĩ hoãn lại...