Hồng Thủy – Vatican News
Giáo phận Ketapang ở tỉnh Đông Kalimantan được rất ít người biết đến; ngay cả phần đông người Indonesia còn không có ý niệm giáo phận này nằm ở đâu và nó như thế nào. Thực tế là lãnh thổ của giáo phận Ketapang còn rộng hơn tỉnh Trung và Đông Java rất nhiều. Và chính ở giáo phận này là nơi bắt đầu câu chuyện về sơ Elisa Petra, một nữ tu dòng thánh Augustino và cũng là một nữ hộ sinh, đã giúp đỡ cho các thai phụ ở miền Tanjung xa xôi, cách trung tâm Ketapang 5 đến 6 tiếng lái xe. Từ 8 năm qua, sơ Elisa vừa thực hiện chuyên môn của mình vừa thực hiện sứ vụ thiêng liêng được hội dòng ủy thác cho sơ trong việc chăm sóc y tế, công việc đã được các nữ tu dòng thánh Augustino người Hà lan bắt đầu từ năm 1955. Một mình với chiếc xe gắn máy, sơ vượt qua những con đường sình lầy trơn trượt trong mùa mưa gió và bụi bặm trong mùa nắng nóng để thi hành sứ vụ.
Ơn gọi nảy mầm
Sơ Elisa Petra có tên thời thiếu nữ là Novi Narmasari, sinh quán tại miền Trung Java, Indonesia. Ý tưởng trở thành một nữ tu hộ sinh dòng thánh Augustino tại miền Tanjung xa xôi chưa bao giờ xuất hiện trong trí cô gái trẻ Novi cho đến năm 21 tuổi. Một lần, khi nhìn thấy tấm hình giới thiệu về các sơ dòng thánh Augustino trên một trang lịch Công giáo, trái tim cô gái trẻ đã bị xúc động mạnh mẽ. Tấm hình đã thu hút sự chú ý của Novi. Sơ Elisa chia sẻ về tiếng gọi trở thành nữ tu mà sơ nhận được: “Bức ảnh ấn tượng đó đã chạm đến trái tim tôi. Trong bức ảnh là sơ Agneta Tan Nailoy, dòng thánh Augustino, năm nay 75 tuổi, con gái của ông Tan A Hak, một nhà truyền giáo giáo dân Công giáo từ Trung Quốc đại lục, người đã mang Ki-tô giáo đến Ketapang vào năm 1911. Bức ảnh cho thấy cuộc hành trình của sơ Agneta với ba nữ tu khác từ Menyumbung đến một phòng khám khác trong khu vực phục vụ của họ. Các nữ tu đứng trên một con thuyền gỗ nhỏ. Hình ảnh trong bức ảnh đột nhiên cho tôi thấy rằng một ngày nào đó trong tương lai, tôi thậm chí có thể tạo ra ‘những câu chuyện khác’ về cuộc phiêu lưu đức tin của tôi với Chúa. Và đó là lý do tại sao tôi trở thành một nữ tu dòng Augustino; thay vì gia nhập một dòng khác ở Java tôi đã chọn ở Ketapan xa xôi để có thể trải nghiệm một điều đặc biệt như vậy.”
Sứ vụ
Sau khi sơ Elisa được tuyên khấn lần đầu, ngay lập tức hội dòng yêu cầu sơ làm công việc nữ hộ sinh tại trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Tanjung. Là một nữ hộ sinh, sơ thường có những chuyến đi đột xuất và thường xuyên đến những vùng sâu vùng xa. Sơ không thể giúp các thai phụ sinh con ở Tanjung vì đường xá xa xôi và có những nơi không có đường để đi vào “thành phố”. Đôi khi sơ Elisa lái xe máy đến những địa điểm rất xa xôi.
Làm những gì tốt nhất cho Chúa và vì lợi ích của người khác
Có lúc sơ Elisa nghi ngờ về khả năng thực hiện công việc nữ hộ sinh của mình. Nhưng lương tâm đạo đức của sơ đã khiến mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Nó không chỉ là một tiếng gọi bắt buộc của nghề nghiệp. Sơ khẳng định: “Nhưng đây là một sứ vụ thiêng liêng khi tôi chăm sóc sự sống con người, của cả người mẹ và đứa con của họ”. Từ năm 2012, quen với nhiệm vụ là một nữ hộ sinh ở vùng sâu, vùng xa, sơ Elisa dần dần yêu thích những hành động nghĩa tình, nhân ái này. Sơ kết luận: “Với tất cả những hạn chế và kiến thức cá nhân của mình, tôi luôn có mong muốn giữ ngọn lửa thiêng liêng luôn cháy trong trái tim mình. Hãy làm những gì tốt nhất cho Chúa và cho lợi ích của người khác”.
Sứ mạng cần phải hoàn thành
Chính trong tinh thần đó, sơ Elisa xem chuyến đi hai tuần một lần từ Tanjung đến Ketapang không còn là “gánh nặng” mà là một sứ mạng cần phải hoàn thành với sự cao cả. Sơ Sesilia,một nữ tu lớn tuổi cùng dòng thánh Augustiano, giải thích: “Mỗi lần sơ Elisa đến trụ sở dòng ở Ketapang, sơ trông rất bẩn và rất mệt mỏi vì đi xe máy. Sau một ngày nghỉ ngơi và gặp gỡ với các chị em, sơ sẽ trở lại Tanjung với nhiều loại thuốc trong túi xe máy của mình.”
Sơ Elisa không muốn dùng một dịch vụ chuyên chở để di chuyển giữa Ketapang đến Tanjung vì sơ không muốn làm phiền ai cũng như không muốn lệ thuộc vào người khác. Sơ nói: “Cha mẹ tôi dạy tôi độc lập. Bao lâu tôi còn có thể tự mình, thì đi xe máy là được rồi.” Một lý do cơ bản khác khiến sơ chọn đi xe máy là để giảm chi phí đi lại. Bởi vì thực hiện một chuyến đi về từ Tanjung-Ketapang hai tuần một lần là rất tốn kém.
Bao lâu còn những thai phụ cần được giúp đỡ, sơ còn tiếp tục sứ vụ
Giữa đại dịch hoành hành sơ Elisa vẫn tiếp tục công việc chăm sóc sức khỏe như bình thường. Dĩ nhiên là cần phải bảo đảm tuân theo triệt để các quy định về sức khỏe. Bao lâu còn những thai phụ cần được giúp đỡ, công việc hộ sinh của sơ Elisa tại miền xa xôi của giáo phận Ketapang vẫn tiếp tục. Covid-19 gây ra nhiều vấn đề hơn trong việc sinh con, đặc biệt là ở những vùng hẻo lánh như làng Tanjung. Do đó cần có sự hiện diện của Sơ Ellisa Petra. (Asia News 12/11/2020)