BỘ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN
Sứ điệp cho ngày Chúa nhật Biển
Ngày 13 tháng 7 năm 2025
Anh chị em thân mến,
Mỗi năm một lần, các cộng đoàn Công giáo trên toàn thế giới nhớ đến những người làm việc trên biển trong các cử hành phụng vụ Chúa Nhật. Thật vậy, tuần lễ thứ hai của tháng Bảy mở đầu với Chúa nhật Biển – một dịp đặc biệt dành cho việc suy tư nhằm đưa công việc vốn âm thầm và ít được nhìn thấy của hàng ngàn thủy thủ trở thành mối quan tâm của toàn thể Hội thánh. Họ là những con người dành phần lớn cuộc đời sống xa gia đình và các cộng đoàn, nhưng lại cống hiến một sự phục vụ lớn lao cho nền kinh tế và sự phát triển của các dân tộc. Như Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et spes) của Công đồng Vaticanô II nhân dịp kỷ niệm 60 năm trong năm nay đã diễn tả cách sâu sắc: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ” (số 1). Chính vì thế, chúng tôi muốn những người đang làm việc trên biển biết rằng họ ở trong trái tim của Hội thánh: họ không đơn độc trong những khát vọng về công lý, phẩm giá và niềm vui. Thật vậy, sự phát triển toàn diện của con người bao hàm tất cả mọi người và mọi chiều kích về thể lý, tinh thần và cộng đoàn. Ở bất cứ nơi nào Tin Mừng được loan báo và sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh được đón nhận, thế giới không thể cứ như cũ. Bởi vì Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết đã phán: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21, 5).
Trong Năm thánh này, anh chị em thân mến, sự mới mẻ mà các Kitô hữu loan báo cần phải chất vấn một cách sâu xa hơn nữa trật tự hiện hữu, bởi vì Nước Thiên Chúa mời gọi chúng ta hoán cải: bẻ tan xiềng xích, xoá nợ, phân phối lại tài nguyên, gặp gỡ nhau trong hoà bình là những hành động nhân văn, can đảm nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Những hành động ấy làm bừng lên niềm hy vọng. Bởi lẽ chúng ta biết rằng: “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Do đó, toàn thể Hội thánh cũng được mời gọi xem xét về thực trạng lao động trong các hải cảng và trên các con tàu ngày nay về quyền lợi, điều kiện an toàn, sự trợ giúp vật chất và tinh thần. Trong một thế giới bị tổn thương nơi mà những xung đột và bất công ngày càng gia tăng thì việc yêu mến Thiên Chúa của sự sống có nghĩa là dấn thân vì sự sống. Bởi vì sự sống luôn mang tính cụ thể: đó là sự sống của một ai đó, một cuộc sống được gắn liền với những tương quan và nếu họ không được giải phóng khỏi tình trạng bị giam hãm, không được triển nở trong đời sống, đó là một sự sỉ nhục. Vì vậy, chúng ta hãy chiếu sáng vào những góc khuất trong nền kinh tế của chúng ta, vào nơi những người hằng ngày làm cho nó vận hành, nhưng thường không được hưởng lợi gì, thậm chí còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và nguy hiểm.
Chúng ta muốn nhìn nhận các thủy thủ – như khẩu hiệu của Năm thánh 2025 đã mời gọi tất cả chúng ta – “những người hành hương của hy vọng.” Dù ý thức hay không, họ đang hiện thân cho khát vọng chung của mọi người, thuộc mọi dân tộc hay tôn giáo, được sống một cuộc đời xứng đáng thông qua lao động, trao đổi và gặp gỡ. Họ không ở yên một chỗ: họ đã có nhu cầu và lòng can đảm lên đường, như những người nam và người nữ được Kinh Thánh kể lại. Những con người dám lên đường trong hành trình cuộc sống của họ. “Hy vọng” nhắc nhớ chúng ta về cùng đích của mình rằng, chúng ta không phải là những kẻ lang thang không biết vận mệnh của cuộc đời mình, nhưng là con cái của Thiên Chúa, những người có phẩm giá cao quý không thể bị xóa bỏ bởi bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì. Chính vì thế, chúng ta là anh chị em với nhau. Chúng ta đến từ cùng một quê hương và đang trở về cùng một cội nguồn ấy, nơi không có biên giới cũng không có rào cản, nơi không có những đặc quyền chia rẽ và những bất công gây thương tổn. Chính nhờ ý thức vững chắc và không thể lay chuyển đó, chúng ta có thể hy vọng. Ngay hôm nay, sự liên đới giữa chúng ta và giữa mọi loài thụ tạo khác có thể mạnh mẽ hơn và sống động hơn. “Niềm hy vọng Kitô giáo không lừa dối cũng không làm thất vọng vì nó dựa trên niềm xác tín rằng không có gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Spes non confundit, số 3).
Tôi xin chân thành cảm ơn các thủy thủ Kitô hữu và mọi đồng nghiệp thuộc các tôn giáo và các nền văn hóa khác: anh chị em là những người hành hương của hy vọng mỗi khi anh chị em làm việc với sự quan tâm và tình yêu thương; mỗi khi anh chị em duy trì các mối dây liên kết với gia đình và cộng đoàn; mỗi khi anh chị em đối diện với những bất công của xã hội và môi trường, và phản ứng lại một cách can đảm và xây dựng. Chúng tôi mời gọi anh chị em trở nên những cây cầu ngay giữa các quốc gia thù nghịch và là ngôn sứ của hòa bình. Biển cả kết nối mọi vùng đất, mời gọi nhân loại hướng về chân trời vô tận, và tin rằng sự hiệp nhất luôn có thể vượt thắng xung đột. Tôi xin kêu gọi các cộng đoàn Giáo hội, đặc biệt là các giáo phận có biển, sông hoặc hồ, hãy cổ võ sự quan tâm đến Biển cả như một môi trường vật chất và thiêng liêng, đang mời gọi chúng ta hoán cải.
Nguyện xin Đức Maria là Ngôi Sao Biển hướng dẫn và soi sáng niềm hy vọng của chúng ta.
Hồng y Michael Czerny, S.J.
Bộ trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện.
Chuyển ngữ: Nữ tu Têrêsa Thuỳ Dung
Hiệp hội Nữ Đaminh Thừa Sai Phú Cường
Bài viết liên quan
NĂM THÁNH 2025: XÓA NỢ SINH THÁI
Ngày 24/6/2025, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện công bố tài liệu...
Sáu triệu người viếng Nhà thờ chính tòa Paris sau khi được mở lại
Trong hơn sáu tháng sau khi được mở lại, từ ngày 16 tháng Mười Hai...
Phỏng vấn Sơ Becquart về Tài liệu “Các lộ trình cho giai đoạn thực hiện của Thượng Hội đồng”
Nhân dịp công bố tài liệu “Các lộ trình cho giai đoạn thực hiện của...
Đức Hồng y Tolentino được bổ nhiệm vào Ban giám khảo Giải thưởng Zayed về Tình huynh đệ nhân loại
Đức Hồng y José Tolentino de Mendonça, Tổng trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục,...
ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV TỎA SÁNG NIỀM VUI KITÔ GIÁO
Thế giới không cần một nhà lãnh đạo nào khác chỉ để lặp lại nỗi...
Đức Thánh cha bổ nhiệm tân Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em
Hôm mùng 05 tháng Bảy năm 2025, Đức Thánh cha Lêô XIV đã bổ nhiệm...