Thánh Tâm Chúa Giêsu – Nguồn mạch Lòng Thương Xót

Paulthem, CSC

Thánh Tâm Chúa Giêsu là hình ảnh cụ thể và sống động nhất của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nơi Thánh Tâm bị đâm thâu trên thập giá, máu và nước tuôn trào như dấu chỉ của tình yêu, một tình yêu tận hiến, một tình yêu đến cùng (x. Ga 19,34). Vì vậy, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm (see) một trái tim hoàn toàn tự hiến, một trái hoàn toàn yêu thương một cách vô điều kiện và không giữ lại gì cho mình. Thánh Tâm ấy không chỉ rung động vì chúng ta, mà còn bị tổn thương vì nhân loại, và vẫn tiếp tục đập trong từng khoảnh khắc để chuyển cầu cho từng người chúng ta.

Với người sống đời thánh hiến, việc chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu không thể chỉ dừng lại ở mức độ cảm xúc đạo đức, nhưng là hành vi thiêng liêng gắn liền với căn tính và sứ mạng. Nhìn vào Thánh Tâm Chúa, chúng ta được mời gọi để nhìn lại chính tâm hồn mình, và tự hỏi: Tâm hồn tôi có đang cháy lửa yêu thương hay nguội lạnh trong vô cảm? Tôi có dám mở lòng ra với những người đau khổ, lầm lạc, bị bỏ rơi, … như Chúa đã mở Thánh Tâm cho nhân loại? Như vậy, chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu là để trái tim chúng ta được đào luyện trong tình yêu kiên trì và dịu dàng, để dần dần biến đổi cái nhìn, thái độ và cách sống của chúng ta giữa đời.

Khi chiêm ngắm lòng thương xót của Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta không thể tiếp tục sống “vũ như cẫn”. Lòng thương xót ấy đòi buộc chúng ta phải sống (just), để cho ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa soi rọi những góc khuất trong tâm hồn mình, trong sự ích kỷ, trong việc khép kín, trong thái độ xét đoán, vô cảm hay thờ ơ trước nỗi đau của người khác. Lòng thương xót không phải là một cảm xúc dễ chịu, mà là một sự thật mạnh mẽ đặt chúng ta trước lương tâm, và tự vấn: Tôi có đang sống như người đã được Chúa xót thương không? Tôi có đang đối xử với người khác bằng lòng nhân hậu mà tôi hằng cầu xin nơi Chúa không?

Vì vậy, Thánh Tâm Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thay đổi cái nhìn và lựa chọn: từ sự nghiêm khắc với tha nhân sang sự khoan dung, tha thứ; từ việc đòi hỏi công bằng cứng nhắc sang lòng bao dung, chữa lành; từ việc chỉ giữ luật hình thức sang việc sống tinh thần Tin Mừng. Và trong đời sống cộng đoàn, đời sống thánh hiến, đây là thách đố thường nhật: Có thể tôi đúng, nhưng tôi có lòng nhân từ không? Có thể người kia sai, nhưng tôi có lòng thương xót không? Vì rằng, công lý không thể tách rời khỏi lòng thương xót, nếu muốn trở nên giống Chúa Kitô.

Chiêm ngắm và hoán cải tâm hồn sẽ không trọn vẹn nếu không dẫn đến hành động (act) cụ thể. Đó là điều tất yếu, từ Thánh Tâm đầy yêu thương, chúng ta được mời gọi trở thành “dòng suối nhỏ” của lòng thương xót nơi trần gian khô cạn yêu thương này. Với người sống đời thánh hiến, chúng ta không giữ lòng thương xót như một kho tàng riêng, nhưng được sai đi để trao ban qua một lời nói nhẹ nhàng thay vì khắt khe, qua một ánh mắt cảm thông thay vì xét đoán, qua một cử chỉ phục vụ khiêm tốn hơn là đòi hỏi. Đó là sống Tin Mừng một cách âm thầm nhưng đầy sức mạnh.

Việc chia sẻ lòng thương xót không nhất thiết phải bắt đầu từ những điều lớn lao, mà từ những điều nhỏ, biết lắng nghe với sự kiên nhẫn, biết tha thứ không đòi hỏi điều kiện, biết sống hiền lành giữa những va chạm, … Chúng ta càng sống lòng thương xót, càng cảm nghiệm sâu hơn niềm vui và sự bình an nội tâm, vì chính đó là hơi thở của Thánh Tâm Chúa. Và cuối cùng, hành động chia sẻ lòng thương xót chính là một hành vi tuyên xưng đức tin rằng Thiên Chúa là tình yêu (x 1Ga 4,8). Khi chúng ta yêu thương, tha thứ và phục vụ, chúng ta không chỉ bắt chước Chúa, mà còn giúp người khác nhận ra khuôn mặt dịu hiền của Ngài.

Tóm lại, Thánh Tâm Chúa Giêsu là nơi khởi đầu và đích đến của hành trình thiêng liêng: Chiêm ngắm (See) – Sống (Just) – Chia sẻ (Act). Trong ánh sáng của Thánh Tâm đầy thương xót, chúng ta được mời gọi bước vào một tiến trình không ngừng của sự lắng nghe, biến đổi nội tâm và trao ban tình yêu giữa đời thường. Đối với người sống đời thánh hiến, chúng ta sống gắn bó với Thánh Tâm Chúa Giêsu không chỉ là một lòng đạo đức riêng tư, nhưng là một lối sống mang chiều kích ngôn sứ, công bố Tin Mừng bằng chính sự dịu dàng, lòng tha thứ và tình yêu thương phục vụ hằng ngày.

Ước gì mỗi người chúng ta, được Thánh Tâm Chúa Giêsu đào luyện, để trở nên những chứng nhân sống động của lòng thương xót, không phải bằng những lời nói hùng hồn, lớn lao, nhưng qua từng cử chỉ nhỏ bé, đơn sơ mang lấy trái tim Chúa đến với những người anh chị em mình. Chính lúc ấy, đời sống thánh hiến của chúng ta mới thực sự trở thành phản chiếu của một tình yêu thương xót đang tiếp tục chạm đến nhân loại hôm nay.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, trái tim đầy lòng thương xót và hiến dâng, xin uốn lòng con nên giống Thánh Tâm Chúa mỗi ngày. Khi con chiêm ngắm trái tim bị đâm thâu vì yêu con, xin cho con biết lắng nghe nhịp đập yêu thương của Chúa, để trái tim con không còn khép kín, nhưng biết rung cảm trước nỗi đau của anh chị em con.

Xin Thánh Tâm Chúa thanh luyện ánh nhìn con, để con biết nhìn tha nhân bằng cái nhìn dịu dàng và khoan dung. Xin Thánh Tâm Chúa đổi mới tâm hồn con, để nơi con không còn chỗ cho xét đoán, oán giận hay vô cảm. Xin Thánh Tâm Chúa hướng dẫn bước chân con, để con biết sống yêu thương trong thinh lặng, phục vụ trong âm thầm, trao ban lòng thương xót Chúa như một dòng suối nhỏ giữa trần gian khô hạn tình người.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin làm cho lòng con nên giống trái tim Chúa. Amen.

Bài viết liên quan

Tại sao Thánh Tâm Chúa Giêsu lại bừng cháy lên?

Hình ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu bừng cháy xuất phát từ những mặc khải tư...

Đức giáo hoàng đã cung hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa khi nào?

Vào năm 1899, Đức Giáo hoàng Lêo XIII đã cung hiến thế giới cho Thánh...

3 dòng suối chảy ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu

  3 DÒNG SUỐI CHẢY RA TỪ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU Thánh Magarita Maria Alacoque...

Thánh Thể xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Thánh Thể xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Giêsu Tình yêu của Chúa Giêsu tuôn...

Việc sùng kính Thánh Tâm mở lòng ta ra với Chúa

Việc sùng kính Thánh Tâm mở lòng ta ra với Chúa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô...

Sùng kính Thánh Tâm là yêu mến Thánh Thể

Trong một bức thư, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích bằng cách...