Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Truyền Thống Giáo hội (V)

THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU TRONG THÁNH KINH

VÀ TRUYỀN THỐNG GIÁO HỘI (V)

Thánh Tâm Chúa Giêsu theo Chân Phước Gioan Phaolo II và Đức Benedito XVI

Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolo II[1]

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, vị giáo hoàng đến từ Balan – một xứ sở có truyền thống nồng nhiệt tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu – và đã được đắc cử đúng vào Lễ Thánh Margarita Maria Alacoque – Tông Ðồ của Thánh Tâm, ngày 16/10/1978, đã mạnh mẽ xác định sự cần thiết và hợp thời của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong thời đại chúng ta như sau: “Trong nhiều dịp khác nhau tôi đã bày tỏ niềm xác tín của tôi là lòng sùng kính Thánh Tâm phù hợp hơn bao giờ hết với những mong đợi của thời đại chúng ta. Tôi đã nhấn mạnh rằng những yếu tố căn bản của lòng sùng kính này thuộc về linh đạo của Hội Thánh suốt dòng lịch sử của mình một cách ổn định”[2].

Quả thật, trong suốt triều đại 26 năm trên ngôi Giáo hoàng (1978-2005), Ngài đã đưa ra những huấn dụ về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa; điều đó tạo nên một kho tàng tài liệu[3] phong phú về Thánh Tâm Chúa Giê-su, cách cụ thể cuốn “Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II Với Lòng Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu”[4] gồm những bài cổ vũ về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa và những suy niệm về kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giê-su, và một cuốn khác gồm những bài nói chuyện và những sứ điệp của ngài vào các dịp lễ đặc biệt “Đức Thánh Cha với Thánh Tâm Chúa Giê-su”[5]. Dưới đây là một vài trích dẫn phát biểu của Chân Phước Gioan Phaolo II liên quan đến Thánh Tâm:

“Ngày 1/6/1980, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến Paris, viếng thăm Vương Cung Thánh đường Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài đã nói với các vị tham dự Đại Hội Toàn Quốc: “Chúng ta đang ở tại Montmartre, trong Đền Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hôm nay là ngày 1/6, ngày thứ nhất của tháng 6 được dâng lên Chúa, để suy niệm và cung ngắm tình yêu Đức Kitô được biểu lộ qua Trái Tim chí thánh của Ngài. Cha rất hân hoan đến tham dự ngày kết thúc buổi cầu nguyện này, giữa anh chị em tín hữu đã tập họp nơi đây, vì lòng mến Thánh Tâm Chúa Giêsu, để cầu nguyện trước Bí Tích Mình Thánh Chúa. Chúng ta hãy thực hiện thông điệp, mà từ Tin Mừng của Thánh Gioan Tông đồ đến Paray-Le-Monial.[6]

 Con đang sống giữa những thớ thịt bị tàn phá bằng tội lỗi. Vậy, tiên vàn, con hãy trở nên tế bào lành mạnh, được nuôi dưỡng dồi dào bằng Máu Châu Báu của Trái Tim Chúa, là ơn Thánh. Hơn nữa, bằng những phương thế hữu hiệu nhất của con và bằng lòng quảng đại của con đối với các linh hồn ốm yếu, con hãy ra sức chữa các tế bào khô héo, bằng cầu nguyện, hy sinh và phạt tạ. con sẽ dốc quyết phục sinh những người ốm yếu và xấu xa ở quanh con. Như vậy, con thực sự cộng tác vào việc tái sinh những tế bào đang đau bệnh của thân mình Mầu Nhiệm. Và nhờ đó chúng ta sẽ có thể cùng nhau trình lên Chúa Cha, và Người đang ở trên trời, một nhân loại rất tốt lành, bởi vì một khi chúng ta mật kết với Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta đã và sẽ hoạt động trong công trình đem lại sự sống cho nhân loại và canh tân nhân loại này.”[7]

Năm 2002, ngày 23/06, dịp đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói cho hàng ngàn khách hành hương tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô rằng, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu có thể là nguồn mạch của sự hòa giải cho một thế giới đang bị đẫm máu bởi các cuộc xung đột. Ngài nói, “Nhân loại ngày nay cần sứ điệp phát xuất từ sự chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Kitô, nguồn mạch duy nhất, mà từ đó, nhân loại có thể múc lấy những trữ lượng của đức khiêm nhượng và của sự tha thứ cần thiết, để chữa lành những cuộc xung đột cam go đẩm máu.”Đức Thánh Cha nói tiếp , “Việc sùng kính Thánh tâm Chúa Giêsu có nghĩa rằng là tiến vào tâm điểm sâu xa nhất của con người Ðấng Cứu Thế, tòa ngự của tình yêu cứu chuộc thế gian.” Và Ngài tiếp tục, “Nếu trái tim nhân loại biểu hiện một mầu nhiệm khôn dò, một mầu nhiệm chỉ có một Thiên Chúa biết, thì Trái tim của Chúa Giêsu lại càng không thể dò thấu; trong con tim ấy chính sự sống Ngôi Lời chuyển động, và là nơi chứa đựng tất cả những kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết, cũng như tất cả sự viên mãn của thần tính”. Rồi Ngài giải thích, “Ðể cứu chuộc con người, Thiên Chúa đã muốn ban cho con người một trái tim mới, trái tim của Chúa Kitô, kiệt tác Chúa thánh Thần, đã bắt đầu đập trong cung lòng trinh khiết của Mẹ Maria và bị lưỡi đòng đâm thâu trên thánh giá, do đó, trở nên nguồn mạch vô tận của sự sống đời đời.”[8]

Vào cuối tháng 3-2005, Đức Gioan Phaolô II gởi lại những lời tha thiết trong Di Chúc cuối đời ngài cho Giáo Hội và toàn thể nhân loại: “Một nhân loại có những lúc hầu như bị lạc mất, bị thống trị bởi quyền lức sự dữ và sợ hãi; thế giới nầy cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót của Chúa..” Ngài phó thác cho Mẹ: “Việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của Tình Yêu Nhân Hậu phát xuất từ Thánh Tâm Chúa Giêsu được thể hiện hiệu nghiệm bằng ánh mắt của Mẹ Maria.”[9]

  • Đức nguyên Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI

Đức Giáo Hoàng Benedito XVI theo gương những vị tiền nhiệm, cũng đã phản ảnh sự quan tâm của mình trước hiện tượng thiếu thốn tình thương của con người ngày nay bằng thông điệp đầu tiên của ngài mang tựa đề “Deus Caritas Est” – Thiên Chúa là Tình Yêu.

Hơn một năm trên ngôi giáo hoàng, Đức Biển Đức XVI qua những bài giảng thuyết, và qua những việc làm của mình, và đặc biệt qua thông điệp Deus Caritas Est, ngài đã được tặng danh hiệu “Giáo Hoàng của Tình Yêu”.

Thông điệp Deus Caritas Est không phải chỉ là một áng văn tuyệt mỹ, hay những từ ngữ làm ấm lòng người. Trên tất cả, nó là thực thể rõ ràng và là một đòi hỏi cần được đáp trả từ phía con người đối với tình yêu Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nhắc lại lời Thánh Tông Đồ Gioan: “Nếu ai nói rằng mình kính mến Thiên Chúa, mà lại ghét bỏ anh chị em mình, người đó là người nói dối. Vì anh chị em là những người mà nó có thể nhìn thấy mà còn không yêu, làm sao nó có thể yêu Thiên Chúa là Đấng nó không nhìn thấy được” (1Ga 4, 20).

Lòng sùng kính chúng ta dành cho Thánh Tâm Chúa Giêsu không gì hơn là tự giới hạn những nhu cầu và đòi hỏi ích kỷ cá nhân, chấp nhận hy sinh để tăng trưởng tình yêu. Hãy ra đi, hãy vào đời, hãy gặp gỡ và giúp đỡ những người đang cần đến tình yêu của chúng ta. Xúc phạm đến những ngưòi này, hay coi thường họ là gây thương tích cho Thánh Tâm Chúa. Vì trong Trái Tim ấy cũng có những chỗ đứng trang trọng cho những người này.

“Đây là trái tim”, Chúa Cứu Thế cũng đang muốn nói với tất cả chúng ta những lời này ngay hôm nay và trong lúc này. Đời sống là một tặng ân tình yêu lớn lao mà Thiên Chúa trao tặng mỗi người chúng ta. Hãy đọc và hiểu biết tình yêu Thiên Chúa như thế nào qua Thánh Tâm Chúa Giêsu, và hãy đáp trả một cách xứng đáng tình yêu ấy. Nền tảng Kinh Thánh cho việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đó là đoạn những Tin Mừng Ga 19,31-37, về việc xảy ra sau khi Chúa Giêsu chết trên cây thập giá: “Một người lính đã lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức có máu cùng nước chảy ra”.

Bên cạnh đó, vào ngày 15/5/2006, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thông điệp Haurietis Aquas, cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã gởi một bức thư cho Cha Bề Trên Cả Dòng Tên Peter-Hans Kolvenbach như sau[10]:

“Các lời của tiên tri Isaia “ Các bạn sẽ múc nước tận nguồn ơn cứu độ” (Isaia 12,3) khởi đầu thông điệp trong đó Đức Piô XII nhắc lại kỷ niệm đệ nhất bách chu niên việc mở rộng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu cho toàn thể Hội Thánh, không mất đi ý nghĩa nào cho đến hôm nay vào 50 năm sau. Khi cổ vỏ lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su, thông điệp Haurietis Aquas khuyến khích các tín hữu mở lòng ra cho mầu nhiệm Thiên Chúa và tình yêu của Người bằng cách để Người biến đổi mình. Cách 50 năm sau, việc tiếp tục đào sâu mối tương quan của các bí tích với Thánh Tâm Chúa Giêsu sao cho làm sống lại trong chính mình niềm tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa bằng cách tiếp nhận Người ngày càng ân cần hơn trong đời sống của mình, vẫn là một bổn phận mãi mãi hiện tại đối với người Kitô hữu.

Cạnh sườn bị đâm thâu của Đấng Cứu Chuộc là nguồn suối được Thông điệp Haurietis Aquas hướng chúng ta đến: chúng ta có thể kín múc ở nguồn suối này để đạt đến sự hiểu biết đích thực về Đức Giêsu Kitô và cảm nghiệm sâu xa hơn tình yêu của Ngài. Như thế, chúng ta sẽ có thể hiểu được thế nào là hiểu biết tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, cảm nghiệm điều đó bằng cách đặt cái nhìn trên Ngài, cho đến chỗ sống trọn vẹn kinh nghiệm tình yêu của Ngài, để rồi sau đó có thể làm chứng điều này cho những người khác. Quả thực, như Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Bên trái tim Chúa Kitô, con tim nhân loại học biết ý nghĩa đích thực và độc nhất của sự sống và định mệnh của riêng mình, hiểu được giá trị của một cuộc sống Kitô hữu đích thực, giữ mình khỏi những suy đồi trong tâm hồn, biết liên kết tình yêu thảo hiếu đối với Chúa và tình yêu đối với tha nhân. Như thế – đó chính là sự đền tạ đích thực mà Thánh Tâm Đấng Cứu Thế đòi hỏi- nền văn minh Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ có thể được xây dựng trên những đổ nát chồng chất bởi hận thù và bạo lực.”

(a) Biết được tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô

Trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, tôi đã trưng dẫn xác quyết của thư thứ 1 của Thánh Gioan: “Chúng tôi đã nhận biết tình yêu của Thiên Chúa đã có đối với chúng ta, và chúng tôi đã tin vào điều đó ” để nhấn mạnh rằng từ nguồn gốc sự kiện là Kitô hữu, có cuộc gặp gỡ với một Đấng. Bởi vì Thiên Chúa đã tự bày tỏ cách sâu xa nhất qua việc Nhập Thể của Con Một Người, bằng cách nên “hữu hình” trong Người , chính trong mối tương quan với Đức Kitô mà chúng ta có thể nhận biết được Thiên Chúa thật sự là Đấng nào. Và còn hơn nữa: bởi vì tình yêu Thiên Chúa đã tìm gặp được một cách diễn tả sâu xa nhất trong hồng ân Chúa Kitô đã trao mạng sống mình trên Thập giá, nhất là chính khi chiêm ngắm đau khổ và cái chết của Ngài, chúng ta có thể biết được một cách luôn luôn sáng tỏ hơn tình yêu không biên giới của Thiên Chúa đối với chúng ta: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình, hầu ai tin vào Ngài thì sẽ không phải chết, nhưng có sự sống đời đời ”(Ga 3,16).

Đàng khác, mầu nhiệm tình yêu này của Thiên Chúa đối với chúng ta không chỉ cấu thành nội dung lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu mà thôi: Đó cũng chính là nội dung của mọi đường lối thiêng liêng và lòng tôn sùng đích thực của người Kitô hữu –Vậy thật quan trọng để nhấn mạnh rằng, nền tảng của việc tôn sùng này cũng lâu đời như chính Kitô giáo vậy – Quả thực, chỉ có thể là Kitô hữu khi có cái nhìn hướng về Thập giá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, “hướng về Đấng đã bị chúng đâm thâu”(Ga 19, 37; x. Dacaria 12,10). Thông điệp Haurietis Aquas thật có lý khi nhắc lại rằng vết thương cạnh sườn cũng như các vết thương do chịu đóng đinh đối với vô số tâm hồn là một dấu chỉ của tình yêu đã luôn ghi dấu cuộc đời họ cách sâu sắc.Nhận biết tình yêu Thiên Chúa trong Đấng chịu đóng đinh, đã trở thành một kinh nghiệm nội tâm đối với các tâm hồn, làm cho họ tuyên xưng cùng với Tôma: ”Lạy Chúa con và là Thiên Chúa của con” (Ga 20,28) giúp họ đạt đến một đức tin sâu xa hơn, trong sự tiếp nhận vô điều kiện tình yêu của Thiên Chúa.

(b) Cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa khi quay nhìn về Thánh Tâm Chúa Giê-su

Ý nghĩa sâu xa nhất của việc tôn sùng tình yêu Thiên Chúa này chỉ được bày tỏ nếu người ta chăm chú hơn khi nhìn đến việc này mang lại không chỉ sự hiểu biết, nhưng cũng mang đến, nhất là, kinh nghiệm cá nhân về tình yêu này khi tận tâm tin tưởng phục vụ tình yêu Chúa – Rõ ràng kinh nghiệm và sự hiểu biết không thể tách rời nhau, cái này liên hệ đến cái kia – Đàng khác, phải nhấn mạnh rằng một sự hiểu biết thật sự về tình yêu Thiên Chúa chỉ có thể có được trong bối cảnh một thái độ cầu nguyện khiêm tốn và sẵn sàng cách quảng đại. Từ thái độ nội tâm đó, cái nhìn đặt vào cạnh sườn chịu đâm thâu bởi lưỡi đòng biến thành một sự tôn thờ lặng lẽ – Cái nhìn hướng về cạnh sườn chịu đâm thâu của Chúa, từ đó “máu cùng nước chảy ra” (x.Ga 19,37) giúp chúng ta nhận biết muôn vàn hồng ân phát xuất ra từ đó và mở rộng lòng chúng ta cho tất cả các hình thức tôn sùng khác của người Kitô hữu được bao hàm trong việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Đức tin được hiểu như là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa , được cảm nghiệm là một ân sủng, một hồng ân của Thiên Chúa.Nhưng con người chỉ có thể cảm nghiệm được đức tin như một ân sủng theo mức độ con người chấp nhận đức tin đó như một hồng ân mà họ tìm để sống. Việc tôn sùng tình yêu Thiên Chúa như Thông Điệp Haurietis Aquas kêu mời các tín hữu, phải giúp chúng ta nhớ lại liên lỉ rằng Ngài đã tự nguyện mặc lấy trên mình sự đau khổ này “vì chúng ta ”,“vì tôi”. Khi chúng ta thực hiện việc tôn sùng này,chúng ta không chỉ nhận biết tình yêu Thiên Chúa với lòng cảm tạ mà thôi , nhưng chúng ta tiếp tục mở lòng ra cho tình yêu đó, sao cho đời sống chúng ta luôn được điều chỉnh theo gương mẫu đó hơn-Thiên Chúa là Đấng đã đổ tràn tình yêu của Người “trong các con tim của chúng ta nhờ Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (x. Rm 5,5).

Người kêu mời chúng ta tiếp nhận tình yêu của Người không mệt mỏi. Vậy lời kêu mời tận hiến hoàn toàn cho tình yêu cứu độ của Đức Ki-tô và tận hiến cho Ngài có mục tiêu đầu tiên là mối tương quan với Thiên Chúa-Chính vì thế việc tôn sùng này hoàn toàn hướng về tình yêu của Thiên Chúa tự hiến cho chúng ta có một tầm quan trọng không thể thay thế đối với đức tin và đời sống chúng ta trong tình yêu.

(c) Sống và làm chứng cho tình yêu được cảm nghiệm

Người chấp nhận tình yêu Thiên Chúa trong nội tâm được chính Thiên Chúa đào luyện. Tình yêu Thiên Chúa cảm nghiệm đã được con người sống như một “tiếng gọi” mình phải đáp trả. Cái nhìn hướng về Chúa là “Đấng đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17) giúp chúng ta chú tâm hơn đến đau khổ và nhu cầu của kẻ khác. Việc chiêm ngắm tôn thờ cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thâu làm cho chúng ta nhạy cảm với ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Nó làm cho chúng ta có khả năng phó thác chính mình cho tình yêu cứu độ và nhân hậu của Chúa và đồng thời thêm sức mạnh cho chúng ta trong ao ước tham dự vào công trình cứu rỗi của Chúa, bằng cách trở thành khí cụ của Ngài.

Những hồng ân nhận được từ cạnh sườn bị đâm thâu, từ đó “máu và nước chảy ra” (x. Ga 19,34) phải làm thế nào để đời sống chúng ta trở nên một nguồn suối tuôn chảy “những dòng nước hằng sống” cho cả những kẻ khác (x.Ga 7,38) .Cảm nghiệm tình yêu đạt được do việc tôn sùng cạnh sườn bị đâm thâu của Đấng Cứu Chuộc bảo vệ chúng ta khỏi hiểm nguy tự co mình lại và làm cho chúng ta sẵn sàng hơn đối với sự sống của các kẻ khác. “Căn cứ vào điều này chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. (1 Ga 3,16)

Câu trả lời cho lề luật tình yêu chỉ trở nên có thể được bởi kinh nghiệm về việc tình yêu này đã được Thiên Chúa ban cho chúng ta rồi. Như vậy việc tôn sùng tình yêu nên tỏ tường trong mầu nhiệm Thập Giá được tái diễn khi cử hành Thánh Thể kết thành nền tảng của ơn gọi chúng ta, để trở thành những khí cụ trong bàn tay của Đức Ki-tô. Chính nhờ thế mà chúng ta có thể làm những sứ giả đáng tin cậy loan truyền tình yêu của Chúa. Tuy nhiên sự mở ra này cho Thánh ý Chúa phải được luôn làm mới lại: “ Tình yêu không bao giờ “hoàn thành” và “đầy đủ”.

Vậy cái nhìn hướng về “cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thâu” trong đó sáng ngời ý muốn vô hạn mang ơn cứu độ của Thiên Chúa không thể được xem như là một hình thức chóng qua của việc tôn thờ và sùng mộ: Việc tôn thờ tình yêu Thiên Chúa đã được diễn tả qua lịch sử và phụng tự trong biểu tượng “con tim bị đâm thâu” vẫn là một sự tôn thờ phải được tuyệt đối quan tâm để có một mối tương quan sống động với Thiên Chúa.”

Cuối thư Đức Bênêđitô XVI kết thúc: “Với lòng mong ước dịp kỷ niệm 50 năm này giúp kích thích trong bao nhiêu tâm hồn một sự đáp trả mãi mãi đối với tình yêu Thánh Tâm Chúa Kitô, tôi khấng ban cho cha rất đáng kính và các tu sĩ dòng Tên luôn rất tích cực trong việc cổ vỏ lòng tôn sùng căn bản này phép lành Tòa Thánh đặc biệt”.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống Thánh Tâm Chúa!

  1. Thời đại của Lòng Thương Xót Chúa

Lòng thương xót Chúa là nét đặc trưng và như là biểu hiện đỉnh cao của Thánh Tâm Chúa. Quả thật, lòng Thương Xót Chúa luôn là trung tâm của sứ điệp Tin Mừng của Giáo hội trong suốt dòng lịch sử của mình. Nhưng hơn bao giờ hết, hiện nay khi nhân loại ngày càng lún sâu vào vũng lầy tội ác, Giáo hội nhận thấy phải nỗ lực gấp bội trong việc rao giảng Lòng Thương Xót Chúa. Vị Tông Ðồ được Thánh Tâm Chúa Giêsu ưu tuyển để cổ võ Lòng Thương Xót Chúa cho nhân loại chính là Nữ Tu Faustina Kowalska Dòng Ðức Mẹ Thương Xót người Balan[11] (1905-1938).

Ngày Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh 30/04/2000[12], tại Công Trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã tôn phong hiển thánh cho Chị và thiết lập Lễ Kính Lòng Thương Xót[13] vào Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh hàng năm, như chính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã yêu cầu Thánh Faustina. Ðây có thể gọi là khởi điểm của một thời đại mới trong Giáo Hội: Thời đại của Lòng Thương Xót Chúa.

Việc sùng kính Lòng Thương Xót được truyền bá qua Thánh Faustina được gắn liền với việc phổ biến Tuần Cửu Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa từ Thứ Sáu Tuần Thánh cho đến hết Thứ Bảy trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, để nài xin Chúa ban ơn cho các giới người khác nhau trên thế giới, và Chuỗi Thương Xót.

Theo lời Chúa Giêsu ngỏ với Chị Faustina, Chúa sẽ ban rất nhiều ơn[14], nhất là ơn hối cải, cho những ai siêng năng sốt sắng đọc Chuỗi Thương Xót. Chuỗi này có thể đọc bất cứ lúc nào và ở mọi nơi. Nhưng Chuỗi Thương Xót được đọc tốt nhất là trước Nhà Tạm có Thánh Thể Chúa và vào lúc 3 giờ chiều, giờ của Lòng Thương Xót Chúa, khi Chúa chịu chết trên Thánh Giá và Trái Tim Chúa bị đâm thâu để tuôn trào máu và nước làm thành suối nguồn ơn cứu độ. 

Vì Thương Xót là đặc điểm nổi bật của Thánh Tâm Chúa Giêsu, nên đời sống đức tin Công Giáo và lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đích thực bao giờ cũng đồng nghĩa với việc tin ở Tình Yêu Chúa, tin ở Lòng Thương Xót Chúa. Trái Tim Chúa Giêsu đã bị đâm thâu trên Thánh Giá để trút đổ tất cả kho tàng của Lòng Thương Xót Chúa và Nguồn Ơn Cứu Ðộ xuống trên loài người chúng ta. Ðó là bằng chứng hùng hồn nhất buộc ta phải tin nơi Tình Yêu Thiên Chúa dành cho ta. Hãy tín nhiệm tuyệt đối nơi Lòng Thương Xót Chúa! Hãy đặt nền tảng cuộc đời trên Lòng Thương Xót Chúa! Hãy trở nên sứ giả và khí cụ của Lòng Thương Xót Chúa cho tha nhân!

Tạm kết

Nếu lòng thảo mến, vâng phục và hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng luôn là một trong những dấu chỉ chắc chắn của đức tin Công Giáo chân chính, thì bất cứ tín hữu Công Giáo nào cũng phải quan tâm đến việc sốt sắng thực hiện lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thực vậy, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được tất cả các Đức Giáo Hoàng trong lịch sử Giáo Hội chấp nhận và cổ võ hết lòng với tất cả sự cẩn trọng, tinh thần trách nhiệm và ý hướng bảo vệ sự tinh ròng của Đức Tin Công Giáo. Do đó, người tín hữu đó đây hưởng ứng phong trào sùng kính Thánh Tâm Chúa rất đáng khen ngợi, vì phần nào con người cũng biết “Lấy tình yêu đáp trả lại tình yêu”. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho lòng sùng kính Thánh Tâm Đức Giê-su Ki-tô.

Và hơn nữa, giáo dân đã lắng nghe lời Ðức Piô XII nhấn mạnh rằng : lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa được Giáo Hội nhìn nhận và nhiệt liệt cổ võ không phải vì đã được mạc khải riêng cho Thánh Margarita Maria, nhưng vì lòng sùng kính này hoàn toàn phù hợp với bản chất của Kitô giáo, thực chất là đạo của tình yêu. Ngài viết: “Vậy nên, thật hiển nhiên, những mạc khải được tiết lộ cho Thánh Margarita Maria đã không thêm gì vào đạo lý Công Giáo. Ý nghĩa của những mạc khải ấy dựa vào điều này, Chúa Kitô khi biểu lộ Thánh Tâm Người một cách ngoại thường và đặc biệt, muốn kêu gọi tâm trí con người chiêm ngắm và tôn kính mầu nhiệm tình yêu rất thương xót của Thiên Chúa dành cho loài người”. Đồng thời, Ðức Piô XII cũng chỉ ra ý nghĩa căn bản của lòng sùng kính Thánh Tâm như sau: “Chúng ta sẵn sàng hiểu rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cốt yếu là lòng sùng kính đối với tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta qua Chúa Giêsu và đồng thời cũng là tình yêu làm sống động tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và con người. Hay, nói cách khác, lòng sùng kính này được hướng tới tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta để ta thờ lạy Người, cảm tạ Người và suốt đời noi gương Người”.[15]

Tại Việt Nam, phong trào gia đình phạt tạ Thánh Tâm rất lớn mạnh thời gian trước 1975. Sau đó, vì hoàn cảnh nên không tiện sinh hoạt được. Đến nay sau mười năm tái lập và phát triển, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu Giáo Phận Sài Gòn hiện có 11.374  đoàn viên và Ban phát triển đoàn thể đã xây dựng được hơn 14.000 đoàn viên GĐPT.TTCG trên khắp ba Giáo Tỉnh Việt Nam[16], đang tiếp tục thi hành Thông Điệp mà Chúa Giêsu đã truyền cho chị Thánh Margarita Maria: “Hãy rao truyền cho mọi người về Tình Yêu không bờ bến của Thiên Chúa…”

Cùng với xu hướng chung của Giáo hội hoàn vũ, phong trào Kính Lòng Thương Xót Chúa đang rất lớn mạnh và hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho đời sống đạo của người Công giáo và ngay cả những tâm hồn thành tâm thiện chí.

Tắt một lời, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su được đặt trên nền tảng Kinh Thánh và Thánh Truyền vững chắc. Do đó, với lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su nơi tâm hồn mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, nó sẽ là động lực và sức mạnh để làm mới con tim, khối óc và lối sống.

[1] Xc. Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 225-255.

[2] Gioan Phaolo II, Diễn văn nói chuyện với Dòng Thừa Sai Thánh Tâm, 05/10/1987, trích trong Phạm Quốc Hưng, Sùng Kính Thánh Tâm – Căn bản Tín Lý, (do Ban Tuyên Huấn GĐPTTT/ TGP Sài gòn tổng hợp năm 2008), http://gdpttt.com/bth/index.htm, truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2011.

[3] Các tài liệu khác: Ngày 11-6-99, nhân kỷ niệm 100 năm (1899-1999) Đức GH Lê-ô XIII ban hành Thông Điệp “Annum Sacrum” dâng cả Nhân Loại cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Gioan Phaolô II gởi sứ điệp đến toàn thể Dân Chúa và cũng là Tâm Thư gởi đến Giáo Hội Pháp mừng Lễ Thánh Tâm tại thánh đường Paray-le-Monial, trụ sở Dòng của Thánh nữ Maria Margarita Alacoque. Sứ điệp nói đến “Thánh Tâm Chúa Giêsu là Trái Tim của Giáo Hội” mà các kẻ kế vị Thánh Phêrô tiếp nối nhau giảng giải và hướng dẫn Dân Chúa. Sự kiện, ngày 11-6-1899, Đức Lê-ô XIII hiến dâng cả loài người cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, được các Đức GH lặp lại, như Đức Pi-ô X (1903-14; phong thánh 29-5-1954), năm 1906 nhắc bảo “sự dâng hiến phải thực hiện lại hằng năm”; Đức Pi-ô XI (1922-39) dề cập đến trong Thông điệp “Quas primas” theo tinh thần Năm Thánh 1925 và Thông điệp “Miserentissimus Redemptor” – Đấng Cứu Thế rất nhân hậu; Đức Pi-ô XII (1939-58) giải thích rộng rãi trong hai Thông điệp “Summi Pontificus” và “Haurietis Aquas” về Sự Tôn sùng Thánh Tâm”. Dưới ánh sáng Công Đồng Vaticanô II (1962-65), Đức Phaolô VI (1963-78) diễn giải về Tôn sùng Thánh Tâm qua Tông thư Investigabiles divitias và Tâm thư Diserti interpretes gởi đến cá Bề Trên Cả của các Dòng mang tên Thánh Tâm Chúa Giêsu.

[4] http://gdpttt.com/bth/TSTTJP2/index.htm, truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2011.

[5] Pope John Paul II, Holy Father, Sacred Heart – the Wisdom of John Paul II on the Greatest Catholic Devotion, edited by Carl J. Moell (New York: The Crossroad, 2004).

[6] nơi Chúa đã hiện ra với nữ tu Margarita Maria Alacoque hằng kêu mời chúng ta đi vào mầu nhiệm tình yêu của Ngài.

[7] Pope John Paul II, Holy Father, Sacred Heart – the Wisdom of John Paul II on the Greatest Catholic Devotion, edited by Carl J. Moell, (New York: The Crossroad, 2004), tr. 44-45.

[8] Gioan Phaolo II, Lòng Sùng Kính Thánh Tâm, Zenit 23/06/2002.

[9] Trần Văn Trí, Đôi điều suy niệm về sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, http://cuucshuehn.net/index.php?language=vi&nv=news&op=Mua-Phung-vu, truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2011.

[10] Benedict XVI, Letter of His Holiness Benedict XVI on Occasion of the 50th Anniversary of the Encyclical “Haurietis Aquas”, Nguyễn Đức Vệ chuyển ngữ, http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1243:cac-c-giao-hoang-khuyn-khich-vic-ton-sung-thanh-tam-chua-giesu&catid=9:suy-niem&Itemid=22, truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2011. Đây là một lá thư quá cô đọng và rất tuyệt trong tư tưởng cũng như cách trình bày của vị Giáo hoàng đương kim, nên người viết xin được trích nguyên văn lá thư.

[11] Thiên Phát, Thông điệp và việc sùng kính Lòng thương xót Chúa, tập sách nhỏ (2002); Lòng thương xót Chúa, http://2010menchuayeunguoi.blogspot.com/2010/01/long-thuong-xot-chua.html, truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2011.

[12] Lòng thương xót Chúa, http://2010menchuayeunguoi.blogspot.com/2010/01/long-thuong-xot-chua.html, truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2011.

[13] Đặng Tự Do, Đức Thánh Cha để lại Huấn đức Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, ngày 4 tháng 3 năm 2005, http://www.vietcatholic.net/News/Html/25237.htm, truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2011.

[14] Nguyễn Việt Nam, Quyết định của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban ơn toàn xá trong ngày Chúa Nhật Kính Lòng Từ Bi Chúa, ngày 8/6/2002, http://www.vietcatholic.net/News/Html/825.htm, truy cập ngày 1/5/11.

[15] Xc. Pio XII, Thông diệp Haurietis Aquas.

[16] Chiến Hiền, Sự cần thiết của việc đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu, http://chienhien.blogspot.com/?psinvite=ALRopfXUzI4EJADAnURLbbk23_bKcBWSWZjggRwQJSDWMIOlJzhiFJ-WYuIuYp3VDKMe9OudXL72sBf7zzV4q793TYjFRtRUOA, truy cập ngày 15/05/2011.