Thứ Năm Tuần VI Mùa Phục Sinh Năm C

Có một bi kịch đã kết thúc như sau: Đời sống tình cảm giữa đội vợ chồng đã rạn nứt đến độ hầu như vô phương cứu chữa. Ngày nọ, trong cơn nóng giận, người chồng giựt quả lắc từ chiếc đồng hồ treo tường và đánh chết vợ, sau đó ông lấy liều thuốc độc tự kết liễu đời mình. Màn kịch chấm dứt, một khán giả đã nhận xét: “Khỏi cần dùng quả lắc đồng hồ để giết người và cũng chẳng dùng một cách thức khác, cứ để cho quả lắc đếm thời gian và thời gian sẽ giết chết họ”.

Người khán giả trên đây cho rằng thời gian là liều thuốc độc, nhưng chúng ta thường cho rằng thời gian là phương thuốc chữa lành mọi vết thương. Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói đến thời gian, nhưng là thời gian của Người.

Mỗi ngày có hai mươi bốn giờ, mỗi giờ có sáu mươi phút, mỗi phút có sáu mươi giây, nhưng chắc chắn những đơn vị thời gian ấy không có cùng một nội dung và ý nghĩa đối với mỗi người. Người đang chờ đợi sẽ thấy thời gian đi quá chậm, kẻ sợ hãi thì thấy thời gian đi quá nhanh, người đang buồn phiền thì cảm thấy thời gian như một gánh nặng, còn kẻ đang yêu thương thì dường như không màng đến thời gian.

“Một ít nữa các con sẽ không thấy thầy, rồi lại một ít nữa, các con sẽ thấy thầy”. Chúa Giêsu cho các môn đệ biết sẽ có một khoảng thời gian họ sẽ không thấy Người, vì Người về cùng Chúa Cha. Cùng một thời gian, các môn đệ sẽ khóc lóc buồn sầu, còn thế gian thì vui mừng. Thật ra thời gian tự nó chẳng có ý nghĩa gì, nó chỉ có ý nghĩa và giá trị khi con người đặt tình cảm vào đó. Quá khứ đã qua, nhưng vẫn có thể sống lại trong tình cảm con người, tương lai chưa đến nhưng đã trổ sinh hoa trái bằng niềm hy vọng, bằng hoài bão của con người.

Chúa Giêsu có thời gian của Người. Người kêu gọi các môn đệ đến với Người, nhưng tới lúc Người phải từ giã các ông ra đi vì sứ mệnh, lúc đó các ông sẽ buồn sầu, nhưng đó cũng là lúc để các ông nhớ lại những gì Người đã nói và nỗi buồn của các ông sẽ biến thành niềm vui khi Người trở lại. Chúa Giêsu chính là ý nghĩa của thời gian đối với các môn đệ: vắng bóng Người, các ông buồn sầu; có Người, các ông vui mừng.

Người Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi sống kinh nghiệm thời gian của các môn đệ Chúa Giêsu. Thời gian có Chúa Giêsu luôn là thời gian sung mãn và đem lại niềm vui. Người Kitô hữu tin rằng “Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một”, Người là chủ thời gian, Người đang hiện diện trong từng phút giây của cuộc sống. 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho niềm tin của chúng con vào Ngài mang lại cho chúng con niềm vui đích thực, và giúp chúng con tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Amen.