Lời Chúa: Lc 24, 13-35
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Em-mau, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.
Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.
Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất.
Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị đó bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Suy Niệm: Trở nên khác biệt
Thiên Chúa là Đấng Khác, Hoàn Toàn Khác. Vượt mọi tầm hiểu biết của con người. Vượt mọi định nghĩa, công thức của con người. Vượt mọi ý định thâu tóm của con người. Đó là kinh nghiệm của các môn đệ sau ngày Chúa Phục Sinh. Đặc biệt với các môn đệ đi đường Em-maus hôm nay. Quả thật Thiên Chúa Khác Biệt làm nên những khác biệt. Ai được gặp gỡ với Chúa cũng đều trở nên khác biệt. Hai môn đệ Em-maus gặp được Chúa đã trở nên khác. Bản thân đổi khác. Buồn bã bỗng biến thành mừng vui. Ê chề thất vọng bỗng trở thành tràn trề hi vọng. Âm thầm trốn chạy bỗng công khai quay về.
Bài sách Công vụ Tông đồ trình bày một Phê-rô hoàn toàn đổi khác. Một người nhút nhát chối Thầy, nay bỗng công khai rao giảng trong hội đường. Một người trốn tránh nay thành một chứng nhân kiên cường. Một bác thuyền chài dốt nát nay thành một nhà giảng thuyết hùng hồn. Nghe ngài nói xong hàng ngàn người xin rửa tội.
Thực ra Chúa Phục Sinh vẫn hiện diện bên ta. Nhưng làm sao cho sự hiện diện của Chúa trở nên sống động và cụ thể? Lời Chúa hôm nay hướng dẫn cho ta 3 cách.
Thứ nhất: Biến hiện diện của Chúa thành sống động và cụ thể bằng cách sốt sắng dâng thánh lễ. Trình thuật Em-maus chính là một cử hành Thánh Thể. Chúa giải nghĩa Thánh Kinh. Chúa làm phép và bẻ bánh.
Thứ hai: Làm cho Chúa hiện diện bằng thực hành bác ái. Chính lòng hiếu khách, sự chia sẻ huynh đệ, đã giữ chân Chúa ở lại. Nhờ đó các ngài đã thấy Chúa hiển hiện cụ thể sống động trước mặt các ngài.
Thứ ba: Thánh Phê-rô, siêu thoát tất cả những giá trị trần gian, để chỉ có Chúa Phục Sinh ngự trong ta như thánh nhân nói: Tình, tiền, tài thì tôi không có. Nhưng tôi chỉ có Chúa Giê-su trong tôi. Khi ngài không có gì hết, sức mạnh của Chúa hoạt đông, chữa lành người què bẩm sinh.
Xin cho tất cả chúng ta được Chúa Phục Sinh làm cho nên khác biệt. Cho chúng ta biết dâng thánh lễ sốt sắng như chính Chúa Giê-su dâng lễ. Biết có lòng hiếu khách, bác ái chia sẻ như hai môn đệ Em-maus. Biết siêu thoát của cải danh vọng chức quyền như thánh Phê-rô. Để biến sự hiện diện của Chúa Phục Sinh thành cụ thể và sống động. Thế giới hôm nay như người què đang cần Chúa Phục Sinh đến chữa lành để có thể bước đi trên con đường ngay chính và hạnh phúc.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt