Hai nhóm nghiên cứu – về phụng vụ và về các hội đồng giám mục – đã được bổ sung vào 10 nhóm nghiên cứu do Đức Giáo hoàng Phanxicô thành lập, nhằm tiếp tục các suy tư được khởi xướng trong Thượng Hội đồng.
Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã chấp thuận việc thành lập hai nhóm nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo của Thượng Hội đồng về Hiệp hành, trong đó một nhóm sẽ chuyên trách “phụng vụ dưới lăng kính hiệp hành.” Ban Thư ký Thượng Hội đồng đã công bố điều này trong tài liệu Những định hướng cho Giai đoạn Thực hiện của Thượng Hội đồng, phát hành ngày 7-7-2025.
Nhóm thứ hai sẽ nghiên cứu về “quy chế của các hội đồng giám mục, các hội nghị giáo hội và các công đồng cấp địa phương.”
Thượng Hội đồng về Hiệp hành là một tiến trình lớn được Đức Giáo hoàng Phanxicô khởi xướng vào năm 2021, đề cập đến nhiều chủ đề đa dạng liên quan đến đời sống của Giáo hội. Trước sự phong phú của các vấn đề được nêu ra, vị giáo hoàng người Argentina đã quyết định thành lập 10 nhóm nghiên cứu vào tháng 3-2024 nhằm đào sâu một số vấn đề nhạy cảm đã nổi lên trong Thượng Hội đồng.
Mỗi nhóm gồm khoảng 10 người, đang suy tư về các chủ đề như quản trị chung, vai trò của các giám mục, cải cách chủng viện, và khả năng phụ nữ được tiếp cận chức phó tế. Ban đầu, 10 nhóm này dự kiến sẽ trình báo cáo vào tháng 6-2025, nhưng Đức Lêô XIV đã dời hạn đến tháng 12.
Đức Giáo hoàng Lêô cũng đã chấp thuận đề nghị của Ban Thư ký Thượng Hội đồng về việc thành lập thêm hai nhóm mới.
Nhóm đầu tiên sẽ tập trung vào chủ đề “phụng vụ dưới lăng kính hiệp hành”; nhóm thứ hai sẽ nghiên cứu về “quy chế của các hội đồng giám mục, các hội nghị giáo hội và các công đồng cấp địa phương.” Danh sách các thành viên của hai nhóm này vẫn chưa được công bố.
Phụng vụ – một vấn đề nhạy cảm
Tài liệu kết thúc của kỳ họp Thượng Hội đồng gần nhất vào tháng Mười năm ngoái- một văn bản đã được các tham dự viên biểu quyết và Đức Giáo hoàng Phanxicô phê chuẩn- đã đề nghị rõ ràng việc thành lập nhóm đầu tiên chuyên trách về phụng vụ.
Tài liệu này nhấn mạnh đến sự tương khớp cần thiết giữa “tính hiệp nhất của mầu nhiệm bí tích” với “sự đa dạng của các truyền thống phụng vụ”, đồng thời kêu gọi “đào sâu mối liên hệ giữa phụng vụ và tính hiệp hành.”
Điều 27 của tài liệu, đề cập đến chủ đề này, là một trong những điều khoản nhận được nhiều phiếu chống nhất (43 phiếu chống trong số 356 tham dự viên)
Đặc biệt, điều khoản này đề cập đến khả năng giáo dân- nhất là phụ nữ- được giảng trong Thánh lễ. Cho đến nay, giáo luật vẫn quy định rằng việc giảng lễ chỉ dành cho hàng giáo sĩ (giám mục, linh mục hoặc phó tế). Tài liệu cũng kêu gọi gia tăng sự tham gia của phụ nữ vào đời sống phụng vụ.
Việc thành lập nhóm nghiên cứu này diễn ra trong bối cảnh Giáo hội Công giáo đang trải qua những căng thẳng lớn xoay quanh các vấn đề phụng vụ, đặc biệt trong triều đại của Đức Phanxicô.
Năm 2021, Tông thư Traditionis custodes được công bố đã hạn chế nghiêm ngặt việc cử hành Thánh lễ theo hình thức trước Công đồng Vatican II, phá vỡ sự nới lỏng trước đó do Đức Bênêđictô XVI quyết định vào năm 2007 (Summorum Pontificum).
Trong những tuần gần đây, cuộc tranh luận lại bùng lên sau khi Tòa Thánh bác bỏ một bài báo cho rằng đa số các giám mục được tham khảo ý kiến trước khi công bố Traditionis custodes đã phản đối việc cải cách. Theo một nguồn tin từ Vatican, vấn đề này “có thể sẽ được nêu ra,” nhưng không phải là “trọng tâm chính” của chương trình làm việc, vốn tập trung hơn vào nhu cầu xây dựng một nền phụng vụ “mang tính hiệp hành hơn.”
Vai trò pháp lý nào cho các hội đồng giám mục?
Nhóm thứ 12 sẽ tập trung vào “quy chế của các hội đồng giám mục, các hội nghị giáo hội và các công đồng cấp địa phương.” Như vậy, nhóm có nhiệm vụ suy tư về vai trò của các “cơ cấu trung gian” này trong Giáo hội, vốn đã được kêu gọi mạnh mẽ kể từ khi tiến trình hiệp hành khởi động vào năm 2021. Vấn đề này sẽ được xem xét chủ yếu từ góc độ giáo luật.
Một nguồn tin từ Vatican cho biết: “Vị trí của các hội đồng giám mục trong mối tương quan với các giáo phận đã là một vấn đề rất quan trọng trong Giáo hội suốt nhiều thập kỷ”.
Theo nguồn tin này, thẩm quyền giáo thuyết của các cơ cấu này là trọng tâm của các cuộc thảo luận tại các kỳ họp Thượng Hội đồng năm 2023 và 2024. Mục tiêu là nhằm “hội nhập văn hóa đức tin tốt hơn,” nghĩa là thích nghi cách truyền đạt đức tin với bối cảnh văn hóa địa phương.
Cũng như vấn đề phụng vụ, Điều 125 của văn kiện cuối cùng- nói về thẩm quyền giáo thuyết của các hội đồng giám mục- là một trong những điều khoản gặp nhiều phản đối nhất (45 phiếu chống trong số 356 tham dự viên).
Tác giả: I.Media
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Aleteia
Bài viết liên quan
Mỗi ngày Bưu điện Ý nhận cả trăm ký thư và bưu phẩm gửi cho Đức Thánh Cha Lêô XIV
Bưu điện Ý cho biết kể từ ngày Đức Thánh Cha Lêô XIV được bầu...
Đức Thánh Cha dâng Thánh Lễ cầu cho việc bảo vệ công trình tạo dựng
Sáng thứ Tư ngày 9/7, tại Làng Laudato Si’ ở Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha...
Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ Năm
Ngày 10/7/2025, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha...
Thông báo Truyền chức Linh mục Tổng Giáo phận Huế năm 2025
Thánh lễ truyền chức Linh mục sẽ được cử hành vào lúc 08g00, thứ Hai,...
NĂM THÁNH 2025: XÓA NỢ SINH THÁI
Ngày 24/6/2025, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện công bố tài liệu...
SỨ ĐIỆP CHO NGÀY CHÚA NHẬT BIỂN (13/7/2025): ƯỚC GÌ NHỮNG NGƯỜI LÀM VIỆC TRÊN BIỂN TRỞ THÀNH NHỮNG NGÔN SỨ CỦA HOÀ BÌNH
Sau đây là toàn văn Sứ điệp của Bộ Phục vụ Phát triển Con người...