Tình yêu từ EROS đến AGAPE

Anh bảo hoa dáng như tim vỡ

Em sợ tình ta cũng vỡ thôi”

         Với loài hoa Tigôn, nó mang nơi mình sự mong manh và có hình dáng trái tim. Mà trái tim lại biểu tượng cho tình yêu. T.T.KH bảo “Hoa dáng như tim vỡ” nên hoa Tigôn là biểu trưng cho những chuyện tình buồn, cho những trái tim đã phải bầm dập khi yêu. Và chiều nay, cánh hoa Tigôn đang khoe sắc dưới nắng vàng, lại gợi nhớ cho tôi về hình ảnh trái tim của Đức Kitô, Trái Tim đã hơn một lần tan nát khi “khất thực” tình yêu của tạo vật mà chính Ngài đã dựng nên.

2. Three Questions — Sacred Heart 1.0 documentation

Tháng Sáu lại về, tháng mà đối với người Kitô hữu vẫn gọi là tháng tình yêu. Tháng mà Giáo Hội dành riêng để tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu. Một Trái Tim bị đâm thâu là biểu tượng, là chứng tích hùng hồn cho tình yêu của Thiên Chúa. Đó là tháng “trăng mật” của những tâm hồn thuộc về nhau.

       Vâng, có trái tim nào khi yêu lại không rướm máu? Chính trên Thập Giá, trái tim Đức Giêsu như một cánh hoa Tigôn đã vỡ ra, đã nát tan, đã cho đi giọt máu cuối cùng chỉ vì yêu con người. Triết gia người Pháp Blaise Pascal đã từng thốt lên: “Khi yêu trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được” Và quả đúng như thế nơi câu chuyện cổ của nước Nhật: Ngày xưa, có một nàng công chúa rất xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn. Khi công chúa tới tuổi cặp kê, vua cha cho mở hội kén phò mã. Trong những ngày náo nhiệt tưng bừng đó, đã có không biết bao hoàng tử từ khắp nơi tuôn đến cầu hôn với nàng. Các hoàng tử khi đến cầu hồn  đều nói với nàng những lời yêu thương say đắm và mang theo những lễ vật quý hiếm có một không hai trên trần gian. Nhưng tất cả đều bị công chúa từ chối. Cuối cùng, vào một ngày đẹp trời, có một hoàng tử từ đất nước xa xôi xin được cầu hôn công chúa. Một điều lạ là hoàng tử này không nói gì và cũng chẳng mang theo lễ phẩm gì để tặng công chúa. Chàng chỉ lặng lẽ đến quỳ trước mặt công chúa, rút gươm, mổ ngực mình rồi lấy trái tim trao cho công chúa…Trái tim đỏ thắm là lễ vật trinh nguyên, tuyệt vời nhất của tình yêu. Cô công chúa đã đón nhận và đáp lại tình yêu của hoàng tử bằng cả cuộc đời nguyện sống khiết trinh để chỉ tôn thờ trái tim chàng.

sacred heart - Pesquisa Google | Sacred heart art, Jesus art, Sacred art

     Trên đây chỉ là câu chuyện hư cấu và tưởng tượng của tác giả nào đó. Nhưng nó lại làm cho chúng ta suy nghĩ rất nhiều. Đó là câu trả lời tại sao có những Tu sĩ, Linh mục ngày nay dám tự nguyện sống độc thân khiết tịnh để chỉ tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu và làm chứng cho tình yêu đó. Khởi đi từ Nhập Thể đến bí tích Tình Yêu, từ con đường đi tìm chiên lạc đến đoạn đường lên đỉnh Canvê, Hoàng Tử của Tám Mối Phúc Thật đến từ đất nước Palestine xa xôi, đã lôi cuốn bao trái tim để chỉ sống riêng cho “Chàng”. Đức nguyên Giáo Hoàng Benedictô XVI đã có lý khi nói: Đây là một tình yêu, mà qua đó trái tim của chính Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng đang chờ đợi tiếng xin vâng của tạo vật Ngài sáng tạo, giống như một vị hôn phu trẻ chờ đợi tiếng xin vâng của vị hôn thê. Và quả thế, chính khi Con Thiên Chúa để lộ ra Trái Tim bị đâm thâu của mình trên thập giá là lời chứng thực rằng Thiên Chúa đã yêu con người bằng mối tình muôn thuở (x. Gr 31,3) và yêu nhân loại bằng cả Eros và Agape. Chúng ta phải chân nhận rằng, thực ra không phải đến khi người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Đức Giêsu thì lúc đó tình yêu Thiên Chúa dành cho con người mới tròn đầy, nhưng “nụ hôn” mà Thiên Chúa trao cho con người là ngay từ thuở đời đời.

              “Tôi chỉ là người điên trong vườn hoa tình ái,

Tôi chỉ là người say bên đường anh nhìn thấy,

….người điên không biết nhớ và người say không biết buồn.”

(Mùa Đông Của Anh- Trần Thiện Thanh)

        Thật vậy, ngược dòng lịch sử cứu độ, dân Israen đã bao lần bội nghĩa tín trung: đi đúc một con bò để thờ (x. Xh 32); nào là ông Môsê, một ngôn sứ cao trọng lại nghi ngờ Thiên Chúa và không đáp lời Ngài (x. Ds 20); rồi vua Đavit, được Thiên Chúa tuyển chọn lại trở thành một kẻ sát nhân và ngoại tình (x. 2Sm 11); và vương quốc Israen tự chia rẽ ngay thuở mới hình thành (x. 1V1,2). Chính tình yêu “điên rồ” và “say men” của Thiên Chúa dành cho con người, mà Đức Giêsu đã muốn nhập thế để được yêu bằng con tim của con người. Tình yêu Eros chỉ đạt đến đỉnh điểm nơi Trái Tim bị nát tan của Người Tình Giêsu. Ngài đã thánh hóa và đặt Eros vào đúng nghĩa vốn có của nó. Một Eros chân chính khởi đi bằng việc vượt qua chính mình và đưa con người hướng đến Thiên chúa. Hơn thế, nơi Trái Tim Người Tình Giêsu còn lộ ra một chiều kích khác của tình yêu dâng hiến cho người mình yêu. Tình yêu ấy gọi là Agape.

       “Yêu là chết ở trong lòng một ít”, thi sĩ Xuân Diệu đã nói như thế. Nhưng khi nhìn vào Trái Tim rực cháy lửa yêu mến, con người không bằng lòng với lời thơ ấy. Chết ở trong lòng…một ít thôi sao? Đức Giêsu khi yêu không phải chỉ chết trong lòng một ít, nhưng đã chết với cả cõi lòng, cả con người. Và chính trong cái chết đó, Con Thiên Chúa đã truyền lại cho con người bài học muôn thuở của tình yêu: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”(Ga15, 13). Khi suy nghĩ về điều này, Đức nguyên Giáo Hoàng Benedictô XVI đã thốt lên trong Thông điệp Deus Caritas Est số 12 rằng: “Tính chất mới mẻ thực sự của Tân ước không hệ tại nhiều ở những ý tưởng mới cho bằng trong chính hình ảnh của Chúa Kitô, Đấng trao ban Mình và Máu Ngài cho những ý tưởng đó”. Nói theo ngôn ngữ của Đức nguyên Giáo Hoàng thì nơi tình yêu của Đức Giêsu, Eros đã hóa nên tột cùng cao quý đến độ thuần khiết nên một với Agape (x.Thông điệp Deus Caritas Est, số 10) và tình yêu đó cũng là hiện thân của Lòng Thương Xót.

        Triết gia người Pháp G. Marcel đã nói: “Con người là hữu thể tôn giáo” (Homo religiosus) và những cuộc ái tình trên dương gian từ bao đời nay đã ươm sẵn mầm vị kỷ, vì con người cũng là hữu thể cô đơn và đói khát tình yêu. Nếu cánh hoa Tigôn không chịu vỡ tan: cánh thương, cánh nhớ, cánh đợi chờ và nếu Trái Tim Người Tình Giêsu không bị đâm nát: giọt thương, giọt nhớ, giọt gọi mời, thì thử hỏi nhân loại ngày nay làm sao được uống mạch nước từ suối nguồn ơn Siêu Độ. Sự tuyệt đối của tình yêu là gì nếu không phải là dám chết cho tình yêu đó? Khi suy nghĩ về điều này, triết gia Kierkegaard xác tín: Thiên Chúa là Tình yêu, và Tình yêu có tương quan đảo ngược với sự vĩ đại và cao cả của đối tượng. Kẻ bị bỏ rơi ở trần gian là người được Thiên Chúa yêu thương nhiều nhất.

Khi một người tặng cho bạn một đóa hoa hồng, bạn có thể đưa tay đón nhận. Bạn đón nhận bằng cách nào nếu không phải là dùng đôi bàn tay? Nhưng nếu người đó lại tặng bạn trái tim, bạn chỉ có thể đón nhận bằng trái tim mà thôi!

Người Tình Giêsu đã trao tặng cho chúng ta trái tim của Ngài và mỗi người chúng ta đón nhận bằng cả trái tim mình chưa? Tháng Sáu tình yêu, tháng của muôn trái tim tìm về một Trái Tim. Hỡi những trái tim bé nhỏ của Thánh Tâm Giêsu hãy hé mở. Bởi từ muôn thuở, Thánh Tâm bị đâm thâu vẫn …chờ bên cửa (x. Kh3,20).

Bài viết: Pet. Anh Tài, CSC

Bài viết liên quan

Nét đẹp A Lưới trong hành trình tìm về Giáo xứ Sơn Thủy

Dọc theo những con đường đèo quanh co, những khúc cua gập ghềnh, A Lưới...

Thiên Chúa hoá dại vì yêu

  Chẳng phải vì yêu hóa dại khờ Nên rời điện ngọc xuống chơi thơ...

Bạn có biết R.I.P. là một lời cầu nguyện bằng tiếng Latin?

Chữ viết tắt thường thấy trên các bia mộ có lịch sử cổ xưa gắn...

KHI ĐÁ CHẢY LỆ

 Bạn thân mến,      Ngay từ lần đầu gặp, Thầy Giê-su đã nhìn Si-mon...

Mùa Trở Về, Dẫu Còn Bất Xứng

Chẳng phải vì yêu hóa dại khờ Nên rời điện ngọc xuống chơi thơ Mặc...

Tản mạn lễ Thăng thiên

Trong Kinh Thánh chỉ có Tin mừng Luca và Máccô tường thuật cho độc giả...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *