“Đường con theo Chúa, có nắng xuân trải lụa vàng,
có tiếng chim hót rộn ràng,
có nỗi vui nào nồng ấm mênh mang,
có một tình yêu không nhuốm bụi trần”.
Những ca từ mà nhạc sĩ Ân Đức cảm nghiệm trên, đã phần nào gợi lên cho chúng ta khung cảnh nên thơ và tràn đầy nghĩa tình của đời dâng hiến. Và quả thật, người tu sĩ ý thức được niềm vui, khi được mời gọi nên giống Đức Kitô. Bên cạnh đó, khi nhắc đến đời tu, ngoài ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, còn có một yếu tố thách thức khác mà chúng ta không thể nào không nói đến đó là: làm thế nào để kiến tạo một đời sống cộng đoàn tốt đẹp. Đây cũng là một vấn đề nhức nhối mà hầu như dòng tu nào cũng trải qua.
Chúng ta được mời gọi để hiến dâng cho Chúa trong môi trường của một đời sống chung. Cộng đoàn là nơi để người tu thực hiện con đường nên thánh hơn của mình ngang qua giận hờn, nhỏ nhen, hơn thua, được mất của phận người. Không phải một nơi nào khác mà chính qua những người anh em, người tu sĩ được mời gọi nên thánh hơn. Nên thánh hơn qua tha nhân chứ không phải là nên thánh cách riêng lẻ. Đã qua rồi thời người tu chỉ tu có một mình với Chúa trong sa mạc hoang vu. Thời nay, Giáo hội mong muốn nhìn thấy những vị thánh sống bên cạnh anh em nơi cộng đoàn mình tu trì. Phải chăng đó là một lí tưởng, nhưng cũng chân nhận rằng nó không hề dễ dàng chút nào. Cứ ngỡ là nó sẽ đẹp như mơ, nhưng những ai sống trong chăn sẽ biết là nơi đó có rất nhiều rận. Vấn đề cộng đoàn luôn là một vấn đề muôn thuở.
Một cộng đoàn tu trì vốn phải là yếu tố đem lại niềm vui cho đời tu và tỏa lan sự thánh thiện là điều không thể phủ nhận. Đó là không gian lý tưởng, đáng ngưỡng mộ giữa chợ đời ồn ào, tranh chấp đua chen. Nhưng tiếc thay, điều đó không được như mong ước, nó như “thửa ruộng” đã phủ lấy “viên ngọc quý” lớn hơn nữa mà có lẽ chỉ người tu mới hay. Đó chính là cuộc sống mà người tu đang đón nhận nhau trong rất nhiều sự khác biệt như đã nêu trên để duy trì nếp sống cộng đoàn “êm xuôi”. Nói như vậy để thấy được những khía cạnh khác nhau của vấn đề đời sống chung cộng đoàn: một mặt diễn tả một hình ảnh lành thánh theo kiểu “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”; mặt khác những người tu cũng phải “trao tặng” chính bản thân để đón nhận nhau như mỗi người là.
Sự đón nhận quả thực không dễ dàng, nhất là, tâm thức không đón nhận nhau trong tình huynh đệ và không dễ mở lòng trân trọng những năng khiếu của anh em trong cộng đoàn. Bởi chưng, một cộng đoàn thật thụ thì không có sự phân biệt về phẩm giá, như lời Thánh Phaolo nói: “Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô (Gl 3,28). Ai cũng là con người, là hình ảnh của Thiên Chúa, nên phải được xem là bình đẳng với nhau. Họ có thể có sự khác nhau về tuổi tác, về trình độ, về chức vụ, về công việc, về vai vế, nhưng không bao giờ có chuyện ai đó quý giá hơn người kia. Đây gọi là sự hiệp nhất trong đa đạng. Trong cộng đoàn, mỗi người đảm nhận một vai trò khác nhau, tuỳ theo nhiệm vụ mình được giao, nhưng phải luôn có tinh thần phục vụ lẫn nhau (x.Mt 18,1; 20,26-28). Do đó, tu sĩ cũng phải trả giá bằng những giọt nước mắt, hiểu nhầm, buồn khổ và cô đơn. Nhưng đó là viên ngọc đáng trân quý của đời sống tu dòng, một sự hy sinh từng ngày trong vui vẻ với sự trợ giúp của ơn Chúa.
Dòng tu là nơi người tu sĩ chấp nhận “trao tặng” cho nhau đời mình để “sống với ai”. Nó khác xa với các tổ chức xã hội chỉ lo “trao đổi” với các thành viên vì một lời ích “sống vì cái gì” và có thể hợp tan theo thời gian. Khi quyết định dấn thân vào đời tu dòng là gia nhập vào một cộng đoàn có bề dày “sử tính”, ở đó mỗi người chấp nhận lẫn nhau để giúp nhau nên thánh hơn. Sự khác biệt như là một tất yếu của đời tu. Tu không phải là đi tìm sự đồng nhất theo kiểu giảm thiểu con người vào những định chế của lời khấn vâng phục. Tuy người tu tuyên hứa và sẵn sàng vâng phục cách triệt để, nhưng trong thứ định chế đó họ tìm thấy được sự giải thoát khỏi những hệ lụy của chức quyền, lợi danh hay bạc tiền.
Người tu sĩ là người phải cảm nhận được sự tự do trên bước đường theo Chúa. Một con đường đẹp và thênh thang mà họ đang bước đi. Do vậy, tôn trọng sự khác biệt là cảm hứng để hình thành nên những cộng đoàn giàu sức sống, phong nhiêu, đa dạng. Ở đó người ta sẽ thấy được nét độc đáo nhưng không lập dị: được nghe người anh em mình hát sau một ngày học tập mệt mỏi, nhưng cũng thấy được những tu sĩ cầu nguyện, trực hưu, đồng hành đào tạo, làm dầu tràm, sứ vụ lưu trú …Người ta thấy được những bước đi nhanh nhẹn của lớp trẻ nhiệt huyết, nhưng cũng cảm nhận được những bước chân khoan thai nhẹ nhàng của những Anh cao niên. Người ta thấy giọng nói chân chất nhưng nặng nề của người Trung, giọng nhẹ nhàng dễ nghe của người Bắc hay giọng nói hơi nhanh của người Nam. Người ta gặp những nhà giảng thuyết hùng hồn nhưng cũng bắt gặp những sư huynh suốt ngày quanh quẩn trong nếp sống bình dị, nhưng tất cả như những nguồn mạch đổ vào đời sống chung những âm hưởng vui tươi, mát mẻ,
Bức tranh đời tu có thể tối hơn, ảm đạm hơn nếu như ai đó khám phá và vẽ nên những gam màu tối, những gam màu đàng sau vẻ bình yên bên ngoài. Thế nhưng, nếu như vẻ đẹp của bức tranh là sự đan quyện giữa hai màu sáng tối thì cũng có thể ví đời tu cũng là bức tranh đẹp theo nghĩa như vậy.
Bài viết: Anh Tài, CSC