Truyền giáo theo linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu

Paulthem, CSC

Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội và là sứ mạng của người Kitô hữu. Từ lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), kể từ đó, Giáo Hội không ngừng dấn thân vào công cuộc truyền giáo, đưa Tin Mừng đến với muôn dân, giúp con người nhận biết tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Trong hành trình này, linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu đóng vai trò rất quan trọng, bởi đó chính là linh đạo của tình yêu, lòng thương xót, sự hiền lành và khiêm nhường. Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn suối ân sủng, mời gọi con người sống kết hiệp mật thiết với Chúa và trao ban tình yêu ấy cho thế giới. Nhờ linh đạo này, việc truyền giáo không chỉ dừng lại ở lời rao giảng, mà còn được thể hiện qua đời sống chứng tá, sự phục vụ vô vị lợi và lòng trắc ẩn đối với tha nhân.

Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng là biểu tượng cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trái Tim của Ngài đã yêu thương đến cùng, sẵn sàng chịu đau khổ, bị đâm thâu trên thập giá để đem lại ơn cứu độ cho con người. Chính vì vậy, tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu là tình yêu tự hiến, không giới hạn, không điều kiện: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Từ tình yêu và lòng thương xót, Chúa Giêsu đã tự nguyện chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Việc nhận biết Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mạch tình yêu, lòng thương xót và ơn cứu độ không chỉ giúp chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Ngài, mà còn thúc đẩy chúng ta sống tinh thần truyền giáo, đem tình yêu và lòng thương xót đó đến với mọi người.

Vậy, truyền giáo theo linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu có những đặc điểm gì? Đâu là những cách thế cụ thể để sống và thực hiện sứ mạng này trong đời sống hôm nay?

1. Linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu

Thánh Tâm Chúa Giêsu là biểu tượng cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài qua giao ước với dân Israel, nhưng đến khi Chúa Giêsu nhập thể và chịu chết trên thập giá, tình yêu ấy mới được biểu lộ một cách trọn vẹn nhất.

Trái Tim Chúa Giêsu là trái tim của một vị Thiên Chúa đã tự nguyện xuống thế, sống giữa con người để mang lại ơn cứu độ. Ngài đã yêu thương đến cùng, sẵn sàng chịu đau khổ và chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, …”(Ga 3,16). Như vậy, Chúa Giêsu không chỉ yêu thương bằng lời nói, mà bằng chính sự tự hiến của mình. Trên thập giá, trái tim Ngài bị đâm thâu, tuôn trào máu và nước như dấu chỉ của sự trao ban trọn vẹn (x. Ga 19,34). Trái Tim Chúa Giêsu còn là trái tim của một người Cha đầy lòng trắc ẩn, luôn mở rộng để đón nhận những ai tội lỗi, đau khổ và thất vọng. Như người mục tử nhân lành, Chúa Giêsu tìm kiếm những con chiên lạc, tha thứ và chữa lành (x. Lc 15,4-7).

Thánh nữ Faustina đã nhận được mặc khải về lòng thương xót của Chúa từ Thánh Tâm Ngài, khẳng định rằng: “Trái tim của Chúa Giêsu là suối nguồn của lòng thương xót vô tận”. Như vậy, Thánh Tâm Chúa Giêsu không chỉ là biểu tượng của tình yêu, mà còn là một lời mời gọi mỗi người chúng ta đi vào mối tương quan mật thiết với Ngài. Qua việc cầu nguyện, suy niệm về tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của mình; bằng việc tham dự Bí tích Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu trao ban chính mình, chúng ta sẽ được của ăn nuôi dưỡng linh hồn.

Noi gương Chúa Giêsu trong sự hiền lành, khiêm nhường và bao dung,“hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29), chúng ta biết tha thứ, cảm thông và giúp đỡ những người đau khổ, nghèo khó và đáp lại tình yêu của Chúa bằng sự quảng đại, sẵn sàng phục vụ tha nhân, chấp nhận những hy sinh, đau khổ trong đời sống như một cách thế để kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa.

Hơn thế nữa, Thánh Tâm Chúa Giêsu không chỉ là một biểu tượng thiêng liêng, mà còn là một lời mời gọi mỗi người chúng ta bước vào hành trình yêu thương, hiệp thông và trao ban. Khi sống theo linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta sẽ trở thành chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.

2. Những đặc điểm chính của linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu

Linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu là một con đường thiêng liêng dẫn con người đi vào mầu nhiệm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Linh đạo này không chỉ dừng lại ở việc tôn thờ, mà còn mời gọi chúng ta sống theo gương mẫu của Chúa Giêsu để yêu mến và tôn thờ; sống với lòng thương xót, hy sinh; sống với việc đền tạ và dấn thân phục vụ.

Yêu mến và tôn thờ: Thánh Tâm Chúa Giêsu là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa; là biểu tượng của tình yêu cứu độ, của tình yêu hy sinh đến tận cùng dành cho nhân loại. Truyền thống tôn sùng Thánh Tâm húa Giêsu bắt nguồn từ các thị kiến của thánh nữ Margarita Maria Alacoque (thế kỷ XVII), trong đó Chúa Giêsu bày tỏ mong muốn được yêu mến và tôn thờ qua hình ảnh Thánh Tâm bừng cháy yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy yêu mến và tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu bằng cách: Cử hành Thánh lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu (Thứ Sáu đầu tháng và lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu); Chầu Thánh Thể để đền tạ và hiệp thông với tình yêu Chúa; Dâng gia đình và bản thân cho Thánh Tâm Chúa Giêsu để đặt đời mình dưới sự hướng dẫn của tình yêu Chúa; Sống đời cầu nguyện, đặc biệt là với lời kinh kính Thánh Tâm Chúa Giêsu để nuôi dưỡng lòng yêu mến và tín thác.

Lòng tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu không chỉ là một thực hành đạo đức, mà là một lời mời gọi bước vào tương quan cá vị với Chúa Giêsu. Ai yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu thì cũng được mời gọi thay đổi con tim của mình, trở nên dịu hiền, khiêm nhường và giàu lòng thương xót như Chúa Giêsu.

Lòng thương xót và hy sinh: Trái Tim Chúa Giêsu là nguồn mạch lòng thương xót, luôn mở ra để đón nhận tất cả những ai tội lỗi, đau khổ và lầm lạc. Người sống linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu được mời gọi trở thành hiện thân của lòng thương xót Chúa giữa đời. Sống lòng thương xót trong thực tế là yêu thương và tha thứ. Noi gương Chúa Giêsu, luôn sẵn sàng tha thứ, ngay cả với những người làm tổn thương mình; là đồng hành với người đau khổ, biết quan tâm đến những người nghèo khó, bị bỏ rơi, những người đau khổ về thể xác và tinh thần; và là chia sẻ và hy sinh bằng cách cho đi mà không tính toán, chấp nhận hy sinh vì tình yêu Chúa và tha nhân.  Hy sinh là một cách đáp trả tình yêu. Chính Chúa Giêsu đã yêu thương đến cùng, Ngài chịu đau khổ và hy sinh trên thập giá để cứu độ nhân loại. Vì vậy, người tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu được mời gọi bước theo con đường hy sinh của Chúa, chấp nhận gian khổ, chịu đựng vì tình yêu và phục vụ với tinh thần quảng đại.

Đền tạ và dấn thân phục vụ: Tình yêu của Thiên Chúa bị con người xúc phạm, vì vậy, người sống linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu được mời gọi đền tạ bằng chính đời sống thánh thiện và yêu thương của mình. Đền tạ không phải là chỉ cảm thấy có lỗi, mà là một hành động yêu thương để bù đắp cho những gì đã xúc phạm đến tình yêu Thiên Chúa. Việc đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu là cầu nguyện, hy sinh hằng ngày để an ủi trái tim Chúa; là cử hành Thánh lễ và rước lễ đền tạ vào các ngày Thứ Sáu đầu tháng; và là sống đời sống thánh thiện, tránh xa tội lỗi như một cách dâng hiến tình yêu của mình cho Chúa. Vì vậy, người yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu không thể chỉ giữ lòng sùng kính trong nội tâm mà phải thể hiện qua hành động bằng sự phục vụ tha nhân với trái tim của Chúa như việc chăm sóc người nghèo, giáo dục đức tin, hoạt động bác ái, xây dựng công lý, hòa bình, … và sống giữa đời như một chứng tá của lòng thương xót, phản ánh Trái Tim của Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay.

Tóm lại, linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu không chỉ là một thực hành đạo đức, mà là một con đường biến đổi đời sống, giúp người Kitô hữu sống yêu thương và dấn thân phục vụ với ba đặc điểm chính đó là: Yêu mến và tôn thờ Thánh Tâm, không ngừng kết hiệp với tình yêu Chúa; sống lòng thương xót và hy sinh, noi gương Chúa Giêsu yêu thương, tha thứ; và đền tạ và dấn thân phục vụ, lấy đời sống thánh thiện và bác ái để xoa dịu trái tim Chúa. Như vậy, sống linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là trở nên một “Trái Tim của Chúa giữa lòng thế giới”, để mang ánh sáng yêu thương và lòng thương xót đến cho mọi người.

3. Truyền giáo theo linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu

Truyền giáo khởi đi từ chính tình yêu. Vì vậy, truyền giáo không chỉ là một nhiệm vụ, mà trước hết là một hành động phát xuất từ tình yêu. Người môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng không phải vì bổn phận hay áp lực, nhưng vì được tình yêu Chúa thúc đẩy. Linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu mời gọi chúng ta truyền giáo khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa, như chính Chúa Giêsu đã yêu thương và hiến mình cho nhân loại.

Hai đặc điểm chính giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự liên kết giữa truyền giáo và tình yêu đó là: Noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương và hiến mình cho nhân loại; và tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta lên đường loan báo tin mừng.

(1) Noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương và hiến mình cho nhân loại: Khởi đi từ Chúa Giêsu, Người truyền giáo đầu tiên bằng tình yêu. Ngài đến trần gian không vì một sứ mạng thuần túy trách nhiệm, nhưng vì Ngài yêu thương nhân loại vô điều kiện (x. Ga 3,16). Chính tình yêu là động lực cho mọi hành động của Ngài: từ việc giảng dạy, chữa lành, đồng hành với những người tội lỗi, cho đến hy sinh trên thập giá. Với một tình yêu hiến mình, với một trái tim bừng cháy vì nhân loại, Chúa Giêsu không chỉ rao giảng bằng lời nói, mà còn bằng chính cuộc sống và sự tự hiến. Cực điểm của tình yêu là thập giá, nơi Ngài hiến dâng chính mình để cứu độ nhân loại: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Vì thế, truyền giáo đích thực không chỉ là loan báo một thông điệp, mà là chia sẻ chính tình yêu và sự sống của mình với tha nhân. Noi gương Chúa Giêsu trong đời sống truyền giáo, chúng ta sống gần gũi hơn với mọi người, đặc biệt là những người nghèo, những người yếu đuối, và những ai chưa nhận biết Chúa. Sẵn sàng hiến dâng thời gian, công sức và cả bản thân để làm chứng cho Tin Mừng bằng đời sống yêu thương. Kiên trì trong thử thách, vì truyền giáo không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng với một tình yêu sẽ giúp cho người môn đệ vượt qua khó khăn.

(2) Tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta lên đường loan báo tin mừng:“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Là người môn đệ, chúng ta cũng phải mang cùng một tình yêu và nhiệt huyết như Chúa Giêsu trong sứ vụ truyền giáo. Hơn nữa, truyền giáo không chỉ là một sứ mạng, mà là một phản ứng trước tình yêu. Chính tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta lên đường loan báo tin mừng. Ai cảm nhận được tình yêu Chúa thì không thể giữ lại cho riêng mình, mà sẽ khao khát chia sẻ với người khác. Giống như các môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24,32), khi gặp Chúa, con tim họ đã bừng cháy và thúc đẩy họ lên đường ngay lập tức. Chính vì vậy, tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn sức mạnh cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu nhấn mạnh tình yêu là sức mạnh chính yếu của truyền giáo. Khi một người yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu, họ sẽ sốt sắng đem Chúa đến cho người khác, vì họ nhận ra rằng chính tình yêu Chúa là niềm vui lớn nhất của đời họ; và từ đó, họ trở kiên trì và hy sinh hơn, vì rằng, họ ý thức được truyền giáo không phải là một thành công nhanh chóng, mà là một hành trình lâu dài với nhiều gian nan.

Việc loan báo Tin Mừng với đời sống yêu thương, người truyền giáo không chỉ loan báo Tin Mừng bằng lời nói, mà bằng chính đời sống yêu thương, khiêm nhường và phục vụ.“Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35). Là người môn đệ, chúng ta thực sự không thể rao giảng Tin Mừng nếu không có tình yêu, vì hành động yêu thương sẽ quan trọng hơn lời nói, và bằng những hành động yêu thương (lắng nghe những người đau khổ, đồng hành với những người lạc lối, hay phục vụ những ai có nhu cầu, …) chúng ta sẽ nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa nơi chính hành động của mình. Và rồi, chính tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ biến đổi chúng ta thành sứ giả của lòng thương xót, và giúp chúng ta lên đường không mệt mỏi để mang Tin Mừng Chúa đến cho muôn dân.

Tóm lại, truyền giáo khởi đi từ tình yêu và chính tình yêu đó là một chân lý nền tảng của linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu. Noi gương Chúa Giêsu, Đấng truyền giáo vĩ đại nhất, chúng ta cũng được mời gọi yêu thương và hiến mình vì sứ vụ. Tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu là động lực truyền giáo, giúp chúng ta lên đường với trái tim bừng cháy, không ngừng tìm kiếm những tâm hồn đang cần tình yêu Chúa. Như vậy, truyền giáo không phải là một nghĩa vụ khô khan, mà là một niềm vui, một lời đáp trả trước tình yêu Chúa. Khi trái tim đã thực sự cảm nhận được tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu, thì chúng ta không thể không ra đi, không thể không chia sẻ niềm vui ấy với người khác. Vì rằng: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14).

4. Truyền giáo bằng lòng thương xót

            Truyền giáo không chỉ là việc rao giảng bằng lời nói, mà còn là sự hiện diện sống động của lòng thương xót Chúa giữa thế gian. Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một mẫu gương hoàn hảo đó là Ngài đến không phải để lên án, nhưng để cứu chữa và tìm kiếm những gì đã mất (x. Lc 19,10). Do đó, sứ mạng truyền giáo đích thực của chúng ta phải được thực hiện trong tinh thần yêu thương, phục vụ, và chăm sóc những người nghèo khó, khổ đau, và những người bị bỏ rơi bên lề xã hội, … để tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu: “Ta đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã mất” (Lc 19,10). Chính Chúa Giêsu là Đấng mang lòng thương xót của Chúa Cha, Ngài là Dung Nhan lòng thương xót của Thiên Chúa (x. ĐTC Phanxicô, Misericordiae Vultus), và sứ mạng của Ngài không chỉ là rao giảng chân lý, mà còn là mang ơn cứu độ đến cho những người bị lãng quên, bị tổn thương, và bị lạc lối. Vì vậy, Chúa Giêsu luôn hướng đến những người bé nhỏ, tội lỗi và nghèo khổ. Ngài chủ động đến với những người bị xã hội loại trừ như trong: dụ ngôn con chiên lạc (x. Lc 15,4-7); dụ ngôn người con hoang đàng (x. Lc 15,11-32); cuộc gặp gỡ với người phụ nữ tội lỗi (x. Lc 7,36-50); tha thứ và cứu chữa người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8,1-11); hay quan tâm đến người thu thuế Giakêu, giúp ông hoán cải (x. Lc 19,1-10); … Chúa Giêsu không chờ người ta đến với mình, nhưng chủ động tìm kiếm những ai đang cần lòng thương xót. Là người môn đệ, chúng ta cũng được mời gọi để tiếp nối sứ mạng của Chúa.

Như vậy, truyền giáo không chỉ là nói về Chúa, mà còn là làm cho lòng thương xót Chúa được cảm nghiệm trong thực tế, không loại trừ ai, và tìm đến những người xa Chúa nhất để giúp họ trở về với tình yêu Ngài. Như Chúa Giêsu, là người môn đệ, chúng ta cũng được sai đi để chữa lành những vết thương thể xác và tinh thần của con người hôm nay.“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), chúng ta phải tiếp tục con đường của Chúa Giêsu, mang lòng thương xót Chúa đến mọi nơi và cho mọi người.

Với việc truyền giáo bằng yêu thương, phục vụ, chăm sóc những người nghèo khó và khổ đau là thể hiện tình yêu thương của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Yêu thương chính là ngôn ngữ của lòng thương xót. Vì tình yêu thương là dấu chỉ rõ ràng nhất của Tin Mừng: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35). Là người môn đệ, chúng ta không thể truyền giáo nếu không có tình yêu, vì Tin Mừng trước hết là Tin Mừng của tình yêu.

Truyền giáo bằng lòng thương xót có nghĩa là nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa Giêsu, thay vì xét đoán hay loại trừ, chúng ta phải đón nhận mọi người với sự tôn trọng và cảm thông, đặc biệt là những người đau khổ và lầm lạc; chúng ta cũng cần phải kiên nhẫn và dịu dàng, không áp đặt nhưng hướng dẫn bằng tình yêu. Chúa Giêsu không chỉ dạy về lòng thương xót, mà chính Ngài trở thành người phục vụ như việc rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,1-17); chữa lành các bệnh nhân, trả lại phẩm giá cho những người bị xã hội ruồng bỏ; chia sẻ bữa ăn với người nghèo, thu thuế và tội nhân, …

Truyền giáo bằng lòng thương xót còn là dám quên mình để phục vụ người khác, biết quan tâm đến những người bị bỏ rơi, bị tổn thương; biết phục vụ một cách vô vị lợi, không tìm kiếm danh vọng, lợi ích hay sự công nhận; và biết dấn thân vào các hoạt động bác ái, giáo dục, y tế, công tác xã hội, … để thể hiện tình yêu Chúa qua hành động. Vì vậy, việc chăm sóc những người nghèo khó, khổ đau là sứ mạng ưu tiên của Tin Mừng. Vì rằng, Chúa Giêsu luôn ưu ái những người nghèo (x. Lc 4,18). Là người môn đệ, chúng ta không thể loan báo Tin Mừng nếu không quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội.

Một cách thức thực hành truyền giáo bằng lòng thương xót nữa đó là việc thăm viếng, an ủi những người khổ đau, bệnh tật, hỗ trợ người nghèo cả về vật chất và tinh thần, đồng hành với những người tội lỗi để giúp họ tìm lại ơn tha thứ và sống đơn sơ, gần gũi, chia sẻ cuộc sống với những người kém may mắn. “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương!” (Mt 5,7).

Tóm lại, truyền giáo bằng lòng thương xót không chỉ là một phương pháp, mà là bản chất của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, là người môn đệ, chúng ta ra đi tìm kiếm những người đau khổ, lầm lạc, bị loại trừ, … để mang họ trở về với tình yêu Chúa. Cách thức truyền giáo hiệu quả nhất chính là yêu thương, phục vụ và chăm sóc những người nghèo khổ. Như vậy, truyền giáo không chỉ là nói về Chúa, mà còn là sống như Chúa, một cuộc đời dấn thân vì người khác, đặc biệt là những người yếu thế nhất. “Hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng giàu lòng thương xót!” (Lc 6,36). Chính trong sự phục vụ khiêm tốn và lòng thương xót, Tin Mừng mới thực sự được loan báo một cách sống động và hiệu quả nhất.

5. Truyền giáo qua đời sống cầu nguyện và hy sinh

            Truyền giáo không chỉ là ra đi giảng dạy hay phục vụ, mà trước hết là một hành trình thiêng liêng gắn kết với Chúa qua đời sống cầu nguyện và hy sinh. Một sứ vụ truyền giáo thực sự hiệu quả không thể tách rời khỏi đời sống nội tâm, vì chính từ nguồn mạch tình yêu của Chúa, người môn đệ mới có thể tìm thấy sức mạnh và ánh sáng để đem Tin Mừng đến cho tha nhân.

Hai khía cạnh quan trọng trong cách thức truyền giáo này là cầu nguyện và hy sinh, đền tạ giúp người môn đệ kết hợp mật thiết với Chúa và cộng tác vào công cuộc cứu độ nhân loại.

Cầu nguyện: Cầu nguyện chính là sức mạnh của mọi hoạt động truyền giáo, là hơi thở của đời sống Kitô hữu và là nền tảng của mọi sứ vụ truyền giáo. Chúa Giêsu chính là mẫu gương cầu nguyện. Ngài thường lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện trước các sứ vụ quan trọng (x. Lc 6,12). Khi đối diện với thập giá, Ngài cầu nguyện trong Vườn Giêtsêmani, xin vâng theo thánh ý Chúa Cha (x. Lc 22,42). Chúa dạy rằng sứ vụ truyền giáo cần có sự nâng đỡ của cầu nguyện: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38).

Là người môn đệ, chúng ta cầu nguyện để lắng nghe nhịp đập của Thánh Tâm Chúa Giêsu, từ đó chúng ta có thể nhận ra tình yêu của Chúa dành cho nhân loại, nhận ra những linh hồn đang cần ơn cứu độ, và cảm nhận nỗi đau của những người khổ đau, lầm lạc. Khi kết hiệp với Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta không còn truyền giáo theo ý riêng, mà truyền giáo theo trái tim của Chúa, với tình yêu và lòng thương xót. Hơn nữa, qua cầu nguyện, giúp chúng ta có thể mở lòng ra để đón nhận và nâng đỡ tha nhân; qua việc cầu nguyện, giúp chúng ta biết đâu là nhu cầu thực sự của con người hôm nay. Vì rằng, việc truyền giáo không bao giờ là dễ dàng, nên cầu nguyện sẽ giúp chúng ta trung thành hơn và không nản lòng. Vì rằng: “Không có Thầy, anh em không thể làm gì được!” (Ga 15,5).

Hy sinh và đền tạ: Sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu gắn liền với hy sinh và thập giá. Ngài không chỉ giảng dạy, chữa lành, mà còn chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá để cứu độ nhân loại, và Ngài mời gọi chúng ta bước theo con đường hy sinh ấy: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Vì vậy, truyền giáo không thể tách rời khỏi hy sinh, vì tình yêu đích thực luôn đòi hỏi sự hiến thân.

Hy sinh và đền tạ là sức mạnh vô hình của sứ vụ truyền giáo. Không phải ai cũng có thể ra đi loan báo Tin Mừng một cách trực tiếp, nhưng mọi người đều có thể góp phần truyền giáo bằng sự hy sinh và đền tạ. Hy sinh có thể là chấp nhận những khó khăn, thử thách trong đời sống truyền giáo, từ bỏ ý riêng để đón nhận ý Chúa, sống khổ chế, tiết độ để kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Còn đền tạ là để bù đắp những tội lỗi của nhân loại, cầu xin ơn hoán cải cho các linh hồn. Chính trong những việc nhỏ bé, thầm lặng ấy, Tin Mừng sẽ được lan tỏa một cách mạnh mẽ nhất.

Tóm lại, truyền giáo không chỉ là ra đi giảng dạy, mà trước hết là hiệp thông với Chúa qua cầu nguyện và hy sinh. Cầu nguyện giúp chúng ta kết hiệp với Thánh Tâm Chúa Giêsu để hiểu được trái tim yêu thương của Ngài và nhận ra nhu cầu của tha nhân. Còn hy sinh và đền tạ là cách cộng tác vào công cuộc cứu độ, giống như Chúa Giêsu đã hy sinh chính mình vì nhân loại.

6. Truyền giáo bằng đời sống chứng tá

            Truyền giáo không chỉ dừng lại ở lời rao giảng, mà còn được thể hiện mạnh mẽ qua đời sống chứng tá. Một đời sống thấm nhuần tinh thần Tin Mừng sẽ tự nhiên trở thành một lời chứng hùng hồn, đánh động và lôi cuốn người khác đến với Chúa. Là người môn đệ của Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi làm chứng bằng chính đời sống yêu thương, hiền lành, khiêm nhường và phục vụ. Vì rằng: “Ánh sáng của anh em phải được chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Truyền giáo bằng đời sống chứng tá được thể hiện qua hai khía cạnh chính đó là sống theo gương mẫu của Thánh Tâm Chúa Giêsu: Lòng thương xót, sự hiền lành và khiêm nhường;  và làm chứng bằng hành động cụ thể trong đời sống thường ngày.

Sống theo gương mẫu của Thánh Tâm Chúa Giêsu: Linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nên giống Ngài trong tâm tình và lối sống, đặc biệt là các nhân đức:

Lòng thương xót: Thánh Tâm Chúa Giêsu là biểu tượng của tình yêu xót thương vô biên dành cho nhân loại. Chúa Giêsu không lên án, nhưng luôn mở rộng vòng tay đón nhận tất cả mọi người, vì Ngài chạnh lòng thương trước đám đông bơ vơ như đàn chiên không có người chăn (x. Mc 6,34), … Vì vậy, là người môn đệ, chúng ta cũng được mời gọi sống lòng thương xót qua việc tha thứ, cảm thông, nâng đỡ những người đau khổ và yếu đuối.

Sự hiền lành và khiêm nhường: Chúa Giêsu không dùng quyền lực, nhưng dùng tình yêu để chinh phục con người. “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Hiền lành không có nghĩa là yếu đuối, nhưng là mạnh mẽ trong tình yêu, kiên nhẫn trong nghịch cảnh. Và khiêm nhường là biết nhìn nhận mình là khí cụ của Chúa, không cậy dựa vào sức riêng. Một người có tấm lòng hiền lành và khiêm nhường sẽ dễ dàng chạm đến trái tim người khác và giúp họ nhận ra khuôn mặt nhân từ của Thiên Chúa.

Trung thành với đời sống thánh hiến: Chứng tá mạnh mẽ nhất của một người môn đệ là trung thành với ơn gọi của mình. Giữ vững các lời khấn (khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục) như một dấu chỉ của Nước Trời. Dám sống “khác biệt” giữa thế gian, sống đời sống thanh khiết, đơn sơ, không chạy theo những quyến rũ của thế gian. Vì rằng: “Các con là muối cho đời, … là ánh sáng cho trần gian” (x. Mt 5,13-14). Một người sống đúng với ơn gọi của mình, với tình yêu, với lòng khiêm nhường và sự trung thành, thì sẽ trở thành một chứng nhân sống động của Tin Mừng.

Làm chứng bằng hành động cụ thể trong đời sống thường ngày: Lời nói có thể thuyết phục, nhưng chính hành động cụ thể mới là bằng chứng hùng hồn nhất về niềm tin. Bằng chứng tá qua đời sống yêu thương và phục vụ, Chúa Giêsu đã phục vụ trong khiêm tốn và yêu thương: “Thầy ở giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27), và Ngài mời gọi chúng ta cũng làm như vậy.

Một đời sống phục vụ vô vị lợi, quảng đại và tận tụy sẽ là một lời chứng mạnh mẽ về tình yêu Chúa. Phục vụ trong đời sống thường ngày bằng việc quan tâm đến người khác bằng những cử chỉ nhỏ bé, giúp đỡ những ai đang cần, hay hy sinh thời gian, công sức cho sứ vụ chung. Niềm vui đích thực cho việc phục cụ là đến từ sự kết hiệp với Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngay cả khi gặp gian nan hay thử thách. Vì vậy, chúng ta phải sống:

Chứng tá của sự bình an: Khi người khác thấy chúng ta vẫn giữ được niềm vui và sự bình an hay niềm hy vọng trong những hoàn cảnh khó khăn, họ sẽ tự hỏi điều gì làm nên sự khác biệt ấy? Vì vậy, để có được sự bình an, chúng ta“hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4,4).

Chứng tá bằng sự kiên nhẫn và tha thứ: Chứng tá mạnh mẽ nhất không phải là chiến thắng, mà là cách chúng ta đối diện với thử thách như Chúa Giêsu đã tha thứ ngay cả trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ” (Lc 23,34). Như vậy, một người biết kiên nhẫn, không đáp trả sự xúc phạm bằng bạo lực, không giữ lòng oán hận, chính là một chứng nhân thực sự của Tin Mừng.

Chứng tá qua sự đơn sơ và chân thành: Một đời sống đơn sơ, không giả tạo, không khoe khoang, không tìm kiếm danh vọng, … chính là một lời chứng hùng hồn về giá trị của Nước Trời. Như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, ngài đã truyền giáo bằng con đường đơn sơ nhất là làm mọi việc “nhỏ bé với tình yêu lớn lao”. Không cần những hành động vĩ đại, chỉ cần một đời sống chân thành, sống đúng với những gì mình tin, đã là một lời rao giảng mạnh mẽ. “Hãy làm cho mọi người thấy đức tin của anh em qua việc làm của anh em!” (Gc 2,18). Vì vậy, truyền giáo không chỉ là nói về Chúa, mà quan trọng hơn là sống theo mẫu gương của Ngài bằng cách sống thương xót, hiền lành và khiêm nhường. Và làm chứng bằng hành động cụ thể là yêu thương, phục vụ, vui tươi, tha thứ và đơn sơ. Chính đời sống chứng tá là lời rao giảng hiệu quả nhất, vì nó không chỉ thuyết phục bằng lý trí, mà còn chạm đến trái tim người khác, giúp họ nhận ra Chúa đang hiện diện và hoạt động trong thế gian này. Rồi: “Người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, nếu anh em yêu thương nhau!” (Ga 13,35).

Tóm lại, linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu không chỉ là một con đường thiêng liêng, mà còn là một lời mời gọi sống tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trái Tim Chúa Giêsu bừng cháy yêu thương, mở ra một con đường truyền giáo không phải bằng sức mạnh hay lời lẽ hùng hồn, nhưng bằng tình yêu hy sinh, lòng thương xót và sự khiêm nhường phục vụ. Như Chúa Giêsu đã yêu đến cùng (x.Ga 13,1), là người môn đệ, chúng ta cũng được mời gọi yêu thương không giới hạn, hy sinh không tính toán, và dấn thân không ngại gian khó để đem Tin Mừng Chúa đến với mọi người. Như vậy, truyền giáo theo linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu không chỉ là một hoạt động, mà trước hết là một cách sống:

 Yêu thương tha nhân: Noi gương Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta đem tình yêu đến với những người nghèo khó, khổ đau và lầm lạc.

Phục vụ trong khiêm tốn: Không tìm kiếm vinh quang hay lợi ích riêng, nhưng phục vụ trong âm thầm như Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,14-15).

Cầu nguyện và hy sinh: Kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện và hy sinh, như chính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã đổ máu trên thập giá vì nhân loại.

Làm chứng bằng đời sống: Một đời sống yêu thương, hiền lành, trung thành với ơn gọi là lời rao giảng mạnh mẽ nhất về Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Hơn thế nữa, sống linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu là truyền giáo bằng trái tim của Chúa, để mỗi người chúng ta là một dấu chỉ của lòng thương xót giữa thế giới đầy tổn thương; là một ánh sáng của tình yêu giữa những tâm hồn lạc lối và là một lời chứng sống động về Tin Mừng giữa một thế giới đầy thách đố.

Vậy, truyền giáo theo linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu không hệ tại ở những công trình lớn lao, mà chính là những cử chỉ yêu thương nhỏ bé mỗi ngày, vì chính từ những hành động đơn sơ nhưng chân thành, Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ được nhận biết, tôn thờ và yêu mến.

Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu thiêu đốt trái tim chúng ta bằng ngọn lửa tình yêu, để chúng ta trở nên những nhà truyền giáo của Thánh Tâm Ngài, và đem tình yêu Chúa đến cho mọi nơi và mọi người! 

 

Bài viết liên quan

Phương thức truyền giáo trong sứ vụ loan báo Tin Mừng

Truyền giáo luôn là sứ mạng trọng tâm của Giáo hội, theo lệnh truyền của...

PHẨM CHẤT CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO

Paulthem, CSC Trong lịch sử của Kitô giáo, nhà truyền giáo luôn đóng vai trò...

Sô-cô-la đắng hay ngọt?

Dọc theo con phố quen thuộc, tôi bị thu hút bởi những hộp Sô-cô-la và...

Con Đường: Hành Hương Theo Quan Điểm Kinh Thánh

Những lý do đầu tiên để bắt đầu một cuộc hành hương là thực hiện...

Ý nghĩa của động từ “đi ra” trong Tin Mừng

“Chúa Giêsu đi ra”, đó là cụm từ thường được lặp lại trong các Tin...

Câu chuyện Sáng thế bác bỏ các huyền thoại và trở về với thực tại

Alejandro Terán-Somohano Trong loạt bài giảng về những chương đầu sách Sáng thế thực hiện...