Phút cầu nguyện: Cầu cho các nạn nhân qua đời vì Covid-19

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 7:11-17)

(11) Sau đó, Ðức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người.(12) Khi Ðức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà.(13) Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” (14) Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Ðức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”(15) Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Ðức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ.(16) Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”.(17) Lời này về Ðức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

Đó là Lời Chúa.

Chúng ta đang sống trong thời đại của khoa học kỹ nghệ điện tử, cùng với đó là sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo. Chính những điều ấy đã mang lại nhiều thành tựu cho nhân loại khiến đời sống của con người phong phú hơn, tốt đẹp hơn… Thế nhưng, sự xuất hiện của một sinh vật bé nhỏ với cái tên virus-corona vào năm 2019 đã làm lu mờ đi những phát triển, những tiến bộ của khoa học mà loài người đang tự hào và hãnh diện.

“Corona”, theo tiếng Ý, nó có nghĩa là “triều thiên”, là “vương miện”. Người ta gọi đặt cho nó cái tên này chỉ vì nó mang hình dáng của chiếc vương miện. Đó là một cái tên nghe có vẻ mĩ miều nhưng thực ra, bản chất của con virus này không mĩ miều như cái tên nó mang. Ngược lại, nó lại chứa đựng một sự tàn phá khủng khiếp và mang lại những chết chóc, những đớn đau cho con người như chúng ta đang ngày đêm chứng kiến suốt hai năm qua.

Thật vậy, với sự xuất hiện của “virus vương miện” này, nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 5,148,538[1] người trên thế giới. Tại Việt nam, theo Bộ Y tế, tính đến tính đến ngày 17/11/2021, đã lên đến 23.337 người mất vì Covid. Hậu quả của nó để lại quá khủng khiếp, theo báo cáo nhanh của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tính đến hết ngày 14-10, cả nước hơn 2.184 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, có khoảng 2.084 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, hơn 41 trẻ là mồ côi cả cha, mẹ do đại dịch[2].

Đây thật sự là một con số biết nói, và chúng ta không bao giờ tưởng tượng hay hình dung ra một đại dịch giữa một thế giới hiện đại cho đến khi chứng kiến những cái chết kinh hoàng do “em Covid_19” ập tới. Những cái chết đau thương, những cái chết vội vã, những cái chết trong cô đơn không người thân, không người tiễn biệt, không kèn, không trống… Những thi thể không được khâm liệm, không một nghi thức tiễn biệt. Đau khổ hơn nữa, chính người thân của mình trong đó cha mẹ, vợ chồng, anh chị em hay con cái cũng không được chạm tới và không được nhìn lần cuối những người thân yêu của mình để nói lời tiễn biệt. Quá đau đớn, quá nghiệt ngã, quá tang thương!

Trong tâm tình tương thân, liên đới của một con người, hôm nay Quốc hội Việt Nam kêu gọi tất cả đồng bào, tất cả các tôn giáo dành một ngày đặc biệt để tưởng nhớ, cầu nguyện cho những nạn nhân đã mất trong đại dịch đã ra đi trong sự đau đớn, xa cách người thân, và vì dịch bệnh nên chưa được tổ chức mai táng chu toàn. 

Qúy vị và các bạn thân mến!

Trước nỗi đau, trước những mất mát không thể bù đắp này, là con người, ai cũng đau, cũng thương, cũng nhớ những người đồng đào, những ý bác sỹ, những nhân viên y tế, những bệnh nhân đã ra đi.

Và cũng chính từ đây, nhiều người đã tự hỏi, đã chất vấn Thiên Chúa, Ngài ở đâu khi con người gặp những nỗi kinh hoàng này? Thực ra, Ngài không ở đâu xa, Ngài vẫn đang ở đó và đang chạnh lòng thương xót chúng ta giống như Ngài đang chạnh lòng thương và nói với bà goá thành Nain: “Bà đừng khóc nữa! Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài và làm cho người con trai sống lại”. Thực vậy, Thiên Chúa đang ở đó. Ngài đang chứng kiến và đang đau nỗi đau của từng người chúng ta. Ngài đang cảm thương chúng ta như cảm thương bà goá thành Nain. Hơn thế, Ngài đang âm thầm đồng hành, đang âm thầm chữa lành những đớn đau trong lòng mỗi người, chỉ cần chúng ta biết tin tưởng và phó thác vào lòng thương xót của Ngài.

Tuy nhiên, với lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa, Ngài đã không thụ động chờ đợi bởi Ngài biết sự yếu đuối của con người chúng ta. Vì thế, Ngài đã đi bước trước bằng cách xuống thế làm người, chịu chết vì con người để diễn tả tình yêu đến trọn hảo của Người. Thật thế, qua cái chết và phục sinh của Đức Giê-su – Người Con Duy Nhất, chúng ta thấy Ngài cảm thương thân phận hay chết của chúng ta và đồng thời, qua sự phục sinh, chúng ta thấy Người mạnh hơn sự dữ và cái chết. Điều ấy mang lại niềm xác tín và hy vọng cho chúng ta như ông Gióp xưa kia: “Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Ðấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ” (G 19,26-26).

Có lẽ, trước những nỗi đau, sự thất vọng và cả những mất mát là cái chết mà chúng ta đang chứng kiến từng ngày, từng giờ nơi người thân, bạn bè, hàng xóm và đồng bào mình thì thật khó để có lời khuyên hay lời động viên nào chúng ta thấy hợp lý và dễ đón nhận. Nhưng với niềm tin của một Kitô hữu, chúng ta sẽ không để mình bị cuốn vào những thử thách và khủng hoảng này. Ngược lại, đây chính là thời điểm để chúng ta sống và diễn tả niềm tin của một người đã được diễm phúc làm con Thiên Chúa.

Xin cho mỗi chúng ta trong từng thời khắc của đời mình, dù vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ, luôn biết tin tưởng và kiên vững như ông Gióp xưa: “Tôi biết rằng Ðấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất”.

[1] https://www.worldometers.info/coronavirus/

[2] https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ca-nuoc-co-hon-2-000-tre-em-mo-coi-do-covid-19-lam-gi-de-co-giai-phap-ho-tro-lau-dai-674486

Bài viết: Lm. Giuse Vũ Tuấn, CSC

Bài viết liên quan

Thứ Tư Tuần IV Mùa Thường Niên – THÁNH AGATA, trinh nữ, tử đạo

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, có khi nào chúng ta đặt câu hỏi: Tại...

Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thờ: Gia Đình Nơi Nuôi Dưỡng Ơn Gọi Thánh Hiến

Gia Đình Nơi Nuôi Dưỡng Ơn Gọi Thánh Hiến Tuấn Vũ, CSC Ml 3,1-4; Hr...

LỄ MỒNG 3 TẾT: Công việc – Ân huệ và trách nhiệm

Ngày mồng 3 Tết, Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho công ăn việc...

LỄ MỒNG HAI TẾT: Hiếu Kính Tổ Tiên – Dấu Chỉ Của Tình Yêu và Đức Tin

Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết, Giáo Hội Việt Nam mời gọi chúng ta hướng...

LỄ TÂN NIÊN: Năm Mới sống hy vọng

Năm mới luôn là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại những gì đã...

LỄ GIAO THỪA – XUÂN ẤT TỴ 2025: “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”

Đêm giao thừa luôn là một thời khắc thiêng liêng và ý nghĩa, khi chúng...