Căng thẳng Israel-Palestine: Tòa thánh tái khẳng định giải pháp hai dân tộc và hai quốc gia

Hôm 20/5, trong một thông cáo báo chí, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết ông Saeb Erekat, trưởng đoàn đàm phán Palestine đã gọi điện cho Đức tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, thông báo về “những diễn tiến gần đây” trong các Lãnh thổ của Israel-Palestine và về “khả năng chủ quyền của Israel sẽ được áp dụng đơn phương” cho một số khu vực.
 

Ngọc Yến – Vatican News

Qua cuộc điện thoại, ông Saeb Erekat, trưởng đoàn đàm phán Palestine và tổng thư ký của Tổ chức Giải phóng Palestine cho Ngoại trưởng Tòa Thánh biết: nếu Israel áp dụng chủ quyền cách đơn phương trên một phần khu vực của hai quốc gia, thì sẽ làm tổn hại thêm tiến trình hòa bình trong khu vực.

Trước những thông tin này, Tòa Thánh tái khẳng định tôn trọng luật pháp quốc tế và bày tỏ “mối quan ngại về bất kỳ hành vi nào có thể làm tổn hại thêm cuộc đối thoại” giữa người Israel và Palestine. Tòa Thánh nhắc lại rằng cần phải “tôn trọng luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc, là những yếu tố không thể thiếu để hai dân tộc có thể sống cạnh nhau, có biên giới được quốc tế công nhận trước năm 1967”.

Tòa Thánh vẫn đang quan tâm theo dõi tình hình và bày tỏ quan ngại về bất kỳ hành vi nào có thể làm tổn hại thêm cuộc đối thoại. Tòa Thánh hy vọng, một lần nữa, người Israel và người Palestine sẽ sớm tìm ra khả năng đàm phán trực tiếp một thỏa thuận, với sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Và như thế, cuối cùng hòa bình có thể ngự trị trên Thánh địa, vùng đất được người Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo yêu mến.

Vào Chúa nhật tuần trước, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu tuyên bố: Đã đến lúc sáp nhập các bộ phận của Bờ Tây bị chiếm đóng. Lời tuyên bố của ông trước khi Quốc hội nhóm họp để bỏ phiếu tín nhiệm cho chính phủ liên minh của ông với đối thủ cũ là ông Benny Gantz.

Thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa các chính trị gia dự kiến công bố vào ngày 01 tháng 7, liên quan đến chiến lược thực hiện kế hoạch của Mỹ, nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Kế hoạch này bị người Palestine từ chối, do liên quan đến việc sáp nhập của Israel tại Thung lũng Jordan và các thuộc địa của Israel ở Bờ Tây, lãnh thổ Palestine bị Nhà nước Do Thái chiếm đóng từ năm 1967.