Chút tản mạn về Người môn đệ Đức Giêsu yêu mến

Ngay từ khi bắt đầu sứ vụ Kế vị Thánh Phêrô, tôi đã nhắc nhở về sự cần thiết phải tái khám phá hành trình đức tin để ngày càng làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say phấn khởi được đổi mới nhờ được gặp gỡ Chúa Giêsu[1].

Qủa thế, tin là việc gặp gỡ cá vị của con người với Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ đó sẽ biến đổi và giúp chúng ta tìm thấy hướng đi của cuộc đời mình. Điều đó cho thấy trọn vẹn cuộc sống của chúng ta là sự nối dài của cuộc gặp gỡ ấy, để rồi càng ngày, chúng ta càng tiến sâu hơn vào mối tình Thiên Chúa – con người.

Đã có nhiều trình thuật về những buổi gặp gỡ nơi biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu với các môn đệ, nhưng trình thuật về “ngôi mộ trống” (Ga 20,1-9) là điểm nhấn nổi bật hơn cả. Trong trình thuật này, tác giả đã ghi lại niềm tin của Người môn đệ Đức Giêsu yêu mến: “Ông đã thấy và đã tin” (20,8b). Vậy Người môn đệ này là ai, đã thấy gì và tin gì?

Người môn đệ này là ai? Tác giả Tin Mừng Ga đã nhấn mạnh 5 lần rằng, nguồn của ngài chính là “người môn đệ Đức Giêsu yêu mến” (13,23; 19,26;20,2;21,7.20)[2]. Theo truyền thống thì Người môn đệ Đức Giêsu yêu mến chính là môn đệ Gioan, con ông Dêbêđê và thuật từ “yêu mến”( “phileô”  : tình bạn hữu) trong trình thuật này khác với thuật từ “yêu mến”( “agapaô”: lòng thương cảm) trong Ga 19,26.[3] Cho đến nay, học giả R.E. Brown vẫn chủ trương coi người môn đệ ấy là Gioan, con ông Dêbêđê và là tác giả Tin Mừng thứ Tư[4].

Tuy nhiên,  đối với khoa “phê bình bản văn” thì xem người môn đệ Đức Giêsu yêu mến  không phải là Gioan, con ông Dêbêđê. Bởi vì Gioan là người miền Bắc (Galilê), làm nghề chài lưới, thuộc tằng lớp bình dân. Còn môn đệ “được Đức Giêsu yêu mến” xem ra có vẻ là người miền Nam (Giuđê), tầng lớp xã hội thuộc diện có thế giá[5]. Ngày nay một số thần học gia đã đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy khó có thể tuyệt đối hóa người môn đệ này với tông đồ Gioan[6]. Họ đưa ra nhiều dẫn chứng có thể đồng hóa với rất nhiều người khác nhau, thậm chí có những người còn xem đó chỉ là một nhân vật văn chương, có ý nghĩa biểu tượng, ẩn dụ[7].

Mọi môn đệ trên hành trình theo Đức Giêsu đều là những môn đệ được yêu mến[8]. Bên cạnh đó, việc tác giả không nêu rõ tên mình trong Tin Mừng thứ Tư, mà chỉ ẩn danh dưới tước hiệu “người môn đệ Đức Giêsu yêu mến” là muốn làm nổi bật Đức Giêsu Kitô mới là tác giả đích thực và để khẳng định cho độc giả qua mọi thời rằng môn đệ này đã mục kích và chứng kiến tận mắt biến cố Vượt Qua của Đức Giêsu[9].

Như vậy, lý chứng trẻ hơn, nên chạy nhanh hơn, nên đến mộ trước và thấy trước mà nhiều nhà chú giải gán cho “người môn đệ Đức Giêsu yêu mến” là môn đệ Gioan, con ông Dêbêđê và là tác giả Tin Mừng thứ Tư xem ra không thuyết phục. Vậy, nên chăng chúng ta giả thiết một hướng khác dựa trên bản văn Tin Mừng để có thể dễ chấp nhận hơn!

Như đã nói ở trên, Tin Mừng Ga cho thấy “người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến” này hầu chắc có mối tương quan rất gần gũi cách đặc biệt với Thầy mình. Ngay trong danh xưng của người môn đệ này đã cho độc giả thấy rõ được điều đó. Hơn nữa, chi tiết người môn đệ này nằm tựa vào lòng Đức Giêsu (13,23) cho thấy mức độ thân thương, mật thiết của ông với Đức Giêsu và hẳn nhiên phải là một trong số nhóm mười hai[10]. Ngoài ra, lúc Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá thì có người môn đệ này hiện diện dưới chân thập giá với Đức Maria (19,25-27). Với tương quan ấy, có thể hiểu rằng lý chứng trẻ hơn nên chạy nhanh hơn không đơn thuần chỉ thể hiện sức trẻ nhưng là biểu hiện của một nỗi lòng khao khát, gắn bó mật thiết với Thầy mình.

Ngoài chạy trước, đến trước, thấy trước, Ông còn tin trước Phêrô nữa[11]. Tác giả cho biết: “Ông đã thấy và đã tin” mà không bàn gì đến niềm tin của Phêrô. Lý do của tiến trình “thấy và tin” này còn được giải thích mở rộng ra chiều hướng đối tượng của hành động “thấy” và hành động “tin”.

Ông đã thấy gì? Và tin gì?

Trước khi đi vào chi tiết của vấn đề, chúng ta cần nhìn lại bản văn trình thuật về “ngôi mộ trống” (Ga 20,1-9) để cùng khám phá những điều thú vị nơi động từ “thấy” ngõ hầu hiểu được hành động “tin” nơi người “môn đệ kia”.

Toàn bộ trình thuật, độc giả nhận ra động từ “thấy” được tác giả nhắc đến 4 lần:[12]

  • bà Maria Mácđala thấy (blepô) tảng đá đã bị đem đi khỏi mộ;
  • người môn đệ kia thấy (blepô) những băng vải;
  • ông Phêrô đi thẳng vào mộ và thấy (theôreô )những băng vải;
  • sau cùng, người môn đệ kia cũng vào mộ, ông thấy (horaô) và tin.

Động từ thấy (blepô) chỉ cái thấy những thực tại hiện rõ trước mặt: thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ, thấy các băng vải[13].

Động từ dùng để diễn tả hành động của ông Phêrô khác với động từ dùng cho hành động của “người môn đệ Đức Giêsu yêu mến”. Người môn đệ này thấy (blepô) nhưng không tri nhận, trong khi ông Phêrô thấy (theôreô) có tính cách quan sát, nhận thức và hiểu biết. Ông Phêrô nhìn thấy nhiều thứ hơn: “băng vải đặt nằm ở đó” và “khăn che mặt” để riêng ra một nơi. “Băng vải liệm và khăn che mặt” này nối kết với hình ảnh sống lại của Lazarô, nhưng lúc này ông Phêrô vẫn chưa tin.

Sau cùng, hành động thấy (horaô) của “người môn đệ Đức Giêsu yêu mến” mang một ý nghĩa theo chiều hướng thần học Gioan: “thấy” dấu chỉ, “nhận ra” ý nghĩa và dẫn đến Tin. Từ cấp “ thấy thấp nhất bằng cặp mắt thể lý (blepô), ông đã đạt tới cấp thấy (horaô) cao nhất bằng đức tin[14]. Nghĩa là, đối tượng của hành động thấy của người môn đệ này được mở rộng ra đến mức tối đa. Gần nhất, người môn đệ đã thấy “những băng vải còn để đó”, thấy ngôi mộ trống, thấy xác Đức Giêsu không còn ở đó; xa hơn là nhận ra ý nghĩa biến cố thập giá khi ông đứng dưới chân thập giá, hiểu ra những gì Đức Giêsu thực hiện trong suốt sứ vụ công khai. “Thấy” theo nghĩa tuyệt đối như vậy thì sẽ tất yếu dẫn đến tin[15].

Hơn nữa, động từ “tin” thông thường trong Tin Mừng thứ Tư có túc từ đi kèm (tin vào ai hay tin vào điều gì)[16]. Trong khi đó, hành động “tin” của “người môn đệ Đức Giêsu yêu mến” lại không có túc từ (20,8). Điều đó cho thấy, hành động “tin” theo nghĩa rộng nhất hay nghĩa tuyệt đối. Nội dung của niềm tin không bị giới hạn vào một điều cụ thể nào nhưng có thể mở rộng ra mọi khía cạnh. Có thể hiểu người môn đệ này, với tương quan mật thiết với Đức Giêsu đã không những tin vào Đức Giêsu đã sống lại, tin vào những lời Đức Giêsu đã nói, tin rằng Đức Giêsu là Đấng Chúa Cha sai đến, tin Đức Giêsu là Đấng có khả năng ban sự sống đời đời; mà còn tin ở mức độ cao nhất là tin rằng Đức Giêsu là Đức Chúa. Người môn đệ này đã tin vào Đức Giêsu, tin vào tất cả những gì Đức Giêsu đã dạy, đã làm đặc biệt là sự Phục Sinh và làm chứng về tất cả những điều đó và còn rất nhiều điều nữa không thể viết ra hết ở trong Tin Mừng thứ tư (21,25).

Sự nhanh nhẹn tuyệt vời nhất của “người môn đệ Đức Giêsu yêu mến” trong đoạn Tin Mừng này là “ông đã thấy và đã tin” trong khi cái “nhìn thấy” của Phêrô chỉ dừng lại ở những băng vải liệm và khăn che đầu được để riêng ra. Maria Mácđala cũng thấy “ngôi mộ trống” như hai môn đệ Phêrô và “người môn đệ Đức Giêsu yêu mến” nhưng cô vẫn chưa tin. 

Trong tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng số 7, Đức Phanxicô đã xác tín: “Là Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức, nhưng là gặp gỡ một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đem đến cho cuộc đời một chân trời mới, và một hướng đi quyết định”. Lời nhắn nhủ đó, hướng chúng ta tới một trải nghiệm đức tin: gặp được Thiên Chúa Hằng Sống để có cơ may biến đổi. Giữa vô vàn lối nẻo dẫn đến Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi để khám phá dung mạo Thiên Chúa Hằng Sống nơi Đức Kitô Phục Sinh trong Kinh Thánh. Ngày nay, chúng ta có thể không thấy ngôi mộ trống, không thấy Đức Giêsu Phục Sinh, nhưng chúng ta đã có Kinh Thánh đặc biệt là câu chuyện của Người môn đệ Đức Giêsu yêu mến. Điều quan trọng là Kinh Thánh đã trở nên xa lạ, khó hiểu hay vẫn ở bên cạnh chúng ta.

Pet Anh Tài, cSc.

[1] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ,Tự sắc Cửa Đức tin, số 2.

[2] Vũ Phan Long, Các bài Tin Mừng Gioan dùng trong Phụng vụ, Nxb Đồng nai, 2011, tr.462.

[3] Học viện Đaminh, Chân Ngôn, Chú giải Tin Mừng các Chúa Nhật và Đại lễ năm A, 2011, tr 244.

[4] Vũ Phan Long, sđd, tr.462.

[5] Mai Văn Kính, Ngôi Lời trở thành Đấng bị đâm thâu, Nxb Đồng nai, 2020, tr.15.

[6] Vũ Phan Long, sđd, tr.463.

[7] Lê Minh Thông, Người Môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư là ai? Nxb Phương Đông, 2010.

[8] Vũ Phan Long, sđd, tr.464.

[9]Mai Văn Kính,  sđd, tr.16.

[10] Mai Văn Kính,  sđd, tr.16.

[11] Vũ Phan Long, sđd, tr.469.

[12] Viết theo gợi ý bài chia sẻ của Cha Giu se Nguyễn Thể Hiện.

[13] Trong Lc 10,23 cũng dùng lại động từ này

[14] Vũ Phan Long, sđd, tr.466.

[15] Trong Ga 20,18 cùng dùng lại động từ này.

[16] “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1)

[bai/]

Bài viết liên quan

Tại sao Kinh Vực Sâu được đọc vào Lễ Giáng Sinh ?

  Trong suốt chu kỳ của năm Phụng vụ, có thể nói, mùa Giáng sinh...

“Hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” là thế nào ?

Câu chuyện Chúa Giê-su giáng sinh tại một hang đá nơi cánh đồng Bê-lem là...

Tản mạn về hành trình từ Na-gia-rét đến Bê-lem

Khi những cơn mưa mang theo cái lạnh buốt giá tràn về cũng là lúc...

Tản mạn về bản gia phả của Đức Giêsu.

Mùa Vọng đã tạm kết thúc với giai đoạn đầu tiên từ Chúa Nhật thứ...

Học hỏi Phúc âm CN 4 PS A, Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Lời Chúa: Ga 10,1-10 1 “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa...