Đức cha Allys: Một Nhà Giáo Dục

Quan tâm đến việc giáo dục và coi đó như là một phương tiện để thăng tiến đời sống của dân chúng và xây dựng Giáo hội là một trong những đường hướng mục vụ của các Vị Thừa Sai khi đến với xứ sở Annam. Điều đó lại càng được thể hiện một cách rõ nét khi nhìn vào chân dung của một linh mục trẻ tuổi, khôi ngô tuấn tú đến từ một xứ sở xa xôi: cha M.J. Allys Lý, và về sau trở thành vị chủ chăn thứ 5 của địa phận Huế.
1. Trước khi sang Việt Nam
Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con, nhưng tư chất vốn sẵn thông minh, cậu Allys nhanh chóng hấp thụ được nền giáo dục đương thời. Lúc ban đầu chỉ là những lớp học tại nhà thờ giáo xứ Paimpont, rồi cậu được nhận vào Tiểu chủng viện Saint Méen, rồi lên đại chủng viện và được thụ phong linh mục. Có lẽ với kinh nghiệm tuổi thơ của mình, nhà nghèo, nhờ cha mẹ cho đi học mới được làm linh mục, cho nên, trăn trở và thao thức của vị thừa sai trẻ tuổi chính là giúp cho người dân ở xứ truyền giáo được học biết các kiến thức đạo đời.
2. Trước khi làm Giám mục
Đặt chân đến địa phận Huế, nhiệm sở đầu tiên của vị tân linh mục là Viện Dục Anh Kim Long (do các sr Phaolô điều hành, giờ đổi tên thành Trung tâm Sơn Ca). Tại đây, ngài vừa chăm lo dạy dỗ trẻ mồ côi, vừa tranh thủ học tiếng Việt.
Giám mục địa phận Huế lúc bấy giờ là Đức Cha Sohier đã nhanh chóng nhận thấy và đánh giá cao vị linh mục này. Ngài thấy rất vui về khả năng và nhiệt tâm của vị thừa sai, nên đã nhận định rằng: “Người đồng sự trẻ này sẽ trở thành Bề trên của Miền Truyền Giáo”. Và lời lời tiên tri ấy đã ứng nghiệm vào 32 năm sau, tức là năm 1908, cha Lý được tấn phong giám mục.
3. Sau khi làm Giám mục
Trong vai trò chủ chăn, đức cha Lý càng thêm thao thức và ưu tư về việc giáo dục cho các tín hữu, về đức tin cũng như văn hóa. Nhìn lại những thành quả mục vụ của ngài, không kể đến các hoạt động mục vụ bí tích và điều hành giáo xứ, phải kể đến ba thành quả nổi bật liên quan đến việc giáo dục còn lưu lại cho hậu thế: là việc hình thành Trường Pellerin Huế (của Dòng La San – 1904), sáng lập Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (1920) và Hội dòng Sư Huynh Giáo Giảng Viên Thánh Tâm Chúa Giêsu (1925).
a. Thành lập trường Pellerin (Bình Linh)
Khi trường Quốc học được thành lập năm 1900, Đức Giám Mục Caspar, Đại diện Tông Tòa cùng với hàng giáo sĩ nhận thấy cần phải có một ngôi trường Công Giáo để giúp thăng tiến đời sống của người dân, nhất là người nghèo.
Đầu năm 1904, Đức Cha Caspar giao cho cha Allys cộng tác với Dòng Lasan để lập một trường học cho người bản xứ cả lương lẫn giáo. Chính vì việc này mà cha Allys đã có dịp vào Sài Gòn để gặp giám tỉnh Dòng Lasan. Lúc đầu định mở ở bên cạnh chủng viện, nhưng vì thấy xa trung tâm, nên cha Allys đề nghị nên chọn thửa đất gần Ga xe lửa sẽ thuận tiện hơn. Bước đầu cũng không phải không có khó khăn. Dù đã được chính quyền đồng ý, nhưng có một vài hộ dân không chịu dời đi. Chính cha Allys đã đến từng hộ dân, nói chuyện, thương thuyết, vận động những người cư trú trên thửa đất đó nên di dời, vì thực chất họ chiếm dụng đất công, và nếu họ chấp nhận di dời thì sẽ được đền bù với giá cao. Đổi lại, cha Allys đã chấp nhận nhượng lại cho nhà nước một thửa đất lớn phía sau nhà thờ Phủ Cam để làm nghĩa trang, ngày nay quen gọi là Ngã Ba Thánh Giá. Từ đó, việc thành lập trường Pellerin mới được diễn ra thuận lợi. Cho đến bây giờ, Tỉnh Dòng Lasan Việt Nam vẫn xem Đức Cha Allys là ân nhân của Dòng trong việc thành lập trường Pellerin.
b. Lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân
Đến năm 1919, mặc dù địa phận đã có nhiều trường giáo xứ hơn trước, nhưng chưa có trường Tiểu học theo đúng nghĩa, vì thiếu giáo viên được huấn luyện chu đáo. Đức Cha Allys muốn mở trường tư thục nhưng điều này quả thật không dễ, vì: “Muốn mở trường phải có thầy dạy mà chúng tôi thì thiếu hết mọi sự. Lại nữa, đào tạo giáo viên hao tốn nhiều hơn huấn luyện thầy giảng, vì giáo viên phải hiểu biết nhiều hơn thầy giảng”. Cho nên, năm 1920, đức cha đã thành lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm để đảm nhận việc giáo dục đức tin và văn hóa, thêu thùa may vá, nữ công gia chánh cho các thiếu nữ trong địa phận, lương cũng như giáo.
c. Lập Dòng Anh em Hèn mọn Trái tim Chúa Giêsu
Cùng với những thao thức đó, năm 1925, Đức Cha Allys lập nên dòng Các Anh Em Hèn Mọn Trái Tim Chúa Giêsu. Lúc đầu, có lẽ ngài muốn trao phó việc huấn luyện các tu sĩ Dòng mới này cho các sư huynh Dòng Huấn Giáo Ki-tô ở Ploërmel, nhưng vì xa xôi cách trở và thời cuộc, các sư huynh này đã không thể đáp ứng lời mời gọi đó. Thế nên, Đức Cha Lý đã trao trách nhiệm cho cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn, sau này làm Giám mục Đại Diện Tông Toà Bùi Chu ở Bắc Kỳ, để lo việc coi sóc và dạy dỗ cho các giáo giảng viên này. Kể từ ngày đó, Dòng Anh Em Hèn Mọn Trái Tim Chúa Giê-su vươn mình phát triển, cùng với bao thăng trầm của lịch sử, và trở thành Dòng Thánh Tâm Huế ngày nay.
Qua những nét tóm tắt trên, chúng ta có thể nhận thấy được tâm huyết của một nhà giáo dục, sự nhiệt thành của một vị thừa sai, và cao cả hơn hết, đó là tấm lòng của một người cha nơi Đức Cha Tổ Phụ. Không chỉ là Cha trong tư cách là vị chủ chăn của địa phận phải lo lắng cho con cái được ăn được học, nhưng còn là Cha trong tư cách là người khai sinh Dòng Thánh Tâm Huế.
Chỉ tiếc là, về sau, đôi mắt của vị cha già không còn nhìn rõ được nữa. Đây quả thật là một thánh giá nặng nề cho một con người luôn thao thức cho việc giáo dục. Tuy nhiên, đức cha đã vác lấy thập giá ấy một cách dũng cảm, vui vẻ, và lòng vẫn nhẹ nhàng. Trong 5 năm hưu dưỡng, cửa phòng ngài luôn rộng mở cho mọi người viếng thăm. Giờ rảnh rỗi, ngài thích đi đến nguyện đường để thờ lạy Thánh Thể và trình bày với Chúa những nhu cầu của Hội Thừa Sai và của cả Miền Truyền Giáo. Qua đây, chúng ta nhận ra thêm một bài học quý giá của vị cha già: khi mà điều kiện sức khỏe không cho phép ngài đi lại dạy dỗ bảo ban được nữa, thì ngài dùng chính những khó khăn của mình để làm tấm gương cho các tín hữu được vững niềm tin và tiến lên trên đường nhân đức.
Linh mục John J.Considine, trong một dịp ghé Huế năm 1932, đã đến thăm đức cha và kể lại như thế này:
“Trong một căn nhà nhỏ khép mình dưới rặng cây, cạnh một con sông ở Huế, một ông cụ mù lòa an dưỡng ở nơi đây. Năm mươi năm trước, con người này đã lên thuyền từ nước Pháp xa xôi, mang theo nhiệt huyết tuổi trẻ, tầm nhìn, sức khỏe, và ngọn lửa đức tin. Và kể từ ngày đó, người ấy không bao giờ bước chân ra khỏi xứ Annam, nơi mà người ấy đã nhận làm quê hương. Người ấy đã dành cả cuộc đời mình cho địa phận Huế này. Thật là một tấm gương đáng nể phục.
Phêrô Ngô Quốc Trung, CSC

Bài viết liên quan

Bầu trời Sơn Thủy A Lưới

Cùng với Giáo hội lữ hành sống tâm tình vui mừng của mùa Giáng Sinh,...

Hành hương Năm Thánh: Ngày hiệp thông và liên đới tín hữu các Giáo xứ

Vào lúc 8h sáng ngày 03/01/2025, gần 500 tín hữu từ các Giáo xứ (do...

Đêm Canh Thức và Thánh Lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024 tại Dòng Thánh Tâm Huế

Trong bầu khí linh thánh của “Đêm Bình An” đón mừng Ngôi Hai Thiên Chúa...

0 giờ 27 phút ngày ấy…

Khi tiếng chuông đồng hồ vừa điểm sang ngày mới (27-11-1948) chừng 27 phút chính...

Học viện Dòng Thánh Tâm Huế mừng lễ Bổn mạng 2024

Thánh Lễ mừng bổn mạng của quý thầy học viện Dòng Thánh Tâm Huế diễn...

Thánh Lễ cầu cho các Bậc Tiền nhân của Dòng Thánh Tâm Huế và các tín hữu đã qua đời

  Xem thêm hình ảnh tại đây: https://photos.app.goo.gl/ MusMDYMsAAEe3J8N6 Bài và ảnh: Đức Hoàng, CSC

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *