Giáo lý viên John Ngwa Zar Dee, và 50 năm rao giảng Tin Mừng ở biên giới Myanmar

giao ly vienTrong 50 năm qua, ông John Ngwa Zar Dee rao giảng Tin Mừng ở biên giới Myanmar. Ông là giáo lý viên đầu tiên thuộc bộ lạc Lisu bản địa trong giáo phận Myitkyina, và là nhà truyền giáo đầu tiên ở Zang Yaw, một vùng hẻo lánh và khó tiếp cận, nay thuộc địa phận của giáo xứ Putao.
 

Ngọc Yến – Vatican News

Khi ông John Ngwa Zar Dee đến khu vực Zang Yaw, giữa những người bản địa thuộc nhóm dân tộc Lisu và Rawang, ở phía bắc Myanmar, và bắt đầu nói về hồng ân cứu độ của Chúa Giêsu, ông được người dân ở đây coi như người xa lạ. Ông nói với những người chưa bao giờ nghe đến danh Đức Kitô và bắt đầu đọc Tin Mừng cho họ. Trẻ em, thiếu niên, thanh niên, phụ nữ, người già, dừng lại để lắng nghe, tò mò và thích thú. Ngày qua ngày, sứ điệp về lòng thương xót, bình an và ơn cứu độ đã chạm đến tâm hồn những người nghe. Và dân làng đã xin trở thành môn đệ Chúa Giêsu và được lãnh Bí tích Rửa tội.

Vào thời điểm đó, John Ngwa Zar Dee còn đang ở tuổi đôi mươi. Và để đến được khu vực chưa được khám phá này, từ thị trấn gần nhất của bang Kachin, ông phải đi bộ 15 ngày. Cuộc hành hương dọc theo những con đường gồ ghề và sỏi đá được đánh dấu bằng việc đọc kinh Mân Côi. Giáo lý viên năm nay (2021) đã 72 tuổi bày tỏ: “Đức Maria đi bên cạnh tôi”. Ông nói thêm: “Sau 50 năm rao giảng Tin Mừng tôi vẫn muốn tiếp tục tinh thần mang Chúa đến tận cùng trái đất”.

Ông John Ngwa Zar Dee là giáo lý viên đầu tiên thuộc bộ lạc Lisu bản địa trong giáo phận Myitkyina, và là nhà truyền giáo đầu tiên ở Zang Yaw, một vùng hẻo lánh và khó tiếp cận, nay thuộc địa phận của giáo xứ Putao. Ông giải thích rằng, ông thực sự muốn đến vùng đất này “để trao kho báu của Vương quốc Thiên Chúa cho dân tộc của tôi”.

Hiện nay, linh mục coi sóc giáo xứ Putao hầu như không thể đến được khu vực đó, có khi cả năm không đến được một lần. Mặc dù đường xá xa xôi, khó khăn, ông John, nhất là khi còn trẻ, đã thường xuyên đến thăm dân các làng đó để “gieo hạt giống Tin Mừng, bẻ bánh Lời Chúa, cử hành Bí tích Rửa tội, loan báo ơn cứu độ cho mọi người”. Ông khẳng định rằng những dân tộc này, trong sự đơn sơ họ “là con Thiên Chúa, gần gũi với trái tim của Chúa Kitô, Đấng yêu thương những người nghèo, những người bé mọn, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội”. Nhờ lòng nhiệt thành truyền giáo và gương sống của ông, hầu như tất cả cư dân trong vùng đều theo Công giáo.

Ông John nhớ lại từ năm 1969 đến năm 1970, cùng với những người trẻ khác, ông đã tham dự khoá học đào tạo giáo lý viên do các nhà truyền giáo Thánh Colombano thuộc Giáo phận Myitkyina điều hành: “Đó là một hành trình gian nan và khó khăn, nhưng tôi biết ơn những người truyền giáo đã đồng hành với sự trưởng thành và đào tạo đức tin thời tuổi trẻ của tôi”.

Trong thời gian đó, ông John khám phá ra ơn gọi và thừa tác vụ giáo lý viên, và ông đã dành trọn thời gian cho sứ vụ này. Đó là một sự phục vụ mang lại niềm vui lớn, nhưng không thiếu khó khăn. Hiện nay, tình hình bất ổn xã hội và chính trị ở Myanmar và cơn ác mộng của đại dịch đè nặng như đá tảng. Ông chia sẻ: “Trong khi nỗ lực, tôi có một niềm xác tín đơn giản: Tôi biết và tin rằng Chúa ở cùng tôi và tôi hướng về Người. Chúa là nơi nương tựa của tôi”. Ông  John kể, trong thời kỳ khó khăn bạo lực lan rộng ở Myanmar, hoạt động mục vụ và truyền giáo vẫn tiếp tục và rất quý giá vì nó mang lại niềm an ủi và hy vọng cho những người đau khổ.

Ông nói: “Tôi thường nói với chính mình những lời của ông Gióp: Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ thì chúng ta lại không đón nhận sao? Chúa không bỏ rơi dân Người. Chúa ban cho tôi sức mạnh. Tôi không làm việc vì những lời khen ngợi của người đời nhưng vì Nước Chúa. Đôi khi người đời từ chối bạn, nhưng đối với Chúa thì không, Người luôn thành tín, luôn yêu thương và tha thứ”.

Đối với các tín hữu thuộc sắc tộc Lisu và Rawang, giáo lý viên John là một điểm tham chiếu vững chắc. Trong hoạt động dạy giáo lý liên tục nhiều năm, ông không bao giờ muốn phần thưởng nào từ họ. Về điều này ông nói: “Đối với tôi, phần thưởng ở nơi Chúa Giêsu. Cho đến nay, một ngôi nhà tôi cũng không có. Căn nhà tôi đang ở không phải của tôi, nhưng tôi không bận tâm vì Chúa đang ở với tôi”.

Đối với người trẻ, chứng tá của ông rất quý giá. Theo gương ông, các tình nguyện viên đi đến các làng xa xôi để thực hiện các hoạt động giáo dục sức khỏe, giáo dục và mục vụ cho các em nhỏ. Họ được gọi là zetaman, hay “những nhà truyền giáo nhỏ”, những khuôn mặt đặc trưng của Giáo hội Công giáo Myanmar. Những tình nguyện viên trẻ này đến những ngôi làng bị cô lập, ở những khu vực khó tiếp cận, những vùng nông thôn và miền núi và ở lại đó. Trong vài ngày, họ chia sẻ cuộc sống với cộng đồng, dành thời gian cho trẻ em, hiện diện bằng tình thương, tình bạn và sự chia sẻ đơn giản của cuộc sống. Nếu được hỏi, họ sẽ chia sẻ đời sống đức tin nhờ cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu đã thay đổi cuộc đời họ. Các nhà truyền giáo nhỏ có mặt ở tất cả các giáo phận của Myanmar, phục vụ những người yếu đuối và bị bỏ rơi. Nhờ những người như giáo lý viên John Ngwa Zar Dee, các Giáo hội kêu gọi những người trẻ dành ít nhất ba năm để phục vụ giáo phận, để được sai đi như những nhà truyền giáo trẻ trong những hoàn cảnh khó khăn. Như thế, họ đang thực hiện một công việc cao quý là loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, làm cho mọi người cảm nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *