Trong cuộc sống hôm nay, khi phải đối mặt với khổ đau nơi phận người, thì dường như chẳng mấy ai còn thời gian và sức lực để có thể khóc, vì lẽ cuộc đời này đã quá nhiều nước mắt. Như thi sĩ Xuân Diệu đã từng nói:
“Trăm ngàn kiếp lệ cuốn theo sông, Biển chứa long lanh sóng vạn trùng! Trái đất – ba phần tư nước mắt Đi như giọt lệ giữa không trung”.
Thay vì khóc, con người nên dành thời gian để vượt lên nghịch cảnh đau thương, với hoài mong bình yên sẽ lấp ló cuối chân trời.
Nhìn vào cuộc sống của người trẻ hôm nay, có lẽ chúng ta chỉ thấy được sự nhiệt huyết, vui tươi, năng động nơi họ, nhưng ít ai để ý đến bên trong người trẻ họ nghĩ gì và thao thức điều gì.
Trong Tông huấn “Đức Kitô hằng sống” số 76, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã gợi lên cho người trẻ hôm nay một câu hỏi: “Tôi có thể khóc không?”. Câu hỏi tưởng chừng như giản đơn ấy, nhưng khi để tâm phản tỉnh chính mình, chúng ta nhận ra nó chất chứa nhiều nẻo đường khác nhau cho việc sống đạo trong xã hội hôm nay, cách riêng nơi các bạn trẻ.
Khi nhắc đền “khóc”, thường chúng ta chỉ nghĩ đến sự yếu đuối, mỏng manh của một ai đó trước một điều gì đó. Hoặc tích cực hơn là tại sao phải khóc khi mà cuộc sống sẽ chẳng dễ dàng cho những yếu đuối, nhưng thay vào đó cần phải mạnh mẽ để vượt qua. Thế nhưng, trong muôn loài thọ sinh được Thiên Chúa dựng nên, thì có lẽ chỉ con người mới khóc. Hay nói khác đi, “khóc” sẽ làm cho con người thêm sự khác biệt với muôn loài Thiên Chúa dựng nên.
Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa việc “khóc” lên tầng ý nghĩa khi Ngài viết: “Tôi có biết khóc khi nhìn thấy một đứa trẻ bị đói, bị dính vào ma túy hay bụi đời, vô gia cư, bị xã hội bỏ rơi, bạo hành và khai thác như một nô lệ”. Đó không còn là vấn đề nhưng là một huyền nhiệm mà người trẻ được gọi mời thông dự khi phải đối diện với “thế giới phẳng” ngày nay.
Chúng ta ngày nào cũng lướt Facebook, xem tik tok, xem tin tức, nhưng sau nửa tháng có lẽ chúng ta hoàn toàn không nhớ được những nội dung đó và thực sự nó cũng chẳng có ảnh hưởng gì đến chúng ta. Có lẽ chúng ta đang để đời mình bị cuốn vào một thứ “cảm xúc ảo” mà quên mất điều thực tại. Đôi khi chỉ bấm “like, share” là chúng ta đã mãn nguyện và thấy vui rồi.
Phải chân nhận rằng, đằng sau lối sống này, là chứa đựng một thứ “linh đạo sợ hãi”: sợ mình đã bỏ lỡ điều gì đó trên mạng xã hội. Chúng ta luôn muốn được trải nghiệm nhiều câu chuyện thú vị hơn, được xem nhiều tiktok “hot” và thưởng thức nhiều món ăn ngon. Chúng ta gọi chúng là “tiết tấu nhanh” nhưng khi nhìn lại thì chẳng có tiết tấu nào cả.
Cuộc sống không phải là đứng quan sát từ ban công cuộc đời mình. Những cảm xúc vu vơ trên “facebook, zalo…” đôi khi cũng lý thú nhưng chỉ nhất thời, điều quan trọng là “cảm xúc thật” khi đối diện với “con người thật”.
Ngày hôm nay, dường như đa số người trẻ không sống tinh thần Kitô như một lựa chọn giá trị nhân bản, ngõ hầu có thể mang lấy tâm tình: “sống với, sống cho” để trao ban và sẻ chia với đồng loại, và cho tha nhân, những anh chị em bên cạnh chúng ta.
Lần dở lại những trang đầu Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là con người có linh hồn thiêng liêng, có lý trí, và có tình yêu. Thế nhưng, mục đích trên hết và trước hết của công trình tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa chính là để con người có khả năng nhận biết và yêu mến Chúa, nghĩa là để sống với Chúa. Thế nên, con người chỉ có thể sống trọn ý nghĩa đời mình khi sống trong mối tương quan liên ngã vị với ai khác, tức là với Chúa và với tha nhân.
Các bạn thân mến!
Ngày nay chúng ta ngại phải nói đến những từ như : hy sinh, dấn thân, liên lụy sống cùng và sống với. Thế nhưng cuộc đời này không phải là một sự thoả mãn ích kỷ, mà cũng không phải là con đường của chủ nghĩa khổ hạnh, nhưng là con đường tìm hạnh phúc chân chính. Hạnh phúc là khát vọng căn bản sâu xa và là động lực lớn của đời người.
Từ ngàn xưa và mãi đến muôn đời, tình yêu của một Vị Thiên Chúa không muốn cứu độ con người một cách riêng lẻ, nhưng cứu độ bằng cách tập họp con người lại trong con thuyền Giáo hội. Như thế, chỉ những ai dám dấn thân, chấp nhận sự liên luỵ với nhau trong tội thì mới có thể đạt đến mầu nhiệm của sự hiệp thông trong ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu vốn là Đấng hoàn toàn vô tội nhưng cũng đã chấp nhận thân phận tội luỵ vì con người. Ngài đau nỗi đau và buồn nỗi buồn của con người chứ không chỉ đứng bên ngoài để rồi xoa dịu nỗi đau đó.
Đức Giáo Hoàng nhắn nhủ rằng: “các con hãy biết khóc cho tất cả những người trẻ kém may mắn hơn các con.” Bởi vì theo ngài, đời sống con người vốn dĩ một sự bất bình đẳng tự nhiên. Từ khi sinh ra, đã có người “may mắn” và có người “bất hạnh”, có người giỏi và kẻ chưa giỏi , người đẹp và người ít đẹp…
Bên cạnh đó, cuộc sống con người đã là một đại dương bất công, và công bằng chỉ là một chút bọt sóng ở trên đầu ngọn. Không phải Thiên Chúa bất công, nhưng chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện theo cách liên luỵ và hiệp thông. Trong chương trình đó, người nào có được sự may lành thì điều ấy không có nghĩa là người đó được toàn quyền hưởng thụ sự may lành cho chính mình, nhưng được hưởng sự may lành chính là đón nhận hồng ân để có trách nhiệm với những người bất hạnh, những người kém may mắn. Tất cả hồng ân Chúa ban đều nằm trong vận hành chung, đó là hồng ân luôn gắn liền với trách nhiệm và đó là một sự trao tặng cho tha nhân chứ không phải là trao đổi của kẻ ban ơn. Đây không phải chỉ là lời kêu gọi của đức ái, nhưng trước tiên là đòi hỏi của sự công bằng; nghĩa là không phải là điều tự nguyện mà là đòi buộc.
Nhìn lại đời sống của mỗi người chúng ta, là những người trẻ, đôi khi vòng xoáy cuộc đời làm cho chúng ta sống quá nhanh, sống cách vội vàng để rồi lướt qua cách vô tình hay lãng quên những người đang sống bên cạnh tôi. Họ vẫn đang sống, họ vẫn bươn kiếm sống qua ngày nơi phố thị quanh ta.
Hỡi các bạn trẻ, cùng với Đức Giáo Hoàng và với tôi “hãy là chính mình”, hãy để cảm xúc “thật” lên tiếng. Bạn đừng e ngại thể hiện cảm xúc của bạn. Nếu muốn khóc hãy khóc thật to. Đức Kitô đang sống, Ngài sống cùng, sống cho và sống với chúng ta đặc biệt là người trẻ. Hãy cùng bước đi với Chúa và Giáo Hội, cùng chia sẻ “niềm vui, nỗi buồn” với nhau để xua tan những lo âu muộn phiền quanh ta, bạn nhé!