LINH MỤC MÁNG CHUYỂN THÔNG ƠN CHÚA
Người ta thường nói: “Đất có vàng, không bằng làng có Cha”. Vâng, có vàng thì quí thật, nhưng vẫn không quí bằng có Cha. Câu nói nhấn mạnh đến thiên chức Linh mục là hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban tặng cho Giáo Hội. Một món quà cao trọng không gì trên đời này có thể sánh ví. Vì thế, trong bài hát, Chúa Cất Tiếng Gọi Con, Nhạc sĩ Việt Khôi phải thốt lên: “Đời con Chúa ơi sao quá mọn hèn, mà Chúa đã gọi con bước lên. Sai con đi giữa cuộc đời, trở nên như mén giữa lòng người. Sai con đi làm muối đất, làm muối đất ướp cho mặn đời.” Vậy linh mục là ai mà quí đến như vậy?
Vào một buổi trưa hè, Đức Vua dạo quanh khu vườn thượng uyển có muôn ngàn loài hoa quí hiếm, nhưng Ngài để ý tới một cây tre, ẩn mình trong góc vườn. Đức Vua tiến lại nói với tre rằng: “Tre ơi! ta cần ngươi.” Cây tre hạnh phúc đáp lời: “Tâu Đức Vua, xin cứ việc dùng con theo ý ngài!” Đức Vua liền nói: “Nhưng để dùng ngươi theo ý ta, buộc lòng ta phải chặt ngươi xuống!” Tre hoảng hồn: “Xin Ngài cứ việc dùng con, miễn là đừng chặt con xuống!” Đức Vua phân trần: “Nhưng nếu không chặt ngươi xuống, làm sao ta có thể sử dụng ngươi được?” Sau phút giây bàng hoàng, tre cúi đầu thân thưa: “Nếu thế, xin Ngài cứ việc chặt con xuống!” Đức Vua nói tiếp: “Trước khi chặt ngươi xuống, buộc lòng ta phải róc hết cành lá của ngươi đi!” Tre rùng mình hoảng sợ. Đức Vua đáp: “Nếu không róc cành lá của ngươi đi, làm sao ta có thể sử dụng ngươi được?” Với giọng run rẩy, tre thưa: “Nếu vậy, xin Ngài cứ việc róc hết cành lá của con đi theo ý Ngài!” Đức Vua nói tiếp: “Nhưng để sử dụng được ngươi, buộc lòng ta phải chẻ đôi ngươi ra.” Lần này tre lấy hết can đảm thì thào: “Thưa Ngài, Ngài đã dựng nên con: mọi sự của con thuộc về Ngài, xin cứ dùng con như ý Ngài!” Thế rồi Đức Vua bắt tay vào việc: phát cành lá, chặt tre xuống, róc sạch, chẻ đôi, khoét hết ruột bên trong, và biến thân tre thành máng dẫn nước. Làm xong, Đức Vua đem máng tre đến một dòng suối trong xanh, khơi cho suối nước chảy vào máng, dẫn nước tới một khoảng đất khô cằn còn sót lại trong khu vườn. Chẳng bao lâu sau, người ta thấy có muôn ngàn hoa thơm cỏ lạ mọc lên trên vùng đất khô cằn tưởng như chẳng có sức sống.
Câu chuyện giúp chúng ta trả lời được câu hỏi phần nào, Linh mục là ai và vai trò của linh mục là gì? Các Tân Linh mục của chúng ta như những cây tre phải chịu cắt tỉa, chịu chẻ đôi, và chịu lấy đi những thói hư tật xấu, để trở thành máng chuyển thông ân sủng. Các Cha mới được sinh ra ở Giáo phận Bùi Chu, Vinh, Hà Tĩnh và được Thiên Chúa chọn gọi, thanh luyện, và róc tỉa qua bao thử thách, để biến các ngài thành những máng chuyển thông ơn Chúa cho con người. Linh mục là ai? Sách GLHTCG nhìn nhận, “Linh mục là người được Thiên Chúa tuyển chọn giữa cộng đoàn và được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô- vị Thượng Tế vĩnh cửu- nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, để phục vụ dân Chúa” (x.1564). Đức cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc cũng khẳng định: “Linh mục là thừa tác viên của Giáo Hội, là người được đào tạo để trở thành thầy giáo dục đức tin. Linh mục là thầy dạy, không phải dạy văn hóa, dạy thể thao, dạy làm nghề kinh doanh, nhưng dạy điều quan trọng nhất là sống đức tin, dạy cách bước theo Chúa Kitô, dạy cách làm môn đệ Chúa Kitô để được cứu rỗi.”
Với hồng ân đã lãnh nhận, linh mục không có gì để tự mãn, nhưng cần phải sống tâm tình tạ ơn về những gì Thiên Chúa đã trao ban một cách nhưng không. Sống tâm tình tạ ơn là biểu lộ lòng khiêm tốn nơi linh mục, nhìn nhận hồng ân cao trọng Chúa ban, và cố gắng sống cho xứng với bậc sống được tuyển chọn. Vì thế, linh mục không chỉ dâng Thánh lễ Tạ ơn trọng thể hôm nay, mà còn phải sống thánh chức tạ ơn suốt cả cuộc đời sứ vụ, như người cùi được lành sạch đã quay lại tạ ơn Chúa, trở thành môn đệ Chúa, và theo Chúa suốt cả cuộc đời mình. Linh mục phải trở thành một Alter Christus- một Chúa Kitô khác trong xã hội hôm nay. Vì thế, người linh mục hãy bắt chước CGS sống gần gũi với tha nhân như Chúa nói trong sách Đệ Nhị Luật: “Hãy nói cho Ta, có dân nào được những thần minh rất gần như các ngươi được Ta gần gũi?” Để sống được như CGS, xin được chia sẻ với cộng đoàn và các Cha mới 3 điểm gợi ý sau:
Thứ nhất, linh mục hãy bắt chước Chúa Giêsu sống hiền lành
Chúa nói: “Anh em hay mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29). Đó là những lời CGS đã dạy và làm gương cho các tông đồ. Sự hiền lành rất rõ nơi CGS khi Ngài tiếp xúc với dân chúng để giảng dạy họ, cho họ ăn, và cứu giúp họ. Ngài chạnh lòng thương xót họ, khi đối diện với kẻ thù, lúc chịu đóng đinh vào thập giá, CGS vẫn giữ được sự hiền lành đến lạ thường để cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” Thật vậy, trong đời sống linh mục, không có gì lôi cuốn người khác bằng sự nhân ái, bao dung, cảm thông, và giúp đỡ phát xuất từ trái tim của người mục tử. Người mục tử trong cộng đoàn có nhiều cơ hội để sống hiền lành như Chúa: hiền lành trong giao tiếp, hiền lành trong giảng dạy, hiền lành trong việc cử hành phục vụ thánh, hiền lành khi tiếp xúc với các hội đoàn, hiền lành trong các lớp giáo lý, và hiền lành trong việc điều hành các sinh hoạt mục vụ. Có thể nói lòng nhân hậu của người mục tử là điểm son tuyệt với nhất nhờ đó các tín hữu thấy được CKT Mục Tử dịu hiền trong bản thân linh mục.
Thứ hai, linh mục hãy bắt chước Chúa Giêsu sống khiêm nhường
Cả cuộc đời của CGS đã sống khiêm nhường. CGS đến không phải “để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người.” Chúa không chỉ nói, nhưng đã minh chứng bằng cuộc sống rao giảng của mình. Đặc biệt, vào giây phút cuối đời, Chúa đã hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ như một người nô lệ, rồi Người lập bí tích thánh thể để ở lại với chúng ta, và hiến dâng thân mình trên thập giá vì chúng ta. Do đó, linh mục dù được kính trọng, nhưng không vì thế mà sống trịnh thượng coi thường người khác, chỉ ngón tay vào người khác, và đập bàn khi nóng giận, nhưng phải là người mục tử mang trên mình mùi chiên. Linh mục không thể phục vụ hoặc phục vụ sẽ không có giá trị, nếu không sống khiêm nhường. Linh mục càng hạ mình thì càng được kính trọng, càng được yêu thương, và càng được nâng đỡ, vì CGS đã nói: “Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên. Còn ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ mình xuống.”
Thứ ba, linh mục hãy bắt chước Chúa Giêsu sống chứng nhân Tin Mừng
Chúa Giêsu đã can đảm sống vâng phục thánh ý Chúa Cha, từ bỏ ý riêng mình, đứng về phía người thấp cổ bé miệng, những người bị loại bỏ, và những người bị thù ghét để bênh vực che trở họ. Sự dũng cảm cao cả và ý nghĩa nhất là Ngài hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên: “Không có tình yêu nào ca cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). CGS không chỉ thí mạng sống cho đoàn chiên, cho bạn hữu, nhưng còn cho cả kẻ thù của mình. Ôi, thật là tình yêu vĩ đại vượt quá sức mong đợi của con người. Nếu linh mục là người dám dấn thân vì đàn chiên như Chúa, thì linh mục trở nên chốn nương tựa, là người mang lại bình an cho dân Chúa, và là mẫu gương sống thánh cho con người hôm nay. Đúng như lời thánh Gioan Maria Vianey đã từng chia sẻ: “Hạnh phúc đích thật của linh mục là được hao mòn vì phần rỗi linh hồn của đoàn chiên.”
Kính thưa cộng đoàn, dân Chúa hôm nay rất cần đến linh mục thánh thiện, linh mục đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, linh mục sống cho tha nhân, để qua các linh mục nhiều tâm hồn được tiếp nhận sức sống của Chúa, và sinh hoa trái thánh thiện. Vì thế, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho các Cha, đặc biệt là những Cha mới sống đúng với căn tính của mình, luôn noi gương Chúa Giêsu sống gần gũi, hiền lành, khiêm nhường, và can đảm dấn thân, để trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước. Hôm nay là ngày thứ 6 đầu tháng, ngày kính nhớ Rất Thánh Trái Tim Chúa đã hiến dâng cho nhân loại. Chúng ta trao phó các Cha mới cho Thánh Tâm Chúa Giêsu để các ngài biết rập khuôn đời mình theo gương Thánh Tâm Người, sống đời yêu mến, nói lời tha thứ, và ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, hầu nhiều người nhận biết và đón nhận tình yêu Chúa để được hưởng ơn cứu độ muôn đời.
Để kết thúc, cùng với cộng đoàn cầu chúc:
Quý Cha có Chúa tràn nhiệt huyết
Bao dung nhẫn lại với canh tân
Trở nên máng chuyển thông ơn thánh
Tưới gội trần gian nhuộm thánh ân.
Tác giả: Vincent Phạm