Mùa Vọng đã tạm kết thúc với giai đoạn đầu tiên từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng và kéo dài đến hết ngày 16 tháng 12. Ý nghĩa của giai đoạn này là hướng lòng trông đợi của người tín hữu vào ngày Chúa Kitô ngự đến lần thứ hai trong vinh quang, tức ngày quang lâm, ngày tận thế.
Bắt đầu từ hôm nay 17 tháng 12 cho đến 24 tháng 12, mùa Vọng chuyển sang giai đoạn thứ hai, nhằm chuẩn bị trực tiếp mừng đại lễ Giáng Sinh, tức tưởng niệm biến cố Chúa Kitô đã ngự đến trần gian lần thứ nhất trong lịch sử nhân loại. Với ý nghĩa trên, phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ được Giáo Hội chọn lựa cách đặc biệt, để chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh gần đến, và cũng nhằm giới thiệu những nhân vật có liên hệ trực tiếp tới cuộc giáng sinh này, nổi bật trong đó phải kể đến bản gia phả của Chúa Giêsu.
Trong bốn sách Tin Mừng, chúng ta ghi nhận chỉ có 2 thánh sử đề cập đến bản gia phả của Chúa Giêsu: Mt 1, 1-17; Lc 3, 23 – 37. Nếu đem so sánh hai bản gia phả này, có lẽ chúng ta sẽ đồng ý rằng bản gia phả theo Matthêu thuật lại chi tiết, mạch lạc và khoa học nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua những sai sót trong bản gia phả này: thời gian nô lệ Ai Cập là 450 năm nhưng soạn giả Matthêu chỉ kể có ba đời (Aram, Aminađáp, Nacson) hoặc chuỗi thứ ba gồm 13 đời (Mt 1, 12-16) thay vì 14 như Matthêu đếm… Nhiều người trong chúng ta tự hỏi sao gia phả của Chúa Giêsu chỉ được tính từ Abraham trở đi, mà không xét đến những người trước đó, suy ngược lên tới ông Ađam và bà Evà? Thưa, vì trước Abraham chưa có Israel. Quay lại những chương đầu của Kinh Thánh nơi sách Sáng Thế, chúng ta biết đó là xã hội của con người nói chung (x.St 1,1-6,4). Nạn Đại Hồng Thủy đã tiêu diệt toàn bộ nhân loại, chỉ có gia đình ông Nôê được Đức Chúa cứu thoát cùng với đàn gia súc mang theo lên tàu (x.St 6,5-8,22).
Sau Đại Hồng Thủy, Con cháu ông Nôe phát triển, trở nên đông đúc nhưng vẫn ở quây quần với nhau, vẫn nói cùng một ngôn ngữ(x.St 9,1-29). Đến giai đoạn tháp Babel, con người lại đi vào vết xe đổ, giống như trước Đại hồng thủy. Họ dự định xây một cái tháp cao chọc tới trời như một sự thách thức Thiên Chúa(x.St 11,1-9).
Thiên Chúa xuống xem thành và tháp con cái loài người đang xây. Thế là Đức Chúa phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa. Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Babel, vì tại đó, Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất. (St 11, 5-9).
Như vậy, từ sự kiện tháp Babel, con người mới phân tán đi khắp nơi, họ quây quần với nhau từng đoàn để hình thành các quốc gia với ngôn ngữ đặc thù cho quốc gia của mình.
Và sau sự kiện tháp Babel mới xuất hiện một nhân vật có tên là Abraham. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể bỏ qua mục đích của Thánh Matthêu viết Tin Mừng là cho các tín hữu gốc Do Thái, nên ngài viết gia phả Chúa Giêsu khởi đầu từ Abraham để chứng minh nguồn gốc Do thái của Chúa Giêsu: Ngài là một người Do Thái 100%, là con cháu của tổ phụ Abraham và hậu duệ của vua Đa-vít. Đồng thời, cách trình bày này cũng khẳng định nhân tính của Chúa Giêsu: Ngài là con người thật. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa không bỗng dưng từ trời rơi xuống, Ngài là con người đích thực, có một gia phả hẳn hoi. Bản gia phả này sẽ là lời chứng đầy sức thuyết phục của Giáo hội trước những lạc thuyết nổi lên từ những thế kỷ đầu. Điểm chung nơi những lạc thuyết này là chủ trương: Đức Giêsu chỉ có Bản tính Thiên Chúa và mượn hình dạng con người để thực hiện việc Cứu Độ. Như vậy họ đã đánh mất giá trị và ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, đánh mất giá trị sự đau đớn tột cùng của Ngài. Chúng ta có thể kể một vài lạc thuyết như sau: cuối thế kỷ thứ I đầu thế kỷ thứ II, Giáo hội phải đương đầu với nhiều lạc thuyết phủ nhận thiên tính và nhân tính của Đức Giêsu Kitô, như Ảo thân thuyết (Docétisme), Lạc giáo Ario; Nghĩa tử thuyết, tư tưởng của Giám mục Apollinaris (+ 350) hoặc thuyết Duy Tân.
Như đã đề cập phía trên, bản gia phả này được kết cấu thành 3 phần riêng biệt: từ tổ phụ Abraham đến vua Đavít (Mt 1,2-6a); từ vua Đavít đến thời Lưu đày (Mt 1,6b-11) và từ thời Lưu đày đến Chúa Giêsu (Mt 1,12-16). Điều đó gợi lên cho độc giả về hành trình lịch sử Israel: thời các Tổ phụ, thời các Vua và thời các Tư tế. Bên cạnh đó, Matthêu đã phải cân đo đong đếm để 3 phần kể trên luôn tròn đầy con số 14 đời.
Vậy, câu hỏi được đặt ra liệu bản gia phả của Đức Giêsu có kết thúc ở thời điểm của Ngài không?
Với ba lần nhắc đến con số 14, Matthêu ngụ ý gợi nhớ đến “con số” của vua Đa-vít (D<4>aV<6>iD<4> = 14). Qua đó, soạn giả muốn nhấn mạnh trên vua Đa-vít và sự tiếp nối của dòng họ nhà vua. Đến thời điểm của Đức Giêsu, bản gia phả đã nhắc đến 6 lần 7. Nhưng với truyền thống Do Thái, đó vẫn chưa là con số hoàn hảo. Chính Đức Giêsu sẽ mở ra thời đại viên mãn của 7 lần 7, khi tất cả những ai tin vào Đức Giêsu, sống theo lời Ngài đều trở thành con cái Thiên Chúa, tức được tháp vào cây gia phả của Đức Giêsu. Nhờ Đức Giêsu mà chúng ta sẽ không còn gọi Abraham là cha của chúng ta, nhưng chính Thiên Chúa là Cha muôn loài.
Pet Anh Tài, CSC