Tản mạn về hành trình từ Na-gia-rét đến Bê-lem

Khi những cơn mưa mang theo cái lạnh buốt giá tràn về cũng là lúc mùa đông đang chuẩn bị gõ cửa từng ngôi nhà. Khác với những cơn gió heo may của mùa thu chỉ đem lại cảm giác hơi se lạnh, những cơn gió bấc làm cho ai cũng phải rùng mình vì cái rét cắt da cắt thịt. Bầu trời không còn trong xanh, nắng cũng dần tắt lịm. Trên nền trời chỉ còn lại một màu xám xịt không khỏi gợi cảm giác thê lương, ảm đạm. Thế nhưng, chính cái lạnh của mùa đông ấy, đã mang đến cho lễ Giáng sinh với cái tên phổ biến là Noel một ý nghĩa đặc biệt. Ngày nay, lễ Noel đã trở thành một ngày lễ của nhân loại, vì hầu như mọi người: tín hữu hay không, bằng cách này hay cách khác, đều có thể mừng lễ Noel, nhưng có một điều quan trọng rất cần được chú ý, đó là không phải bất cứ ai mừng lễ Noel đều đạt được mục đích chân chính của nó là gặp được Chúa Kitô, “Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,11).

Nhìn lại lịch sử đã hơn 2000 năm từ ngày Chúa giáng sinh có biết bao người đã từng mừng lễ Noel, nhưng họ đã không một lần gặp được Chúa Hài Đồng, dường như họ coi lễ Noel là dịp để được nghỉ ngơi, vui chơi, mua sắm… còn mầu nhiệm Giáng sinh không liên quan gì đến họ cả. Hôm nay chúng ta hãy dừng lại để nhìn vào thực tế cuộc giáng trần của Ngôi Hai Thiên Chúa khi xưa, ngõ hầu gợi lên trong lòng mỗi người niềm vui của Thiên Chúa khi được ở giữa nhân loại  và để thấy được lòng thành tín của Người.

Trình thuật trong Tin Mừng Luca 2, 1-3 với bối cảnh của cuộc điều tra dân số của hoàng đế Augustô, đã khiến cho các nhà chú giải Kinh Thánh đặt lại nhiều câu hỏi về tính xác thực của nó. Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc tiếp Luca 2, 3-7 hẳn soạn giả sẽ cung cấp cho người đọc, những chi tiết, về việc cha mẹ Đức Giêsu phải lặn lội đi bộ ít nhất 4 ngày trên những con đương sỏi đá nguy hiểm để về quê khai lý lịch. Cuộc hành trình đó, khởi đi từ Na-gia-rét thuộc miền Ga-li-lê ở phía bắc nước Do Thái để về Bê-lem thuộc miền Giu-đê-a ở miền nam. Đây là đoạn đường khó khăn nhưng thông dụng nhất cho mọi kẻ lữ hành đã đi theo các trục lộ từ nhiều nơi ở miền Ga-li-lê, qui tụ về phía nam của hồ Ga-li-lê, vượt sông Gio-đan qua bờ phía đông (để hoàn toàn tránh miền đất không thân thiện Sa-ma-ri-a). Khi xuống đến gần thành phố Giê-ri-cô lại phải vượt trở lại phía tây của sông Gio-đan.

Từ đây lên Giê-ru-sa-lem đoạn đường chỉ dài khoảng 25 km, nhưng khách lữ hành sẽ phải băng qua một hoang mạc rộng lớn (dễ sa vào tay bọn cướp, như trong Luca 10, 30-37) trên con đường mòn toàn đất, bụi. Khó khăn hơn nữa là các thánh nhân chỉ có thể đi rất chậm chạp (một phần cũng vì Đức Mẹ đã cận ngày mãn nguyệt khai hoa), phải luôn lên dốc vì độ cao chênh lệch giữa Giê-ri-khô và Giê-ru-sa-lem là khoảng 1,000 mét.

Khi gần đến Giê-ru-sa-lem, thánh Giu-se và Đức Mẹ còn phải rẽ trái để đi về phía nam khoảng 10 km nữa trước khi tới được Bê-lem. Nhưng khó khăn vẫn chưa hết vì các thánh không tìm được chỗ trọ, cuối cùng các ngài đã phải tạm trú qua đêm trong một hang đá, chỗ ẩn náu của chiên lừa trong mùa lạnh. Và chính tại nơi thấp hèn này, Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng trần để cứu nhân loại.

Ngày nay, nếu chúng ta có dịp đi lại hành trình khoảng 145 km từ Na-gia-rét thuộc miền Ga-li-lê ở phía bắc nước Do Thái để về Bê-lem thuộc miền Giu-đê-a ở miền nam, hẳn sẽ mất khoảng hơn 30 giờ đi bộ trên những con đường đước lát đá bằng phẳng. Qua đó, chúng ta sẽ thấy việc hạ sinh của Đức Giêsu và hành trình đến Bê-lem của cha mẹ Người năm xưa vô cùng vất vã. Có thể khẳng định rằng, nếu không có hành trình trên, thì Đức Giêsu không phải là Đấng Mê-si-a, vì Thánh Kinh đã tiên báo Người  phải thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Do đó,  Đấng Mê-si-a nhất thiết phải được sinh ra trên quê hương của vua Đavít. Đó là Bê-lem (tiếng Do Thái là Beth-Lehem, nghĩa là nhà bánh (x. Mc 5,1-2; Mt 2,1)). Việc Đức Giêsu không sinh ra tại Bê-lem thì không sinh ở quê hương của vua Đa-vít và cũng không ứng nghiệm lời ngôn sứ Micah: “nhưng ngươi, Bêlem, Épratha, mặc dù ngươi nhỏ nhất trong các chi tộc của Giuđa, từ nơi ngươi, sẽ xuất hiện cho ta một người, người sẽ chăn dắt trên Ít-ra-en” (Mk 5,1-2).

Vậy, tâm tình mà chúng ta nên có trong tuần bát nhật trước lễ Giáng Sinh hẳn là lời tạ ơn. Bởi lẽ, sẽ không một thai phụ nào dám thực hiện một chuyến đi lành ít dữ nhiều trong những ngày sắp sinh nở như Đức Ma-ri-a. Cũng như mọi người sẽ bảo thánh Giu-se là điên khùng khi dám ủng hộ một quyết định táo bạo kể trên, thế nhưng thánh nhân vẫn nhất quyết làm với lòng yêu mến của người công chính.

Pet  Anh Tài, CSC.

 

Bài viết liên quan

Chút tản mạn về Người môn đệ Đức Giêsu yêu mến

“Ngay từ khi bắt đầu sứ vụ Kế vị Thánh Phêrô, tôi đã nhắc nhở...

Tại sao Kinh Vực Sâu được đọc vào Lễ Giáng Sinh ?

  Trong suốt chu kỳ của năm Phụng vụ, có thể nói, mùa Giáng sinh...

“Hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” là thế nào ?

Câu chuyện Chúa Giê-su giáng sinh tại một hang đá nơi cánh đồng Bê-lem là...

Tản mạn về bản gia phả của Đức Giêsu.

Mùa Vọng đã tạm kết thúc với giai đoạn đầu tiên từ Chúa Nhật thứ...

Học hỏi Phúc âm CN 4 PS A, Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Lời Chúa: Ga 10,1-10 1 “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *