Thánh lễ lúc 3 giờ chiều Chúa nhật hằng tuần tại ngôi thánh đường gần ga JR Yotsuya, quận Kojimachi, Tokyo luôn sống động, với những đứa trẻ nhỏ chạy xung quanh nhà thờ.
Linh mục Giuse Nguyễn Thanh Nhã, SJ, 42 tuổi, đã bắt đầu cử hành Thánh lễ tại đây từ tám năm trước và được cộng đoàn yêu mến gọi là “cha”.
Cha Nhã đến Nhật Bản năm 2009 khi còn là chủng sinh, theo học tại Phân khoa Thần học của Đại học Sophia, có cơ sở Yotsuya nằm cạnh nhà thờ, và các học viện khác trước khi được truyền chức linh mục.
Giáo xứ Thánh Inhaxiô – Kojimachi hiện có thánh lễ bằng sáu ngôn ngữ nước ngoài, bao gồm tiếng Anh, tiếng Indonesia và tiếng Tây Ban Nha.
Nếu trước đây, giáo dân đến từ Hoa Kỳ hoặc Châu Âu chiếm đa số, thì từ thập niên 1980, số tín hữu đến từ Đông Nam Á và Nam Mỹ đã gia tăng rõ rệt.
Để so sánh, dân số người Việt tại Nhật chỉ khoảng 50.000 người vào năm 2012, nhưng đến năm 2024 con số này đã vượt quá 600.000 người.
Thánh lễ tiếng Việt trước đây chỉ được cử hành mỗi tháng một lần, nhưng đến năm ngoái đã tăng lên hai lần mỗi tuần, một số người đã phải đi tàu suốt hai tiếng đồng hồ để tham dự.
“Tôi tin rằng Thánh lễ chạm đến sâu thẳm tâm hồn họ vì được cử hành bằng tiếng Việt,” cha Nhã chia sẻ.
Một nhóm giới trẻ với khoảng 170 bạn hỗ trợ cho Thánh lễ, bao gồm ca đoàn, nhóm phụ trách phát trực tuyến và nhóm chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn.
“Công việc của con rất vất vả, nhưng con luôn mong được đến đây, cùng nhau hát, cùng nhau ăn sau một tuần,” chị Nguyễn Phương Ngọc thành viên ca đoàn, 25 tuổi, làm việc tại một khách sạn ở khu Omotesando, Tokyo, chia sẻ.
Nhiều người trong số họ sau khi cùng nhau phục vụ trong các hoạt động của nhà thờ đã nên duyên vợ chồng. Trong vài năm trở lại đây, nhà thờ chứng kiến khoảng 100 đôi hôn phối mỗi năm.
Cũng ngày càng có nhiều cặp đôi, vì không thể về quê hương, đã chọn tổ chức hôn lễ tại Nhật, với ý định sẽ về thăm gia đình và tổ chức tiệc mừng sau này.
Luật sư và linh mục
Giáo xứ cũng giúp đỡ các trường hợp khó khăn, trong đó có anh Nguyễn Văn Anh, 32 tuổi, lớn lên tại miền Trung Việt Nam trong một gia đình nghèo. Anh đã vay 1,1 triệu yên (khoảng 7.700 đô la Mỹ) để sang Nhật năm 2022 theo diện thực tập sinh kỹ năng.
Là một thực tập sinh kỹ thuật, anh đã làm việc tại một công ty phá dỡ ở tỉnh Shizuoka. Mỗi ngày anh dậy lúc 5 giờ sáng, lãnh lương 116.000 yên/tháng và gửi 85.000 yên về cho gia đình. Sau năm tháng làm việc nhưng không thể trả nổi nợ, anh đã bỏ trốn.
Sau đó, anh làm việc tại một nông trại ở tỉnh Ibaraki, rồi chuyển đến một xưởng tái chế ở tỉnh Chiba, nơi anh phân loại nhôm và các kim loại khác từ đống phế liệu. Dù điều kiện sống rất tồi tệ, anh vẫn tự nhủ rằng như thế còn hơn khi làm thực tập sinh, vì có thể kiếm được khoảng 170.000 yên mỗi tháng.
Tháng 4 năm ngoái, anh bị tai nạn lao động khiến mất hai ngón tay trái và ba ngón tay phải bị thương. Chủ xưởng sợ bị phát hiện thuê lao động bất hợp pháp nên không gọi cấp cứu, mà nhờ người quen chở anh đến bệnh viện sau 5 tiếng.
Bệnh viện đã báo cảnh sát vì anh không có hộ chiếu, dẫn đến việc anh bị bắt và giam giữ 20 ngày, rồi bị chuyển đến cơ sở quản lý xuất nhập cảnh. Tại đây, cha Nhã và một luật sư đã giúp đỡ anh.
Sau khi hoàn tất buổi thẩm vấn liên quan đến tai nạn lao động, anh đã trở về Việt Nam vào tháng Ba.
Tư vấn, không phán xét
Số thực tập sinh kỹ năng đến xin hướng dẫn tại nhà thờ ngày càng tăng. Cuối năm ngoái, một bạn trẻ ở độ tuổi 20 chia sẻ rằng mình bị công ty cho nghỉ việc vì hẹn hò với một thực tập sinh khác, trong khi nơi làm việc cấm chuyện yêu đương.
Nghe theo lời khuyên của cha Nhã, bạn ấy đã nói với tổ chức giám sát rằng mình sẽ tham khảo ý kiến luật sư, và có thể chuyển sang công ty khác.
Một trường hợp đau lòng hơn xảy ra hai năm trước: cha Nhã đã đến nhận tro cốt của một thanh niên 27 tuổi tự tử. Người này không biết tiếng Nhật và bị áp lực vì không thể trả nợ khi sang Nhật.
“Có lẽ em ấy đã phải chịu đựng rất nhiều mà không thể tâm sự cùng ai,” cha Nhã nói. Sáu tháng sau, tro cốt được trao lại cho gia đình.
Nhiều thực tập sinh sau khi về Việt Nam cũng không tìm được việc làm.
“Họ chỉ được thuê khi cần, rồi bị đối xử như đồ vật dùng xong là bỏ,” cha Nhã chia sẻ. Ngài hy vọng có thể đồng hành với những người trẻ đang bị dồn đến bước đường cùng.
“Ban đầu tôi nghĩ làm linh mục thì mọi người sẽ gọi mình là ‘cha’, nhưng giờ tôi mong trở thành một người cha thật sự của mọi người,” ngài nói.
Hình ảnh: Giáo xứ Thánh Inhaxio – Kojimachi, Trung Tâm An Việt
Tâm Bùi
Chuyển ngữ từ: asahi.com
Bài viết liên quan
Thông điệp giả mạo Đức Giáo hoàng gửi Tổng thống Burkina Faso
Một bài phát biểu dài 36 phút bằng tiếng Anh, được tạo ra bằng trí...
Cha sở Công giáo ở Gaza đề cao sự gần gũi của Đức Thánh cha Lêô XIV
Cha Gabriel Romanelli, cha sở giáo xứ Công giáo duy nhất ở Gaza nêu bật...
Buổi Tiếp kiến chung đầu tiên của Đức Thánh cha Lêô XIV
Sáng thứ Tư, ngày 21 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh cha Lêô XIV đã...
ĐTC Lêô XIV nói với các Đại học Châu Mỹ: Hãy là những cây cầu hội nhập
Trong Sứ điệp video gửi đến các viện trưởng của các đại học tham gia...
Đức Hồng y Ferrao mong muốn Đức Thánh Cha Lêô XIV tham dự Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu
Đức Hồng Y Filipe Neri Ferrão, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu...
Phát biểu của Đức Hồng y Parolin tại Liên Hiệp Quốc về Đức Giáo hoàng Lêô XIV
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên bố rằng: “Đức Giáo...