TÌNH YÊU VẪY GỌI

Paulthem, CSC

Trong hành trình đức tin, tình yêu không chỉ đơn thuần là một cảm xúc mơ hồ hay một ý niệm thiêng liêng, nhưng là nguồn động lực sâu xa và mãnh liệt, nhằm thúc đẩy con người “bước ra khỏi bản thân” để dấn thân phục vụ tha nhân. Tình yêu ấy khởi đi từ chính Thiên Chúa, được tỏ lộ một cách trọn vẹn nơi Đức Kitô, và được tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta qua quyền năng Thánh Thần. Khi một người thật sự cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, họ không thể giữ lại cho riêng mình, nhưng sẽ được thúc đẩy từ bên trong để trao ban, để chia sẻ và để phục vụ một cách tự nguyện, vô vị lợi và tràn đầy niềm vui. Tình yêu ấy làm cho việc phục vụ không còn là một bổn phận nặng nề hay một nghĩa vụ bị áp đặt, mà trở nên một chọn lựa tự do và một niềm vui sâu thẳm. Chính tình yêu ấy giúp chúng ta vượt qua mọi sự khác biệt, phá bỏ mọi rào cản, để có thể nhìn tha nhân bằng ánh mắt nhân hậu và trái tim cảm thông. Hơn nữa, tình yêu đích thực khơi lên trong lòng chúng ta một tinh thần quảng đại vượt lên trên giới hạn tự nhiên, để chúng ta dám cho đi, dám hy sinh, ngay cả những điều quý giá nhất.

Ba đặc tính nổi bật mà tình yêu mang lại cho việc phục vụ có thể được nhận thấy rõ ràng, đó là: (1) Tình yêu làm cho việc phục vụ trở nên tự nguyện và đầy niềm vui. Khi tình yêu là động cơ, việc cho đi không còn là gánh nặng, mà là niềm hạnh phúc sâu xa. (2) Tình yêu xoá tan mọi ranh giới phân biệt trong phục vụ. Khi yêu thương chân thành, chúng ta sẽ không nhìn vào địa vị, sắc tộc hay hoàn cảnh, mà chỉ nhìn thấy con người. Và (3) tình yêu khơi dậy lòng quảng đại vượt trên khả năng tự nhiên. Khi tình yêu là ngọn lửa dẫn đường, chúng ta sẽ được thôi thúc vượt qua chính mình để sống hiến dâng trọn vẹn.

1. Phục vụ trong tình yêu

Phục vụ, đối với mỗi người chúng ta, không phải chỉ là một hành động bên ngoài, nhưng là biểu hiện sống động của tình yêu Thiên Chúa đang hiện diện trong lòng mình. Khi một hành vi phục vụ được khởi phát từ tình yêu chân thành, nó sẽ trở thành một hành động dâng hiến trọn vẹn, vượt lên trên mọi tính toán, lợi ích hay áp lực xã hội. Thánh Phaolô khẳng định: “Ai cho thì hãy cho cách vui lòng, vì Thiên Chúa yêu thích người cho đi cách vui lòng” (2Cr 9,7). Ở đây, niềm vui không phải là phần thưởng sau khi cho đi, nhưng là dấu chỉ sống động cho thấy hành động ấy bắt nguồn từ tình yêu. Ngược lại, khi thiếu vắng tình yêu, việc phục vụ sẽ dễ dàng trở thành gánh nặng, sự ép buộc, hoặc là phương tiện tìm kiếm công trạng và sự nhìn nhận. Nhưng khi có tình yêu, ngay cả một hành động nhỏ bé cũng trở nên quý giá, bởi được thực hiện trong tự do, với một trái tim chan chứa niềm vui. Điều này được Giáo lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định:“Đức ái sinh hoa trái là niềm vui, bình an và lòng thương xót” (GLHTCG, 1829). Như vậy, niềm vui ấy không phải là cảm xúc chóng qua, mà là trạng thái nội tâm bình an khi chúng ta sống đúng với căn tính yêu thương mà Thiên Chúa đã đặt để trong lòng chúng ta.

Nếu tình yêu là gốc rễ, thì phục vụ là hoa trái tự nhiên. Một cây tốt sẽ sinh trái ngọt lành. Tình yêu đích thực không giữ lại cho riêng mình, nhưng luôn vươn ra để trao ban, cúi xuống để đón nhận tha nhân. Và chính trong sự trao ban ấy, chúng ta tìm được niềm vui sâu thẳm, đó là niềm vui mà thế gian không thể ban tặng và cũng không thể lấy đi. Tấm gương sống động của mẹ thánh Têrêsa Calcutta là một minh chứng hùng hồn cho chân lý ấy. Cả cuộc đời mẹ thánh đã hiến dâng cho người nghèo, người bệnh, người bị bỏ rơi không phải như một nghĩa vụ, mà như một hành trình yêu thương không mỏi mệt. Mẹ từng nói: “Chúng ta không thể làm những điều lớn lao, chỉ có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu lớn lao”. Vâng, chính tình yêu đó làm nên giá trị thiêng liêng của từng hành động phục vụ, dù đơn sơ nhất.

Vậy, khi chúng ta phục vụ với cả tình yêu, chúng ta sẽ không còn lệ thuộc vào hoàn cảnh nữa. Dù công việc có âm thầm, nhỏ bé hay không được ghi nhận, chúng ta vẫn có thể làm với một trái tim hân hoan. Bởi khi ấy, mục tiêu không còn là kết quả bên ngoài, mà là sự kết hợp nội tâm với tình yêu của Thiên Chúa và lòng mến dành cho tha nhân. Và trong ánh sáng ấy, chúng ta có thể nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô nơi từng người mà chúng ta đang phục vụ. Hơn nữa, trong đời sống thánh hiến, điều này lại càng rõ rệt. Trong từng việc nhỏ như quét nhà, chăm sóc bệnh nhân, dạy học, hay lao động tay chân, … nếu được thực hiện bằng trọn cả tình yêu, đều trở nên một của lễ đẹp lòng Thiên Chúa. Đó không còn là một công việc, mà là hiến lễ được dâng lên Thiên Chúa với cả tâm hồn vui tươi. Như lời Chúa Giêsu dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Và đó cũng là cách mà chúng ta sống trọn vẹn ơn gọi thánh hiến bằng việc dâng hiến bản thân trong từng hành động phục vụ, với trái tim yêu thương và bình an.

2. Tình yêu xóa đi sự phân biệt

Trong xã hội loài người, những ranh giới và phân biệt về chủng tộc, địa vị, tài sản, học thức hay tôn giáo từ lâu đã trở thành những bức tường ngăn cách, tạo ra sự chia rẽ và loại trừ giữa người với người. Tuy nhiên, Tin Mừng Đức Giêsu Kitô đến để phá vỡ mọi bức tường đó. Thánh Phaolô khẳng định một cách rõ ràng:“Trong Đức Kitô, không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do” (Gl 3,28). Lời khẳng định ấy không chỉ là nguyên lý thần học, mà còn là lời mời gọi cụ thể trong đời sống phục vụ của người Kitô hữu. Khi tình yêu đích thực ngự trị, mọi ranh giới bị xoá mờ, mọi khoảng cách bị san bằng, và mọi con người được nhìn nhận trong phẩm giá bình đẳng là hình ảnh của Thiên Chúa. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cũng dạy:“Sự bình đẳng căn bản giữa mọi người đòi hỏi phải được biểu hiện trong việc tôn trọng và phục vụ lẫn nhau” (GLHTCG, 1931). Như vậy, tình yêu Kitô giáo không chỉ là cảm xúc, mà là một thái độ sống, một hành động cụ thể hướng đến tha nhân. Phục vụ trong tình yêu đích thực không đặt câu hỏi người đó là ai, thuộc tầng lớp nào, có xứng đáng hay không, mà chỉ đặt một vấn đề duy nhất: họ là người anh chị em mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta để yêu thương. Chính trong hành động phục vụ như thế, chúng ta thực thi điều răn mới mà Đức Giêsu để lại:“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Như vậy, tình yêu đích thực xóa đi sự phân biệt bởi vì nó bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng yêu thương tất cả và không phân biệt. Khi chúng ta phục vụ với tình yêu của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nhìn thấy trong mỗi con người dù là kẻ nghèo hèn, bệnh tật, tội lỗi hay thấp kém nhất như là một hình ảnh sống động của Đức Kitô. Gương sáng của thánh Phanxicô Assisi là một minh chứng hùng hồn. Từ một chàng thanh niên con nhà giàu khinh bỉ người phong cùi, nhưng nhờ ơn hoán cải, Phanxicô đã dám bước đến, ôm lấy và hôn người phong cùi (đó là một hành động mà xã hội thời ấy coi là ô uế, coi là kinh tởm). Tại sao vậy? Vì rằng, thánh nhân đã khám pha ra “mầu nhiệm” bí ẩn, và ngài nói:“Tôi đã nhìn thấy nơi họ khuôn mặt của Đức Kitô”. Vâng, chính nhờ tình yêu đó mà Phanxicô đã vượt qua mọi ranh giới giai cấp, thân phận và thành kiến xã hội, để phục vụ những con người bị ruồng bỏ với sự trân trọng và yêu thương như phục vụ chính Đức Giêsu. Hơn nữa, trong đời sống thánh hiến, đây lại là một đòi hỏi thiết yếu. Nơi cộng đoàn hay sứ vụ, nếu tình yêu còn bị pha lẫn bởi sự phân biệt, đối xử tốt hơn với người thân cận, người có chức vị, hay người hợp tính, … thì đó chưa phải là tình yêu của Đức Kitô. Tình yêu chân thực phải đủ sức phá vỡ mọi ranh giới, đủ khiêm tốn để cúi xuống “rửa chân” cho người khác, và đủ đại lượng để đón nhận tất cả mọi người như nhau. Vì vậy, chúng ta được mời gọi phục vụ không loại trừ ai: từ người nghèo khổ, bệnh tật đến người lỗi lầm, yếu đuối; từ người dễ thương, dễ gần, dễ mến đến người khó ưa, khó chiều, khó chịu, … bởi vì chính Đức Kitô cũng đã yêu thương và phục vụ mọi người như thế: không có sự phân biệt trong tình yêu, vì tình yêu đích thực không đo lường, không tính toán, không lựa chọn. Như vậy, tình yêu còn giúp chúng ta vượt qua những giới hạn tự nhiên, thành kiến xã hội và cảm xúc cá nhân. Nó thôi thúc chúng ta đến với những người bị loại trừ, bị khinh bỉ, hay bị quên lãng vì nơi họ, có Đức Kitô đang chờ đợi. Khi nhìn bằng đôi mắt của tình yêu, mọi khác biệt đều trở thành cơ hội để yêu thương, để phục vụ và để hiệp thông.

Tóm lại, chính tình yêu làm cho việc phục vụ trở nên vô điều kiện, không phân biệt, không tính toán. Càng yêu mến Đức Kitô, chúng ta càng dễ dàng nhận ra hình ảnh Ngài nơi mỗi người anh chị em, và càng can đảm cúi xuống phục vụ họ trong cùng một phẩm giá với lòng trân trọng. Khi ấy, đời sống của chúng ta không chỉ là dấu chỉ của Nước Trời, mà còn là bằng chứng sống động cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa giữa trần gian.

3. Tình yêu khơi dậy lòng quảng đại

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói với người phụ nữ tội lỗi khi cô lấy dầu thơm quý giá xức chân Ngài:“Ai yêu nhiều thì làm được nhiều điều” (x. Lc 7,47). Tình yêu là sức mạnh nội tâm kỳ diệu, giúp chúng ta làm được những việc vượt ngoài khả năng tự nhiên của mình, chấp nhận hy sinh, gian khổ, thậm chí cả mạng sống vì người mình yêu.

Việc phục vụ bác ái là một trong những biểu hiện thiết yếu của tình yêu (x. GLHTCG, 2447). Bác ái đích thực không phải là ban phát của dư thừa, cũng không dừng lại ở những hành động bổn phận hay cho có, mà chính là sự trao ban chính mình. Khi tình yêu thực sự lớn lên, chúng ta sẽ không còn tính toán, so đo, mà sẵn sàng cho đi tất cả, kể cả những gì quý giá nhất. Tình yêu đích thực luôn làm cho chúng ta vượt lên trên bản thân. Nó mở rộng giới hạn tự nhiên của con người, phá vỡ sự an toàn, tiện nghi, và khuynh hướng quy ngã. Khi chúng ta sống bằng tình yêu của Đức Kitô, chúng ta sẽ nhận ra rằng sức mạnh của mình không đến từ bản thân, mà đến từ tình yêu và ân sủng Thiên Chúa. Điều tưởng như không thể, trở thành có thể; điều vượt quá sức chúng ta, lại được hoàn tất nhờ lòng quảng đại phát xuất từ tình yêu.

Thánh Maximilian Kolbe là một chứng nhân hùng hồn cho chân lý này. Trong trại tập trung Auschwitz, nơi sự sống con người bị chà đạp không thương tiếc khi một người bạn tù bị kết án chết đói, Thánh Maximilian Kolbe đã bước lên và nói với viên cai ngục:“Tôi xin chết thay cho anh ấy”. Ngài không làm điều ấy chỉ vì nhân đạo hay nghĩa khí, mà chính là vì tình yêu Đức Kitô, tình yêu khiến ngài sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống để cứu một người anh em xa lạ. Chính tình yêu đó đã làm cho một con người mỏng dòn trở thành anh hùng, một hành động vượt trên mọi chuẩn mực nhân loại, trở thành chứng tá sống động cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Hơn nữa, trong đời sống thánh hiến, tình yêu đó càng phải là động lực cho lòng quảng đại. Khi yêu mến Thiên Chúa cách nồng nàn, chúng ta không dừng lại ở những việc dễ làm, những điều vừa sức, mà sẵn sàng nhận lấy những trách nhiệm nặng nề, những công việc thầm lặng hay những sứ vụ gian khó, không phải vì nghĩa vụ mà vì lòng yêu mến. Càng yêu Chúa, chúng ta càng cảm thấy không thể sống cho riêng mình, mà phải trở thành của lễ cho Thiên Chúa và cho anh chị em. Lòng quảng đại ấy không phải là sự liều lĩnh mù quáng, mà là một thái độ tín thác trọn vẹn vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Khi chúng ta sống trong tình yêu đó, chúng ta sẽ nghiệm thấy như thánh Phaolô:“Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13).

Chính vì thế, tình yêu khơi dậy nơi chúng ta khả năng trao hiến không giới hạn, sức chịu đựng bền bỉ và lòng nhiệt thành không mỏi mệt. Đó là bí quyết giúp bao thế hệ người sống đời thánh hiến dám sống nghèo khó, dấn thân vào vùng sâu vùng xa, chấp nhận thiệt thòi, chịu hiểu lầm, thậm chí đối diện với bách hại,… tất cả vì lòng yêu mến một Đức Kitô và các linh hồn.

Tóm lại, tình yêu chính là động lực nội tâm làm cho việc phục vụ trở nên tự nguyện, vui tươi, vượt qua mọi ranh giới và khơi dậy lòng quảng đại vượt khả năng con người. Khi phục vụ với tình yêu, chúng ta không còn bị giới hạn bởi bổn phận hay tính toán, nhưng dấn thân một cách trọn vẹn vì lòng yêu mến Thiên Chúa và anh chị em mình. Chính tình yêu ấy đã thúc đẩy Đức Giêsu Kitô, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

Bài viết liên quan

12 năm trọn vẹn nghĩa tình

Angelo Trần Thương nhớ ngài, Đức Thánh Cha Phanxico rất kính mến của chúng con!...

Mất và thấy

Ốc Trần Tôi là một người phụ nữ nhan sắc tuyệt vời, khó để tìm...

Ẵm con trong vòng tay Mẹ

Angelo Trần Thứ bảy tuần thánh, Giáo hội không cử hành bất cứ một nghi...

Những lưỡi gươm trong trái tim Mẹ

Maria Gioan XXIII Phụng vụ Lời Chúa trong tuần thánh, từng bước cho chúng ta...

Giờ ly biệt

Thứ sáu tuần thánh, Giáo hội ở lặng cùng với Đức Giêsu Kitô trên thánh...

Duyên hạnh ngộ của ông Simon và bà Veronica trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu

Angelo Trần Giáo hội đang bước vào những ngày đặc biệt nhất của năm phụng...