Tại sao Kinh Vực Sâu được đọc vào Lễ Giáng Sinh ?

 

Trong suốt chu kỳ của năm Phụng vụ, có thể nói, mùa Giáng sinh là mùa thi vị và đặc biệt nhất, với những bản thánh ca bất hủ đã ghi dấu ấn sâu đậm trong ký ức và tâm thức bao người. Tình yêu của một Thiên Chúa làm người trong “Đêm thánh vô cùng”, đã dẫn đưa nhân loại đi vào quỹ đạo của “Hội nhạc thiên quốc” để tấu vang giai điệu “Cao cung lên”.. Cùng với đó, mùa Giáng sinh dễ đem nhiều người đến với niềm vui. Niềm vui vì những trang hoàng rực rỡ, niềm vui của âm nhạc, của những sự kiện, của những cuộc gặp gỡ và sự nhộn nhịp của trao đổi mua bán. Người ta dễ dàng nở một nụ cười với nhau hơn. Giáng Sinh cũng là dịp người ta trao cho nhau những món quà, cánh thiệp, để diễn tả yêu thương hay để tỏ lòng biết ơn. Tất cả sắc màu của Giáng Sinh làm cho con người có được niềm vui cách nào đó. Thế nhưng, giữa những rộn ràng và ngọt ngào của mùa Giáng Sinh, phụng vụ Giáo Hội lại cho chúng ta đọc kinh vực sâu (Tv130) trong suốt tuần bát nhật Giáng Sinh. Phải chăng có sự nhầm lẫn trong việc sắp xếp các thánh vịnh trong phụng vụ giờ kinh, hoặc Giáo Hội muốn dạy cho con cái mình điều gì trong mùa hồng ân này? Đó là thao thức mà người viết luôn mong có lời giải đáp, ngõ hầu có cơ may hiểu và sống đúng tinh thần mà Giáo Hội mong ước.

Nếu chúng ta để ý sẽ thấy, trong suốt kinh chiều II của tuần bát nhật Giáng Sinh, Giáo Hội luôn đọc Thánh vịnh 130, kể cả lễ Thánh Gioan Tông đồ, lễ Các Thánh Anh Hài…Ngoài ra, Thánh vịnh 130 còn được Giáo Hội hát trong lễ Truyền Tin, mừng biến cố Con Thiên Chúa ngự trong cung lòng Đức Maria.

Thánh Vịnh 130 (129):
Tiếng kêu từ vực thẳm

 Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy CHÚA,

muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
Dám xin Ngài lắng tai để ý
Nghe lời con tha thiết nguyện cầu.

Ôi lạy CHÚA, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng?

Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ
để chúng con biết kính sợ Ngài.

Mong đợi CHÚA, tôi hết lòng mong đợi,
cậy trông ở lời Người.

Hồn tôi trông chờ Chúa,
hơn lính canh mong đợi hừng đông.
Hơn lính canh mong đợi hừng đông,

trông cậy CHÚA đi, Ít-ra-en hỡi,
bởi CHÚA luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en
cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.

Trong truyền thống Do Thái và trong bộ Kinh Thánh Công Giáo, thì Thánh vịnh 130 thuộc bộ các thánh vịnh lên đền (Tv120-134) : trước hết, đây có thể là bài ca của người Do Thái xưa đã dùng khi hành hương lên Giêrusalem. Thứ đến, trong truyền thống phụng vụ và bình dân của Giáo Hội, Thánh vịnh này được đọc để cầu cho người qua đời (kinh Vực Sâu), vì thế, chúng ta thấy Thánh vịnh mang vẻ buồn thảm ( vực sâu, tội lỗi, kêu cứu…).

Thêm vào đó, Thánh vịnh 130 được đọc trong tâm tình thống hối với ý thức tội lỗi và sự yếu đuối của con người. Quả vậy, Thiên Chúa chí thánh vượt xa con người phàm trần tội lỗi. Ý thức được sự bất xứng của mình, tác giả Thánh vịnh vẫn cả dám thân thưa với Chúa. Lời van nài của ông như vọng lên từ đáy vực sâu, và ông vẫn tin rằng Chúa sẽ nghe lời kinh thống thiết ấy. Không mặc cảm vì thân phận phàm hèn, chẳng thất vọng vì Chúa ngàn trùng xa cách, người tín hữu đang gặp thử thách gian nan vẫn vững lòng cậy trông và tin rằng Chúa sẽ nhận lời cầu nguyện của họ. Dẫu biết rằng tiếng kêu của mình giống như tiếng kêu từ vực thẳm, điều mà trong thế giới loài người tưởng chừng như vô nghĩa và vô vọng, tác giả vẫn chắc chắn rằng Chúa sẽ lắng nghe. Sau hết, như chúng ta biết, cuộc đời này như một vực thẳm của phận người, khi chúng ta mãi chạy theo vòng quay được mất hơn thua. Và khi Đức Giêsu nhập thể trong cuộc đời này, Ngài cũng đi vào vực thẳm đó với chúng ta. Do vậy, truyền thống phụng vụ của Giáo Hội đọc Thánh vịnh này trong biến cố Nhập Thể của Con Thiên Chúa . Qua đó, chúng ta thấy việc đọc Thánh vịnh 130 trong lễ Giáng Sinh, chỉ là một trong bốn cách đọc mà Giáo Hội muốn dạy cho con cái.

Sau khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu đến trong trần gian, vì “nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa Chúng ta.”(Rm 5,21). Chính Đức Giêsu đi vào vực thẳm nhân sinh của đau khổ tội lỗi nơi phận người như chúng ta, để đau nỗi đau của con người trong thung lũng đầy nước mắt này. Vì thế Thánh vịnh 130, có thể nói, cũng là Thánh vịnh của Đức Giêsu với tư cách con người. Qủa thế, chính Ngài sẽ đi vào vực thẳm tội lỗi của con người, để giải thoát chúng ta khỏi cảnh hư nát do tội gây nên, và đưa chúng ta vào chung hưởng tự do và vinh quang.(x. Rm 8,21).

Mừng Lễ Giáng sinh, mừng biến cố Con Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại, đi vào cuộc đời mỗi người. Dù tin hay không tin chúng ta đã ghi ngày tháng năm sinh của mình dựa theo niên đại của Ngài. Tin hay không chúng ta sử dụng niên lịch của Ngài để làm nên cuộc đời của mình và thế giới. Dù “vực thẳm bóng tối” của hỗn mang dang dở, đôi khi làm cho lịch sử chao đảo, bất túc, nhưng sở vọng tình thương của Thiên Chúa vẫn được đảm nhận. Thiên Chúa đã đi bước trước để yêu bằng việc mang lấy hình hài của nhân loại hữu hạn trong dáng dấp của một hài nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn để nên giống con người “Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người” (Thánh Irêne). 

Pet Anh Tài, CSC.

Tham khảo Như hương trầm, Lm. Hoàng Đắc Ánh và Trần Phúc Nhân, tủ sách Đại Kết 1997.