Tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn, lôi cuốn đối với biết bao thế hệ con người. Văn chương, nghệ thuật nói hay mô tả về tình yêu với biết bao cách, thế mà chưa thật sự có ai nói hết được về tình yêu. Nói về tình yêu, được xưng là ông hoàng của thơ tình, nhà thơ Xuân Diệu, cũng mơ màng mờ mịt với tình yêu:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…”[1]
(Trích Vì sao – Xuân Diệu)
Kiên Vũ, CSC
Tình yêu con người – thứ tình yêu hữu hạn ấy – mà ta còn chưa thể thấu tỏ, thì ta biết nói thế nào về tình yêu vĩnh cửu và vô biên của Đấng Tuyệt Đối. Kinh Thánh là một trong những tuyệt tác về tình yêu mà con người có được, diễn tả một mối tình muôn thuở, mối tình đẹp nhất thế gian. Đó là mối tình giữa Thiên Chúa và con người. Từ khi tạo dựng con người, mối tình ấy đã chớm nở, và cho đến thời của Đức Kitô thì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16) và thật sự, Thiên Chúa đã tỏ tình với con người ngang qua Con của Người là Đức Giêsu và nhờ đó mà tình yêu của Thiên Chúa đối với con người đã nên trọn hảo. Tình yêu của Thiên Chúa từ đó trở nên mẫu gương cho tình yêu con người. Con tim xác thịt của Chúa từ đó cũng đã đập những nhịp đập ái tình đầu tiên.
“Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở,
nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương.”
(Gr 31,3)
Từ ngàn xưa Chúa đã yêu con người, con tim Chúa đã rung động mối tình ấy ngay từ phút giây đầu của tạo dựng. Vậy nên các nhà thần học xưa nay vẫn nói rằng, chính vì yêu thương mà Chúa đã dựng nên con người, hầu thông ban tình yêu ấy cho con người – thụ tạo mà Chúa đặt trọn lòng yêu thương của Ngài. Khi ngắm lại công trình cứu độ lịch sử, chúng ta không thể không thán phục tình yêu nhẫn nại, vị tha và nồng cháy hết mực ấy của Ngài. Qua suốt chiều dài của lịch sử, Chúa vẫn một lòng yêu con người với một tình yêu son sắt, dù cho con người luôn phản bội, bất trung. Chiều kích trường cửu, không thể thay đổi của lòng trung thành của Thiên Chúa là một phẩm chất tuyệt vời của tình yêu nơi Ngài. Ngài là Cha của tất cả mọi người được tạo dựng, người Cha đã luôn bày tỏ lòng yêu thương chúng ta trước và dấn thân mãi mãi cho tình yêu ấy. Chính nhờ Tình Yêu vĩnh cửu và kiên trì này mà chúng ta có thể làm triển nở và làm mới lại mối quan hệ với Chúa và với tha nhân. Khi chiêm ngắm tình yêu lúc nào cũng như thuở ban đầu của Thiên Chúa, chúng ta ý thức được sự hữu hạn và hay thay đổi của chính mình, đồng thời cảm phục trước con tim dịu hiền, nhân lành của Ngài đối với chúng ta.
Cho đến khi con tim Chúa đập những nhịp đập thật sự, mang hình hài của con người, tức là chính Thánh Tâm Chúa Giêsu, thì con tim yêu thương ấy lại càng thổn thức với nhân loại hơn. Ta chẳng lạ khi bắt gặp đâu đó những mảnh ghép của tình yêu mà Thánh Tâm Chúa đã thể lộ rõ ràng: Chúa đã khóc nức nở vì thương anh Lazarô khi anh chết[2], Chúa đã tỏ lòng thương yêu với những người bệnh tật, tội lỗi khi chữa lành cho người phụ nữ ngoại tình, chữa lành người đàn bà bị băng huyết đã 38 năm,… hay là hình ảnh Chúa tha thứ cho kẻ đã giết mình trên cây thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34) và đỉnh điểm là Chúa trao hiến chính mình nơi Bí tích Thánh Thể để làm lương thực nuôi sống con người. Tình yêu Chúa thật sự là một tình yêu trao hiến, tình yêu cho đi cách nhưng không.
Thánh Tâm còn chứa đựng tình yêu chân thực, là tình yêu vị tha, là tình yêu hiến trao trọn vẹn, không tính toán chi li, không ích kỷ vụ lợi. Chúa đã yêu ta bằng cả mối tình cao đẹp vị tha ấy. Khi đến với con người, Chúa không giữ lại cho mình bất cứ điều gì mà thực sự đã trao hiến thứ quý giá nhất của Ngài. Thiên Chúa không phải chỉ trao cho con người một quà tặng hay một cái gì ở ngoài mình, nhưng là trao đi một điều thiết thân và quý báu. Ðiều quý báu nhất của Thiên Chúa Cha ở đây chính là Ðức Giêsu Kitô, người Con duy nhất của Ngài. Khi trao Ðức Giêsu Kitô cho chúng ta, Thiên Chúa đã trao cho ta chính bản thân của Ngài. Ngài chấp nhận Con Một của Ngài phải chết treo trên thập giá để cho chúng ta được sống. Tình yêu chân thực là thế đó, chẳng hề biết giữ lại cho mình.
Có một câu chuyện xưa bên Nhật kể lại rằng: Năm 1597, lệnh bắt đạo ở bên Nhật Bản thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở của đạo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân thì bị phân tán và khủng bố thậm tệ. Tại vùng Odawakura, người ta bắt được hai linh mục cùng nhiều ảnh tượng. Quan đại thần nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh kỳ cục: người gì mà để trái tim ra bên ngoài. Tsukamoto là một nhà Nho uyên thâm, có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh ngẫm nghĩ, chắc phải có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn ngồi bất động với mẫu ảnh trước mặt. Mãi đến một giờ sáng, vị đại thần mới thở nhẹ nhõm khoan khoái tay cầm bút lông ghi dưới tấm ảnh mấy chữ: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả.” Rồi ông đặt mẫu ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu cách kính cẩn trên bàn làm việc. Một hôm, người bạn đến chơi thấy vậy hỏi: “Thế nào, ông bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?” Vị quan trả lời: “Lệnh của triều đình tôi không dám phản kháng, nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích mẫu ảnh này. Phải chăng đây là bức ảnh nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo? Ông bạn nghĩ thử coi: đối với thiên hạ tha nhân bên ngoài thì hữu tâm, còn đối với bản thân mình thì vô tâm. Cho nên họ mới vẽ trái tim lộ ra bên ngoài. Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình ra phục vụ xã hội, giúp ích cho đời. Còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Nội dung bức ảnh này tôi thấy đầy đủ hơn cả bài học từ bi của Đức Phật, khoan dung hơn đức nhân của Khổng Tử, cao siêu hơn cái vô ngã của Lão, mạnh hơn cái dũng của thần đạo Nhật Bản. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm tới tư lợi, quả là điều ngay chính của thiên hạ.”[3] Tích chuyện xưa như thế cũng phần nào cho thấy được sự cao cả nơi tình yêu của Thánh Tâm. Đó cũng là cách mà Thánh Tâm Chúa bày tỏ tình yêu với con người: Là con tim sẵn sàng mở ra, sẵn sàng chịu thương tổn, sẵn sàng cho đi mà không chút giữ lại cho riêng mình. Con tim ở ngoài lồng ngực là con tim không còn thuộc về mình nữa, nhưng thuộc trọn về tha nhân.
Hơn thế nữa, Chúa yêu ta tha thiết với sự tha thứ khoan hậu không thể đong đếm được. Đó tình yêu còn hơn cả tình yêu từ mẫu của một người mẹ dành cho con mình: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49,15) Một tình yêu còn không biết đến sự bội phản, dẫu con người luôn luôn phản bội lại tình yêu ấy của Thiên Chúa. Vì chính Chúa đã đặt con người vào trong lòng bàn tay Người, để yêu thương trọn vẹn, tha thứ hết tình.[4] Điều Chúa cần nơi con người chỉ là sự trở về, sự hoán cải nội tâm và trung thành với giao ước của Người. Cho đến thời Tân ước, thì đòi hỏi của Chúa nơi con người hệ tại cũng ở tình yêu, vì chỉ nhờ tình yêu, mà người ta nhận ra chúng ta là môn đệ của Người.[5]
Tóm lại, Thánh Tâm Chúa Giêsu thật sự là mẫu gương cho tình yêu nhân loại. Thánh Tâm không chỉ là biểu tượng của tình yêu Chúa, nhưng còn chứa đựng chính tình yêu vô biên ấy, và là nơi thể hiện, tuôn đổ tình yêu cho con người. Khi tôn kính Thánh Tâm, ta không tôn kính một trái tim đơn thuần, nhưng tôn kính tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Nơi suối nguồn Thánh Tâm, ta kín múc tình yêu không bao giờ vơi cạn của Ngài, học được cách sống tình yêu trọn vẹn mà Chúa đã đòi hỏi nơi môn đệ của Người. Như thánh Magarita Maria đã nói: “Những kho tàng ơn phúc và ân sủng trong Thánh Tâm thật vô cùng,”[6] chúng ta cần luôn biết tận dụng kho tàng quý báu ấy hầu giúp ích cho chính mình và những người xung quanh. Sách Châm ngôn đã viết: “Ước chi ân tình và tín nghĩa chẳng hề lìa xa con, nhưng nên như vòng con đeo vào cổ, và được con ghi khắc tận đáy lòng.” (Cn 3,3) Như Thiên Chúa hằng trân trọng và yêu thương ta, hằng khắc ghi ta vào trái tim Người thế nào, thì ta hãy lấy đó mà cư xử với Thiên Chúa. Khi sống theo gương tình yêu của Chúa, chúng ta không sống bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng bằng hành động cụ thể, bằng đời sống chứng tá của chính mình.
Tham khảo:
[1] X. Tuyển tập Tự lực văn đoàn (tập III), NXB Hội nhà văn, 2004.
[2] X. Ga 1,1-45
[3] Dòng Thánh Tâm Huế, Câu chuyện về bức ảnh Thánh Tâm, Xét mình hằng ngày.
[4] X. Is 49,16
[5] X. Ga 13,35
[6] Louis Verheylezoon, SJ. Tôn sùng Thánh Tâm, tr. 14.
Bài viết liên quan
Tại sao Thánh Tâm Chúa Giêsu lại bừng cháy lên?
Hình ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu bừng cháy xuất phát từ những mặc khải tư...
Th3
Đức giáo hoàng đã cung hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa khi nào?
Vào năm 1899, Đức Giáo hoàng Lêo XIII đã cung hiến thế giới cho Thánh...
Th1
3 dòng suối chảy ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu
3 DÒNG SUỐI CHẢY RA TỪ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU Thánh Magarita Maria Alacoque...
Th12
Thánh Thể xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Thánh Thể xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Giêsu Tình yêu của Chúa Giêsu tuôn...
Th12
Việc sùng kính Thánh Tâm mở lòng ta ra với Chúa
Việc sùng kính Thánh Tâm mở lòng ta ra với Chúa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô...
Sùng kính Thánh Tâm là yêu mến Thánh Thể
Trong một bức thư, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích bằng cách...