Hành trình tạo “điểm nhấn tích cực” trong đời sống người tu sĩ Thánh Tâm

“Hãy cố gắng trở thành người chiến thắng của tình huynh đệ!”

Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ vào ngày 5/11/2022 với giới trẻ tại Bahrain. Quả thế, khi đứng trước sự phát triển như vũ bảo của các  thiết bị và công nghệ hiện đại, chúng ta dường như vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn. Bởi lẽ, những thứ kể trên, chưa thật sự làm cho thế giới của chúng ta trở nên hòa bình và huynh đệ. Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắn gởi các bạn trẻ tại Bahrain là hãy dành thời gian và những món quà của mình cho những người khốn khó và hãy tạo điểm nhấn tích cực trên cuộc hành trình của mỗi người bằng cách quan tâm đến tha nhân.

312617266 628765138974768 141755815803691117 n

Thật bất ngờ và thú vị khi những tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cho giới trẻ Bahrain lại được hiện thực hóa cách cụ thể với những anh em học viện Dòng Thánh Tâm Huế. Hành trình tạo “điểm nhấn tích cực” của anh em học viện được diễn ra ngay trong tối ngày 5/11/2022, sau vài giờ kể từ bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô với giới trẻ Bahrain. Sau giờ cơm tối của tu viện, những chuyến xe mang thông điệp yêu thương của anh em học viện bắt đầu len lỏi tới những góc khuất của vùng ngoại biên, để đến với bao mảnh đời đang bươn chải kiếm sống khi ánh đèn bên mâm cơm gia đình của người khác đã tỏ rạng. Tuy những phần quà được gởi trao cho mọi người chẳng đáng là gì, nhưng chắc hẳn cũng đủ để anh em học viện nhận lại bao điểm nhấn tích cực trong hành trình dâng hiến của mình. Hình ảnh những cụ già neo đơn, những người bại liệt, những bà mẹ đơn thân, những bác xe thồ, những cô gánh hàng rong…vui mừng hạnh phúc thể hiện rõ trên khuôn mặt khi nhận được những món quà bất ngờ ngay giữa lúc đêm tối mưa gió, đã trở nên chất keo kết dính đời tu với sứ vụ của người tu sĩ ngang qua chiều kích mục vụ tông đồ.

z3861404986802 7e50e1d8eb9a593f1693367bb527b172

“Ai cho tôi tình yêu của ngày thơ ngày mộng

Tôi xin dần vòng tay mở rộng

Và đón người đi vào tim tôi

Bằng môi trên bờ môi”

( Ai cho tôi tình yêu- Trúc Phương)

Vâng, tự trong thâm tâm của con người có lẽ yêu và được yêu là nỗi xao xuyến không bao giờ vơi. Cũng như bi kịch thảm hại nhất của con người đó là bị người khác từ khước và cô đơn. Mặt khác, con người được sáng tạo trong khung cảnh thời gian có khởi đầu và có kết thúc chứ không phải thời gian đi vòng tròn. Trong hành trình đó, con người dấn bước vào đời, mang lấy lịch sử đời mình, hình thành bản thân mình một cách đặc biệt, độc đáo qua quá trình lịch sử. Lịch sử cấu tạo nên bản thân của mỗi con người và làm cho mỗi người trở thành “độc đáo”. Mỗi con người được là mình trong lịch sử đời mình và mong ước được chấp nhận bản thân như mình là. Nếu như con người dùng cả cuộc đời mình để “đi cà kheo” trên phận đời tha nhân thì con người sẽ rơi vào một tình yêu vị kỷ. Quả thế, nguyên nhân tội lỗi sâu xa chính là thái độ chống lại tình yêu. Tội lỗi là ích kỷ, là hưởng thụ….và tất cả những điều đó luôn luôn là loại bỏ tình yêu đích thực đối với tha nhân.z3861409740854 8a4ed4f56f4f2a30e314b990df8d9325

Giữa cái mưa gió của thời tiết xứ Huế, những phận đời long đong kia đã ấm lòng biết bao không phải vì giá trị của món quà, nhưng là cách anh em học viện hiện diện trong món quà đó. Thật vậy, hành trình tạo “điểm nhấn tích cực” của anh em học viện không thể hiểu đơn giản là việc cho đi cái gì, mà đó phải là thái độ “bẻ tấm bánh đời mình” cho tha nhân. Vì chưng, như đã nói, con người luôn khao khát yêu thương, nhưng tình yêu không luôn luôn đồng nhất với một tình cảm lãng mạn, ngẫu hứng, lâng lâng, mà thiết yếu là tình yêu vị tha, là khả năng chấp nhận liên lụy với ai khác, chia vui sẻ buồn với ai khác, và cuối cùng dám hy sinh cả mạng sống vì ai khác. Đó là điều tối cần thiết mà người tu sĩ phải gắng công tập luyện trong suốt dọc dài đời dâng hiến của mình. Đó cũng là điểm nhắm tới của mọi chiều kích đào tạo căn bản trên hành trình biến đổi để nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu. Mọi sự hiểu biết nhờ học hành của người tu sĩ không phải để tìm thái độ “thanh thản” (ataraxia) như lý tưởng của người Hy Lạp nhưng là một thứ tình yêu vị tha (agape) mà đỉnh cao chính là dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu mến (xc. Ga 15,13). Giữa một thế giới tục hóa và tôn thờ chủ nghĩa, những tu sĩ trẻ có lẽ phần nào cũng bị ảnh hưởng hệ tư tưởng này. Với não trạng “sáng hay chiều cũng chừng đó bổn phận, tới hay lui cũng chừng đó con người” dường như đã xuất hiện trong mỗi chúng ta, ít là trong suy nghĩ. Với sứ điệp trở nên “người chiến thắng của tình huynh đệ” của Đức Thánh Cha Phanxicô và buổi bác ái tông đồ vừa qua, đã giúp tôi phân định lại ơn gọi của mình với những câu hỏi rất hiện sinh: Tôi đang tìm kiếm điều gì trong đời tu ? Tôi đi tu để làm gì ? Tôi có sẵn sàng sống vì người khác không ?

z3861405011851 2cb919035cbcc65252a6f08d25ccde60

Bước theo Thầy Giêsu, biết bao người đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời đích thật bằng việc tự hiến chính mình. Quả thật, Giáo Hội Công giáo vẫn bước đi và đồng hành với thế giới trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2000 năm. Một lịch sử in đậm dấu ấn của sự tan nát để hiến trao của chính Thầy Giêsu và những môn sinh của Ngài. Người tu sĩ phải trở thành người chiến thắng của tình huynh đệ cho con người trong nơi và thời họ sống. Dấu lạ lớn nhất chính là tình yêu hiến trao, là việc bẻ tấm bánh chính mình để cho nhân loại được cứu độ.

Pet Anh Tài, CSC

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *